Do công việc của cha, Trọng Loan từng qua rất nhiều vùng đất trên cả nước, đa số là vùng núi. Từ Yên Bái, Cao Bằng đến Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, sang Lào, Campuchia rồi quay về Huế và Nghệ An. Cuộc di dịch này khiến người nhạc sĩ mệnh đại hải thủy này có nhiều sáng tác nổi tiếng về miền núi. Có lúc nào hướng ra biển thì cũng là viết về đảo-ngọn núi giữa biển. Sau đó, Trọng Loan được đi học trung học tại Trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội. Học xong trung học, ông về Vinh (Nghệ An) sống với gia đình. Đó là năm 1943. Lúc này, ngoài việc thụ hưởng những thanh âm dân tộc qua các ngón đàn tài tử của cha, Trọng Loan đã tự học âm nhạc phương Tây qua sách và chơi thành thạo đàn guitar. Ấn tượng về những sáng tác lãng mạn của người đồng niên Văn Cao, Trọng Loan bắt đầu bập bùng những cung bậc của riêng mình. Nhưng chính cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới là tác động lớn lao khiến Trọng Loan bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình.
Tháng 6-1945, Trọng Loan gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc, công tác trong Đội tự vệ chiến đấu và tham gia Tổng khởi nghĩa tại Vinh ngày 20-8-1945. Đến ngày 15-9-1945, Trọng Loan nhập ngũ, trở thành đội viên Chi đội Đội Cung. Trong sự thăng hoa từ nô lệ sang tự do của toàn dân tộc, Trọng Loan hừng hực khí thế trong sáng tác đầu tay "Hành khúc đội quân xung phong Phan Đình Phùng". Tác phẩm đã trở thành bản hòa tấu của dàn kèn đồng thành phố Vinh từ thuở ấy. Sau này, ông trở thành cây sáng tác ca khúc của Đội võ trang tuyên truyền Trung đoàn 57. Giai đoạn này, những sáng tác mới mẻ của Trọng Loan đã được đón nhận tích cực bởi sự khác biệt so với những sáng tác lãng mạn thời kỳ đầu tân nhạc. Tháng 3-1949, Trọng Loan mang những sáng tác này ra trình bày ở Hội nghị văn nghệ toàn quân tại Việt Bắc và được tán thưởng như một luồng gió lạ.
Ông là nhạc sĩ duy nhất được chọn vào đội quân viễn chinh vượt Thập Vạn Đại Sơn sang Hoa Nam đất nước bạn Trung Hoa. Một loạt sáng tác độc nhất vô nhị trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Trọng Loan viết ra suốt những tháng ngày gian khổ và khốc liệt này, ông gọi là tập bài hát “bài ca viễn chinh”. Nó mang tầm vóc như bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng viết về người lính tình nguyện Việt Nam tại Mặt trận Lào.
    |
 |
Nhạc sĩ Trọng Loan (1923-2010). Ảnh tư liệu
|
Khi qua tuổi 40, cứ ngỡ Trọng Loan đã yên vị với bút pháp vốn có từ thuở ban đầu, nhưng chính sự kiện Mỹ ném bom miền Bắc ngày 5-8-1964 khiến mọi người dân miền Bắc trong đó có Trọng Loan đã bật sáng mình sang tâm thức của một dân tộc sẵn sàng đương đầu với một đối phương mạnh nhất thế giới. Hành khúc “Phải đánh lũ giặc Mỹ” của ông như một lời thúc giục bằng âm nhạc đối với cả miền Bắc. Nó đã được chuyển soạn và trở thành nhạc mở cho chương trình phát thanh trên làn sóng điện. Cũng là khoảng sáu trưởng nhưng nếu mở đầu bản valse “Xuân và tuổi trẻ” đem đến hy vọng thanh bình cho dân tộc thoát khỏi ách ngoại xâm mùa xuân 1945 thì mở đầu hành khúc “Phải đánh lũ giặc Mỹ” lại thôi thúc ý chí chống Mỹ xâm lược ngay mùa thu 1964. Nó càng bùng cháy hơn khi Mỹ ném bom đảo tiền tiêu Cồn Cỏ (Quảng Trị). Bài hát “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” với chất liệu dân ca và hò Quảng Trị là lời ngợi ca sự kiên cường của đảo xa chống trả máy bay địch. Một cuộc chuyển đổi bút pháp đã âm thầm chín dần trong tư duy sáng tạo của Trọng Loan. Và thực sự nó đã chín tới mức tỏa hương trong lịch sử âm nhạc Việt Nam bằng bài hát “Người Châu Yên em bắn máy bay”-một nhạc phẩm hay vào bậc nhất thời chống Mỹ, cứu nước.
Có một điều lạ lùng là âm nhạc thời chống Mỹ, cứu nước đề tài rất thời sự nhưng cảm xúc thì lại dạt dào, cuốn hút mãnh liệt. Giữa năm 1965, Trọng Loan lên công tác Tây Bắc. Cuộc sống chống đế quốc Mỹ của quân và dân nơi đây mà cụ thể là Châu Yên (cách gọi huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã thấm dần vào Trọng Loan lúc nào không hay. Nên cuối năm 1965, máy bay Mỹ bị quân và dân Châu Yên bắn rơi, trong đó có chiếc bị rơi do đội nữ dân quân bắn hạ thì ông đã sáng tác ca khúc “Người Châu Yên em bắn máy bay” để ngợi ca. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, ở thời điểm ấylà cán bộ nghiên cứu ở đó đã trực tiếp dạy bài hát này cho Đội văn nghệ Châu Yên, đã nhận xét về tuyệt phẩm này rằng, nó có tính dân tộc rất cao. Ông nhấn mạnh là tính dân tộc chứ không phải màu sắc dân tộc. Ở đấy, dân ca Thái và điệu xòe vòng đã nhuyễn vào giai điệu đến mức không thể tách ra được. Nó cùng giai điệu bay lượn chinh phục người nghe đến từng cảm nhận.
Trọng Loan lại tiếp tục "chín mọng" khi viết “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” dưới bút danh Hương Lan. Những tin tức về Mặt trận Quảng Trị không chỉ làm nức lòng người dân mà nó còn làm xao xuyến tâm hồn nhạc sĩ-chiến sĩ Trọng Loan. Dựa vào dân ca Quảng Trị và nhịp hò giã gạo, bài hát đã ra đời giản dị, thấm vào lòng người, nhất là những người lính chiến trường. Ra đời năm 1967 nhưng đến thời tôi thành lính vào Quảng Trị năm 1972, đây vẫn là bài hát dẫn lối cho người lính xông pha trong khói lửa.
Một kiệt tác được Trọng Loan thai nghén nhiều năm-“Lời ca dâng Bác” ra đời trong dịp mừng thọ Bác năm 1968. Tránh né được những vinh danh lớn trong cách viết về Bác, Trọng Loan đã mang chính sự mộc mạc của mình ra để tìm đến một hướng ca ngợi Bác chân thành đến bất ngờ. Sử dụng chất liệu dân ca miền Trung quê hương Bác, người nhạc sĩ dùng những ca từ khiêm nhường, cô đọng và hàm súc cho hai câu nhạc mở rộng ở thể một đoạn đơn, ngắn đến nỗi không thể ngắn hơn: “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác”...
Năm 1973, ở tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", Trọng Loan mới đủ độ đằm sâu để viết nên một nhạc phẩm trả ơn quê hương Yên Bái nơi ông sinh thành. Có thể đến tuổi đó Trọng Loan mới hòa mình vào trăng sao, thiên nhiên. Bài hát “Trăng sáng trên rừng quế” lại đánh dấu thêm một mốc mới đáng kể trong sự nghiệp sáng tác của ông. Cái tứ mời trăng sau này đã được nhà thơ Hoàng Trung Thông sử dụng để tạo ra cả một tập thơ đầy tâm tư, nhưng trong nhạc phẩm “Trăng sáng trên rừng quế” thì lại được Trọng Loan sử dụng đầy chất trẻ thơ: “Đêm nay mời trăng cùng xuống chơi đây hòa vui cùng ta. Và rừng quế thơm hương ngày càng thêm tươi”...
Năm 1975 là năm lịch sử của dân tộc khép lại cuộc trường chinh thống nhất đất nước. Trọng Loan cũng hòa vào niềm vui bất tận đó của cả dân tộc. Theo bước đoàn quân, những sáng tác của ông đều là những trận thắng. Ở Tây Nguyên giải phóng, ông viết “Hát trên Tây Nguyên giải phóng". Ở Huế giải phóng, ông viết “Hát trên sông Hương của ta”. Vào Sài Gòn giải phóng, ông viết “Quân Giải phóng đã về đây”, trẻ trung đến bất ngờ. Rồi chợt đằm lại trong mùa xuân thống nhất đầu tiên với “Từ mùa xuân này ta hát chung bài ca”.
Sau ngày thống nhất, miền Nam tiếp nhận âm nhạc hàn lâm từ miền Bắc, còn miền Bắc lại tiếp nhận nhạc nhẹ với những biểu hiện khác lạ từ miền Nam. Không chỉ các nhạc sĩ trẻ mà ngay cả những nhạc sĩ tiền bối cũng mở lòng tiếp nhận. Trọng Loan cũng không ngoại lệ. Nhưng cách tiếp cận của ông tự nhiên, không khiên cưỡng. Muốn thế, phải tự trẻ lại bằng chính tâm hồn mình. Năm 1980, ông đưa tiếp điệu slow rock vào nhạc phẩm “Em sẽ lớn lên dưới mái trường”. Đến năm 1981, Trọng Loan đưa ra một kiểu nhạc nhẹ riêng biệt của mình ở “Nếu em tới thăm đảo”. Một cái tứ bất ngờ một lời ngợi ca lính đảo không trực diện mà rất tình, rất sâu sắc. Những đảo phách nhịp 2/4 vốn quen thuộc trong âm hưởng Tây Nguyên, giờ đây hoàn toàn xuất sắc trong tiết điệu nhạc nhẹ trẻ trung, tưng bừng: “Ở đảo xa xôi nơi đây tôi ước sao có một ngày người thương tôi sẽ tới/ Trong gió reo biển khơi em thấy ngay đảo tôi cả một nước non tuyệt vời”.
Ngoài việc ngưỡng mộ tài năng của người nhạc sĩ lặng lẽ, khiêm nhường dâng hiến, tôi còn có tình riêng rất đỗi khăng khít với Trọng Loan khi nghe ông nhạc tôi kể về Trọng Loan trong những ngày cùng ông xuyên Thập Vạn Đại Sơn. Ông vừa kể vừa hài hước về tác giả của những "bài hát viễn chinh". Bởi thế, tôi thấy rất gần gũi với Trọng Loan, nhất là khi tôi về làm ở Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, còn ông là Trưởng ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh em gần gũi nhau đến nỗi ông hay kể về cả con gái-nhạc sĩ Tường Lan, cậu con trai bác sĩ nhưng cũng rất mê nhạc Trọng Lưu và Trọng Linh-một nghệ sĩ dương cầm ở nơi đất trời xa, ông tặng tôi cả một CD trình tấu của cháu.
Trọng Loan cứ thế, sống cuộc đời với âm nhạc, vì âm nhạc, cho đến rạng sáng 22-6-2010, ông thanh thản ra đi ở tuổi 88, không chút vướng bận, để lại cho đời bao giai điệu đẹp. Những giai điệu bất tử, thành cổ điển kinh viện. Thời gian chớp mắt. Vậy mà xa ông đã tròn một con giáp. Vậy mà đã tròn 100 năm Trọng Loan.
Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA