Âm nhạc tham gia chống dịch
Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian qua, có thể nói âm nhạc là lĩnh vực nghệ thuật đã tham gia sôi nổi vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều sáng tác kịp thời cổ vũ, động viên các lực lượng nơi tuyến đầu và người dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Trong khi cả nước đang trải qua bao khó khăn bởi dịch bệnh, nhất là các lực lượng nơi tuyến đầu, thì giới nhạc sĩ cũng góp phần vào công cuộc đó bằng những sáng tác để kịp thời động viên các y sĩ, bác sĩ, bộ đội, công an, những tình nguyện viên...; động viên người dân cả nước vững tin, đoàn kết cùng nhau vượt qua đại dịch. Thời gian qua, không ít tác phẩm âm nhạc liên tục được giới thiệu tới người nghe cả nước. Các nhạc sĩ thậm chí tự thu âm, sản xuất chương trình bằng mọi hình thức để thông tin tuyên truyền đến công chúng. Có ca khúc nhắc nhở mọi người thực hiện tốt "5K" như “Vũ điệu 5K” (Bùi Công Nam); có ca khúc là nỗi lòng nữ bác sĩ trẻ từ biệt mẹ xông pha nơi tuyến đầu, thể hiện ý chí, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh như “Mẹ ơi con sẽ về” (nhạc Đỗ Hồng Quân, thơ Nguyễn Hồng Vinh); hay những lời động viên gửi tới những người dân ở khu cách ly như “Niềm tin” (nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy); “Em ở nhà chống dịch” (nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn) viết cho thiếu nhi...
Rồi các nghệ sĩ không ngại đưa âm nhạc vào khu cách ly, bệnh viện. Thậm chí, có những nhạc sĩ, nghệ sĩ lâm bệnh nhưng ngay cả khi nằm trên giường bệnh vẫn sáng tác. Người nhạc sĩ trong những lúc này chỉ biết bằng tâm hồn, trí tuệ của mình mang đến một món ăn tinh thần, mong sao y sĩ, bác sĩ đang ở tuyến đầu bớt được phần nào mệt mỏi, người bệnh giảm phần nào cơn đau...
|
|
Nhạc sĩ Đức Trịnh. Ảnh: THU HÒA |
Trong hai năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng thực hiện nhiều chương trình âm nhạc để cổ vũ, động viên công cuộc chống dịch của cả nước. Đầu năm 2020, hội tổ chức cuộc vận động sáng tác về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19 và nhận được hơn 200 tác phẩm, sau đó tuyển chọn 100 tác phẩm chất lượng và xuất bản một tập ca khúc mang tên “Niềm tin”; đồng thời dàn dựng Chương trình nghệ thuật trực tuyến “Niềm tin-chúng ta là người chiến thắng”, được đông đảo công chúng quan tâm hưởng ứng. Tháng 7 vừa qua, hội tiếp tục phát động đợt sáng tác và chỉ sau hơn một tuần đã nhận được hơn 400 ca khúc của các tác giả chuyên và không chuyên trên khắp cả nước. Chúng tôi đã chọn 17 ca khúc để thu âm, ghi hình, phát online trong Chương trình “Tiếng hát át Covid” dịp kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam (3-9) vừa qua.
PV: Trong hàng nghìn ca khúc về đề tài phòng, chống dịch thời gian qua, có rất nhiều ca khúc viết về bộ đội. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận chống dịch đã được khắc họa trong âm nhạc như thế nào, thưa ông?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ cũng được khắc họa rất rõ nét, gây nhiều xúc động. Không chỉ là những bác sĩ quân y chăm lo cho người bệnh, từng đoàn cán bộ, học viên quân y lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, mà còn có hình ảnh những chiến sĩ phục vụ ở các khu cách ly, bộ đội nơi biên giới sẵn sàng nhường doanh trại cho người dân, lập hàng nghìn chốt chặn ở rừng để ngăn dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, hay các chiến sĩ trẻ có mặt trên khắp phố phường, tới từng con hẻm nhỏ giúp dân đi chợ...
Vừa rồi tôi viết ca khúc “Những thiên thần thành phố” nói về các nữ quân nhân như những nữ biệt động xưa len lỏi vào từng ngõ ngách trong thành phố, với nhiệm vụ không kém phần nguy hiểm, đòi hỏi không chỉ sự dũng cảm, mưu trí mà còn phải hiểu biết, có kiến thức. Nhiều ca khúc về chủ đề này đã được các nghệ sĩ, đơn vị dàn dựng, như: “Cảm ơn những ngôi sao tuyến đầu” (Lê Anh Thủy), “Những bước chân chiến thắng" (Dương Đức) của Đoàn Văn công Quân khu 1. Rồi rất nhiều ca khúc được công bố trên các trang mạng: “Những chiến sĩ thầm lặng” (Thiên Lan); “Bộ đội ta về phố” (Quỳnh Hợp); "Thân thương lính Cụ Hồ" (thơ Trần Thế Tuyển, nhạc Nguyễn Văn Hiên); “Những bước chân nơi tuyến đầu” (Bùi Anh Tôn)... Có những ca khúc được viết và thể hiện bằng phong cách rất trẻ trung như bài rap “Sứ mệnh từ trái tim” (Mùi Thái)...
Khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới
PV: Không chỉ trong dịch bệnh, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã xuất hiện trong âm nhạc thời kỳ mới như thế nào, thưa ông?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vẫn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm âm nhạc thời kỳ mới. Đó có thể là phản ánh nhiệm vụ, huấn luyện, đặc thù từng đơn vị và cũng có nhiều ca khúc mà trong đó khắc họa hình ảnh những chiến sĩ giúp dân trong thiên tai, hay những tấm gương hy sinh trong huấn luyện, làm nhiệm vụ thời bình. “Non sông người chiến sĩ” của Mai Kiên nói về bộ đội hải quân, lục quân, phòng không-không quân, biên phòng; “Ước mơ chiến sĩ” của Lưu Hà An đầy sức sống, sôi nổi về người lính, nổi tiếng trong Chương trình "Chúng tôi-Chiến sĩ"; “Thanh xuân gửi lại” của Phạm Hoàng Huy tôn vinh người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-nghệ thuật; “Sứ mệnh trái tim” của Hoàng Thị Hồng Ngọc viết về lực lượng quân đội tham gia Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; “Có đôi” của Lê Anh Thủy, “Guitar lính” của An Hiếu, “Yêu anh-người lính” của Hoàng Hồng Ngọc là những bản “tình ca người lính”...
Có thể nói, âm nhạc đã phản ánh sinh động hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên mọi mặt trận, đồng hành với đất nước trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Không chỉ các ca khúc có lời ca trau chuốt, mang tính khái quát, biểu tượng cao, còn có nhiều ca khúc mang hơi thở cuộc sống đương đại với màu sắc, phong cách tươi trẻ.
PV: Cũng có ý kiến cho rằng, sáng tác về bộ đội tuy nhiều nhưng chúng ta thiếu những tác phẩm xuất sắc, đỉnh cao so với thời chiến tranh, thưa ông?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Thời gian gần đây, nhiều tác phẩm âm nhạc xuất sắc đã xuất hiện, như: “Tổ quốc gọi tên mình” (nhạc Đinh Trung Cẩn, thơ Nguyễn Phan Quế Mai), “Tổ quốc nhìn từ biển” (nhạc Quỳnh Hợp, thơ Nguyễn Việt Chiến)... Nói vậy để thấy rằng, giai đoạn mới, chúng ta vẫn có rất nhiều ca khúc hay về người lính. Nhưng để so sánh thì trong chiến tranh, đề tài tương đối tập trung; hơn nữa, sự hy sinh, mất mát lớn và tác động rất trực tiếp vào cảm xúc của người sáng tác và người nghe; tuyên truyền, quảng bá chủ yếu qua đài. Khi một ca khúc mới được giới thiệu là người người cùng nghe, cảm nhận được khí thế trăm người như một. Bây giờ lại có rất nhiều phương tiện giải trí, truyền thông khác nhau, khiến ngay cả các nhạc sĩ cũng bị “thiệt thòi”, bởi lực lượng sáng tác đông đảo nhưng cũng bị phân tán ra nhiều lĩnh vực, phương tiện, khiến khán giả cũng chia nhỏ nhiều kênh. Vì nhiều lý do như thế nên nhìn chung thời kỳ mới ít xuất hiện các tác phẩm đỉnh cao hơn giai đoạn trước, nhưng là bởi các tác phẩm bị phân tán chứ không hề kém hơn.
Ở nhiều nước có nền nghệ thuật tiên tiến, thậm chí có những giai đoạn âm nhạc khủng hoảng khi bị phân chia ra như những dòng suối nhỏ. Chúng ta đang có lực lượng sáng tác đông đảo, cả chuyên nghiệp và không chuyên quan tâm, yêu thích đề tài người lính, chiến tranh cách mạng. Vậy nên cũng không cần lo ngại sẽ thiếu tác phẩm hay, bởi mỗi thể loại âm nhạc, mỗi thế hệ âm nhạc đều có cách thể hiện, thưởng thức riêng và dần dần, những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao sẽ sống cùng thời gian. Thực tế, không ít tác phẩm phải sau mấy chục năm mới nổi tiếng và rồi sẽ sống mãi.
PV: Cảm xúc về đề tài người lính hấp dẫn không chỉ nhạc sĩ chuyên nghiệp mà không ít tác giả không được đào tạo về âm nhạc cũng có những sáng tác về bộ đội rất hay, được người nghe trong và ngoài quân đội yêu thích, dù có thể về chuyên môn chưa được tốt. Gần đây xuất hiện bài hát “Có một nghề” của Đại úy Vũ Văn Quốc ở Quân khu 1 chẳng hạn. Chúng ta cần có hình thức động viên, khuyến khích và hỗ trợ đội ngũ sáng tác như thế nào, thưa ông?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Tổng cục Chính trị đang tổ chức trại sáng tác âm nhạc do Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chủ trì thực hiện với đề tài “Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới”, trong đó có Hội thảo “Xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thông qua tác phẩm âm nhạc trong thời kỳ mới”. Dù trong điều kiện dịch bệnh, phải tổ chức online, nhưng đã có nhiều tác phẩm hay gửi về. Đây là hình thức đầu tư rất tốt để có các sáng tác mới về người lính. Mở trại sáng tác, mời các nhạc sĩ trong và ngoài quân đội đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đi thực tế... các cấp quản lý, các nhạc sĩ qua đó nắm bắt được nhu cầu của bộ đội, nắm bắt được xu hướng, thị hiếu đời sống quân đội, xã hội cần gì... để sáng tác. Dù thế nào thì mục đích của nhạc sĩ sáng tác là phục vụ công chúng. Không phải chạy theo thị hiếu đơn thuần, nhưng phải biết được công chúng muốn gì, cần gì để đáp ứng kịp thời, thì âm nhạc mới có ý nghĩa lớn.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam mỗi năm thường tổ chức hai trại sáng tác luân phiên ở các vùng, miền. Ngoài đề tài về tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, có cả đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các cuộc thảo luận về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong âm nhạc...
Bên cạnh đó là những cuộc tổng kết, trao giải để chọn ra những tác phẩm tốt, đầu tư quảng bá rộng rãi cũng là cách động viên, khuyến khích sáng tác.
Ở lĩnh vực nào cũng vậy, để có tác phẩm chất lượng, đỉnh cao luôn cần sự đầu tư. Nhạc sĩ viết được ca khúc hay phải có kinh phí để dàn dựng, quảng bá thì mới mang lại giá trị tương xứng, vì vậy, cần đầu tư trọng điểm hoặc chọn các tác giả đã có ý tưởng sáng tác chất lượng để đầu tư. Với các tác giả không chuyên, có tiềm năng ở các đơn vị, cần sớm phát hiện và có hình thức bồi dưỡng, đào tạo bài bản để phát huy tốt năng lực... Khi các tác giả được quan tâm, đầu tư thì chắc chắn chúng ta sẽ có tác phẩm âm nhạc tốt.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)