Năm ấy, năm 1972, cách đây nửa thế kỷ. Năm ấy đã có một mùa hè đỏ lửa, đỏ lửa ở An Lộc, ở Kon Tum và nhất là ở Quảng Trị. Năm ấy hòa đàm Paris tái hợp sau thời gian gián đoạn. Nhưng hình như sau khi đã tới Trung Quốc, rồi Liên Xô, Nixon ngỡ mình chiếm thế thượng phong trên bàn hòa đàm. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Việt Nam. Việc ký kết lâm vào thế bế tắc. Đúng như tiên đoán của Bác Hồ nhiều năm trước, Mỹ đã mở chiến dịch tấn công bằng B-52 hòng hủy diệt Hà Nội để giành lại thế thượng phong trên bàn hòa đàm. Năm ấy, mùa đông Hà Nội lại rực lửa chiến đấu như mùa đông 1946 bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm ấy, "Hà Nội-tháng Chạp nóng". Một mùa đông khép lại một thời dài chiến tranh. Một thời chiến tranh bắt đầu bằng mùa đông Hà Nội và cũng kết thúc bằng mùa đông Hà Nội. Điều kỳ lạ này trong lịch sử chiến tranh Việt Nam đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các học giả, các tác giả văn nghệ. Một đề tài để suy ngẫm không có hồi kết.
Đối với riêng tôi, khi ấy đang ở Trường Sơn, bỗng một ngày đẹp trời không thấy bom đạn trút xuống như mọi ngày. Cái sự phá quy luật này khiến lính Trường Sơn có chút băn khoăn. Không hiểu Mỹ lại giở chiêu trò gì mới đây? Hóa ra, Mỹ đã dùng hết sức mạnh không lực vào chiến dịch hủy diệt Hà Nội. Chính vì thế, qua nhiều năm, tôi vẫn cứ tìm hiểu về 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”. Cuộc tìm hiểu bắt đầu từ những giai điệu.
Người nhạc sĩ mà tôi gặp đầu tiên là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trong những ngày “Hà Nội-tháng Chạp nóng”, ông đã tung ra hai bài hát rực lửa chiến đấu: “Hà Nội những đêm không ngủ” và “Hà Nội-Điện Biên Phủ”. Ông kể rằng khi ấy, ông phải trực tại Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 Quán Sứ, Hà Nội, trực chiến ở một căn hầm. Nghe tin bom đã thả xuống tập thể Đài ở Đại La và nghệ sĩ Châu Loan đã thiệt mạng, một nỗi căm hờn dâng lên khôn tả. Ông tranh thủ đạp xe về thăm nhà, trên đường đi nghe tiếng đàn nhà ai thánh thót trong đêm. Có lẽ đây mới là Hà Nội, một Hà Nội vẫn hiên ngang, lãng mạn trong tang tóc. Và cứ thế, giai điệu ngân nga trong căn hầm ở Đài. Ông nhớ hình như là đêm 23-12-1972. Giai điệu ấy chính là bài hát “Hà Nội những đêm không ngủ”. Ông đưa chuyện tiếng đàn vào lời hát: “Thánh thót đàn của ai ngân dài phố vắng/ Bài tình ca đất nước càng sâu lắng/ Người Hà Nội mang trong tim độc lập, tự do thiêng liêng/ Ngẩng đầu lên ngân cao tiếng hát/ Dù đổ nát, đau thương/ Lòng chúng ta sáng ngời/ Máu xương giành lấy cuộc đời...”. Và đau thương đã biến thành sức mạnh. Sau giai điệu da diết trên, Phạm Tuyên đã thét lên nỗi căm hờn như một trang sử, ghi nhận trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” bằng âm nhạc trong thời điểm “tháng Chạp nóng”. Bài hát “Hà Nội-Điện Biên Phủ” đã được thu thanh ngay và tung lên làn sóng điện cho toàn thế giới thưởng thức: “B-52 tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời... Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù/ Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng...”.
Cùng trực chiến tại Đài Tiếng nói Việt Nam với nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Phan Nhân lại viết về khoảnh khắc sau chiến thắng lẫy lừng khiến Hà Nội trở thành niềm tin và hy vọng cho cả nước xốc tới trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước đang còn ở phía trước. Bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã mở ra đầy lạc quan, kiêu hãnh: “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô/ Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô/ Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau”. Có cảm giác giai điệu tỏa ra ánh sáng dẫn đường cho những người lính đang dấn thân ở các chiến trường: "Sáng soi bóng đêm Trường Sơn lắng trong nước sông Cửu Long, nhẹ nâng bước chân hành quân dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền...". Có điều lạ rằng đây là một bài hát ca ngợi chiến thắng của ta nhưng nó lại được trường nghệ thuật Meca (Houston, Texas, Mỹ) đưa vào giáo trình dạy tác khúc cho những học sinh học sáng tác.
|
|
Cảnh người dân Ngọc Hà xem máy bay B-52 rơi ở hồ Hữu Tiệp, trong phim "Hà Nôi 12 ngày đêm". |
Cuộc tìm hiểu bắt đầu từ chính những mất mát của gia đình anh cả tôi. Hồi đó, sau Hiệp định Paris năm 1973, tôi được cử ra Hà Nội công tác. Từ Trường Sơn, xe tải đưa thẳng tôi về nhà anh cả ở ngõ số 2 dốc Ngọc Hà. Khi ấy, xác B-52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp dường như vẫn còn tỏa hơi nóng. Chính cái "pháo đài bay" này trước khi rơi xuống thì xẹt qua làm cháy nhà anh cả tôi. Lúc tôi về, nhà mới được dựng lại vài tháng. Vụ cháy nhà không chỉ làm thiệt hại rất nhiều gia sản của anh cả tôi mà còn làm cháy cả những cuốn nhật ký tôi gửi lại nhà anh trước khi vào chiến trường Quảng Trị cuối xuân 1972. Tôi chợt nghĩ, rồi tất cả sẽ qua đi, sẽ lành lại. Chứng tích về “tháng Chạp nóng” này sẽ chỉ còn trong những bài hát, những bức họa, những bài thơ. Điều này khiến tôi nhớ tới nhà thơ Vũ Đình Văn. Văn sinh vào mùa xuân 1951 ở Vụ Bản, Nam Định nhưng cả tuổi thơ và đầu thanh niên thì ở 47 Lãn Ông, Hà Nội. Đang học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì tháng 12-1971, Văn tình nguyện nhập ngũ và thành lính tên lửa. Môi trường bộ đội khiến năng khiếu thơ trong Văn thăng hoa tột độ. Bài thơ “Nửa sau khoảng đời” của Văn in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội hay đến mức tôi thuộc nằm lòng: “Đêm hành quân anh nhớ em quá thể/ Khoảng đời đầu có nhớ khoảng đời sau/ Ở đây núi rừng xanh lại nghe xanh sóng biển/ Đố em tìm, em chẳng thấy anh đâu...”.
Bài thơ “Đêm hành quân qua phà Long Đại” của Văn được giải thưởng Báo Văn nghệ năm 1972. Năm ấy, Hoàng Nhuận Cầm cũng được giải thưởng. Hoàng Nhuận Cầm tuy học tổng hợp Ngữ văn nhưng là bạn thơ và còn nhập ngũ trước Văn, từ ngày 6-9-1971. Lúc Văn chiến đấu chống B-52 “tháng Chạp nóng” ở Hà Nội thì Hoàng Nhuận Cầm và tôi đang ở Trường Sơn. Tin Văn hy sinh ngay trên trận địa ngày 27-12-1972 đã loan nhanh vào chiến trường, để lại nỗi tiếc thương vô bờ bến về một tài thơ trẻ. Bởi vậy, khi nhìn căn nhà anh cả đổ nát, tôi đã rất nhớ Văn. Điều ấy cứ đeo đẳng trong tôi suốt năm tháng sau, nhất là khi đọc tập thơ “Tuổi hai mươi” Văn in cùng Cầm. Điều ấy càng bập bùng trí nhớ... "Tháng Chạp nóng" qua đi 10 năm nhưng câu thơ của Văn trong bài “Mười ba bậc cầu thang” thì còn mãi với nhân gian: “Phút giáp trận bao giờ cũng nhớ/ Mười ba bậc cầu thang, em lên/ Những bậc thang xẻ bờ công sự/ Đủ bình yên những ý nghĩ riêng quen”. Vào dịp tháng Chạp năm 1982, tôi đã viết bài thơ “Khoảng sáng tháng mười hai” để thương nhớ Văn:
Khi mình về, nhà đổ chưa dựng lại
Trong Bách Thảo xác B-52 nằm
Tháng mười hai chỉ còn như vậy
Im lặng trong bài thơ của Văn
Trong bài thơ của Văn
Khoảng sáng soi ấm áp
Hát lên rất nhiều chân thực
12 ngày Hà Nội-Khâm Thiên.
Cứ thế, “tháng Chạp nóng” và thơ Vũ Đình Văn cùng bài hát của Phạm Tuyên, Phan Nhân cứ văng vẳng mãi trong tâm trí mọi người...
Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA