Cũng đã rất nhiều năm, thế giới vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao Việt Nam chiến thắng Mỹ, thống nhất đất nước? Trong nhiều câu trả lời, chắc chắn có câu “Vì âm nhạc cách mạng thời chống Mỹ có một năng lực thúc giục lòng người vô hạn. Bởi thế, những chiến sĩ giải phóng mới có đủ sức mạnh đạp qua Trường Sơn đi tới thắng lợi cuối cùng”. Quả thật, câu trả lời không hề phiến diện. Nó đã đạt đến sự tận hiểu của sự thật. Có lẽ thế nên trong các ngành nghệ thuật thời chiến tranh, âm nhạc được coi như một binh chủng tinh nhuệ, xứng đáng được vinh danh anh hùng. Là một người lính của thời đại vẻ vang này, tôi có lấy những năm tháng dâng hiến của mình làm minh chứng cho sự thật nói trên.
Ngược dòng lịch sử, cứ ngẫm lại những dòng hồi ký của Đại tướng Tổng Tư lệnh, tôi có một phỏng đoán khi ông viết: “Trận dạ tập Đồng Mu trước ngày Tổng khởi nghĩa, trước giờ phút khó khăn thì tiếng hát của quân giải phóng bật lên”. Câu hỏi đặt ra là vào thời khắc ấy, những người lính hát bài gì? Phỏng đoán của tôi là họ hát “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao. Theo Văn Cao kể lại, mùa đông năm 1944, sau khi ông viết xong “Tiến quân ca” và “Chiến sĩ Việt Nam” giao cho đồng chí Vũ Quý, hai bản hành khúc đã được gửi lên chiến khu cho đội quân cách mạng Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chắc chắn, những giai điệu hào hùng này sẽ được phổ biến cho các chiến sĩ trong đội. Và người phổ biến nó cho các chiến sĩ, có lẽ là Hoàng Văn Thái. Vì tôi nghĩ rằng, trong số các chiến sĩ trong đội, chỉ có Hoàng Văn Thái-người đã học qua Trường Quân sự Hoàng Phố, yêu âm nhạc và hiểu biết nó đến mức có thể viết ra hành khúc “Phất cờ Nam tiến”-mới có khả năng xướng âm bài hát và truyền lại cho tập thể chiến sĩ được. Hai bản hành khúc có năng lực thúc giục lòng người ghê gớm này thì hiện nay, “Tiến quân ca” trở thành Quốc ca Việt Nam. Lời ca rất phù hợp với thời khắc ấy: “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng. Tiến mau ra xa trường”... Còn bài “Chiến sĩ Việt Nam” thì cũng có những lời rất dũng mãnh: “Thề phục quốc tiến lên Việt Nam”...
Vẫn trong đoạn hồi ký của Đại tướng: “Năm trước ở Nha Trang, tôi gặp các chiến sĩ trên đường ra trận, vừa đi vừa hát”. Thời khắc ấy, các chiến sĩ “vừa đi vừa hát” bài gì? Tôi nghĩ đó là hành khúc “Giải phóng quân” của Phan Huỳnh Điểu. Hành khúc được Phan Huỳnh Điểu viết tại Đà Nẵng, cảm hứng từ việc chiêm ngưỡng các chiến sĩ trong đoàn quân Nam tiến dừng chân ở ga Đà Nẵng. Hành khúc nhanh chóng được Nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành với giá nhuận bút “khủng” khiến tác giả có thể mua lại được cây ghi-ta của vua Bảo Đại do người sở hữu nó vì lý do nào đó, bán lại. “Giải phóng quân” nhanh chóng lan truyền trong đời sống. Những người lính Nam tiến hát hành khúc này ở mặt trận Nha Trang thì cũng rất dễ hiểu với một bản hành khúc hay vừa mới ra đời.
Sau việc gây hấn ở miền Nam, tháng 11-1946, Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng, không ai nghĩ trong lực lượng cảm tử ở trận chiến Nhà hát lớn, có nguyên cả một đội văn nghệ chuẩn bị biểu diễn vào chính đêm hôm đó. Trong bài thơ dài khẩu khí, “Hải Phòng - 19-11-1946”, nhà thơ Trần Huyền Trân đã viết rằng: “Hải Phòng!/ Nảy lửa trong Nhà hát lớn/ Mười ba quyết tử quân hơn hớn/ Còn viên đạn cuối cùng/ Nhà hát rung”... Một trận chiến đạn lửa xen lẫn tiếng hát. Ngoài những bản hành khúc quen thuộc nói trên, những chiến sĩ cảm tử còn hát vang một hành khúc mới của Hoàng Quý-một hành khúc tiên đoán cho một lực lượng đặc biệt sẽ hiện diện trong đêm Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 trên chiến lũy Hà Nội. Đó là lực lượng cảm tử quân. Bản hành khúc “Cảm tử quân” của Hoàng Quý đã thúc giục các cảm tử quân “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Một trận quyết tử lịch sử ngay trong đêm 19-12-1946 là trận chiến ở Bắc Bộ Phủ. Hồi ký của Đại tướng ghi rằng: “Sau này, đọc một cuốn sách của Pháp, tác giả kể lại, khi quân Pháp tiến công vào Bắc Bộ Phủ, những người bảo vệ đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng trong tiếng hát và tiếng đàn măng-đô-lin”. Chắc chắn những bản hành khúc mà họ hát thời khắc ấy phải có “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao, “Cảm tử quân” của Hoàng Quý.
Có một vòng quay kỳ diệu của sáng tạo, đó là từ thực tế hào hùng của trận đánh, người nghệ sĩ đã sáng tạo bài hát. Bài hát làm nức lòng, người lính lại tiếp tục dấn thân, dâng hiến. Rồi cái sự dấn thân, dâng hiến ấy lại là nguồn cảm hứng khiến các nghệ sĩ tiếp tục thăng hoa thành những nhạc phẩm mới. Cái vòng quay kỳ diệu này cứ thế quay mãi theo bước chân trường chinh của những người lính cho đến ngày khải hoàn chiến thắng.
Ở chiến lũy Hà Nội ngày ấy, chiến sĩ, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã nhập hồn vào không khí chiến tranh qua lời thơ Mạc Tần mà viết nên bản hành khúc “Mơ đời chiến sĩ”: “Mùa xuân ơi không tiếc nữa đời hương/ Em lòng ơi, giữ lấy giấc mơ hường”... Đến khi bị thương ở trận giáp chiến ngõ Hàng Chỉ, nằm điều trị tại Trạm quân y phố Hàng Gai, đọc bài thơ của võ sư Trịnh Ngọc Báu với bút danh Lĩnh Nam, hồn thơ không những giúp cho vết thương mau lành mà còn giúp cho nhạc sĩ hoàn thành bản hành khúc “Lời thề quyết tử”: “Đoàn Thủ đô thề xung phong quyết tử/ Nguyện xả mình mong Tổ quốc quyết sinh”... Tất cả những hiện thực ấy còn được khái quát bởi nhà văn-nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi để rồi viết ra trường ca “Người Hà Nội” hào sảng, hoành tráng, tôn vinh đến tận cùng trận “tràng độc chiến” ở chiến lũy Hà Nội cầm chân lính Pháp suốt hai tháng ròng từ mùa đông năm 1946 sang đầu xuân năm 1947: “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung sông Hồng reo/ Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng/ Bùng cháy khắp phố ta ơi!/ Vùng lên! Chiến sĩ ta ơi!/ Trời Hà Nội đỏ máu”.
Cứ thế, các vòng quay kỳ diệu này đã dinh dưỡng tâm hồn người lính qua bao nhiêu năm tháng trường kỳ kháng chiến để rồi vỡ òa trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Và chiến thắng này đã làm thăng hoa cảm hứng khiến nhạc sĩ Đỗ Nhuận hoàn thành ngay trong đêm chiến thắng bản hành khúc “Chiến thắng Điện Biên” độc đáo hòa trộn âm hưởng dân ca Tây Bắc với âm hưởng dân ca Đồng bằng Bắc Bộ nhuần nhuyễn đến mức không dấu vết, không thể tách rời. Và ngay từ khi bản hành khúc “Giải phóng miền Nam” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vang lên khắp các chiến khu ở miền Nam với lời tiên đoán khẳng định: “Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi, dựng xây non nước sáng tươi muôn đời”, thì lớp lớp tuổi trẻ đã lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với những bước chân “đá mòn mà đôi gót không mòn”. Một cuộc chiến tranh nhân dân thiên biến vạn hóa đã được đưa ra đối đầu với một cuộc chiến tranh hiện đại, vũ khí tối tân. Mọi lập trình, tính toán chính xác đến từng vi lượng vẫn không thể tính nổi sức thúc giục lòng người của giai điệu Việt Nam. Sức mạnh vô song của vũ khí âm nhạc mà Đại tướng đã phải thốt lên ngạc nhiên trong hồi ký: “Vào những giờ phút ác liệt của chiến tranh, tiếng hát có tác dụng kỳ lạ...”.
Nhạc sĩ Huy Thục kể rằng, hồi cuối năm 1967, ở mặt trận Trị-Thiên, quân ta đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Chả lẽ trong tình cảnh như thế, lại đưa ra một giai điệu buồn nản ư? Không được. Phải đưa ra một giai điệu tưng bừng khiến lòng người vui lên, đủ sức vượt qua thử thách, cam go. Vì thế, “Tiếng đàn Ta lư” đã ra đời. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, giai điệu này qua giọng nữ cao Tường Vy đã bay theo làn sóng điện đến với từng chiếc đài bán dẫn đại đội, vang lên cùng tâm hồn người lính trong Chiến dịch Khe Sanh, cầm chân một lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Quảng Trị suốt nửa năm dài, để quân ta có thể vào giải phóng Huế, tấn công vào các đô thị miền Nam mà quật khởi, nhất là mặt trận Sài Gòn. Một giai điệu chuyển bại thành thắng vì hợp với lòng người.
Ở Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, điều kỳ lạ nhất là giai điệu khiến những người lính sinh viên có thể vượt qua những ngày bom đạn chồng chất trong 81 ngày đêm trụ bám thành cổ lại không phải là một giai điệu hào hùng mà là một giai điệu tình ca. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi im lặng không tiếng súng giao tranh của thời khắc cuối chiều, họ thường hát cho nhau nghe giai điệu bài hát “Ngôi sao ban chiều” mà lúc ấy, ai cũng nghĩ là một bài hát Nga, bên cạnh “Ka Chiu Sa”, “Giờ này anh về đâu”, “Ánh lửa”... Bản tình ca gợi nhớ về một người yêu ở nơi xa chẳng những không làm yếu mềm tâm hồn chiến sĩ mà ngược lại, càng thúc giục họ phải sống, phải chiến đấu sao cho xứng đáng với tình yêu ấy. Và họ đã hết lòng thể hiện mình từ người ngã xuống đến người còn chiến đấu. Họ còn hãnh diện hơn khi nhiều năm sau, họ được biết “Ngôi sao ban chiều” không phải là một bài hát Nga mà là một bài hát được nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu sáng tác năm 1964. Kỳ lạ trên cả kỳ lạ!
Gần đây thôi, những người lính vừa làm nhiệm vụ trên biển của mình vừa hát vang “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song. Điều cũng rất kỳ lạ là bài hát viết cho đơn ca nam nhưng những người lính lại hát thành đồng ca và thấy vô cùng hay. Sự bí ẩn này không thể giải thích được. Nó cứ thế trường tồn trong tâm thức người Việt như một hằng số của lòng yêu nước. Rồi ngay trong thời khắc ấy, lại thêm bao bài ca hừng hực khí thế ra đời và lan tỏa vào tâm hồn người lính nhanh đến không ngờ. Người lính hôm nay mà trực tiếp là người lính hải quân lại hát vang “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, phỏng thơ Nguyễn Phan Quế Mai: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả...”.
Có thể khẳng định rằng, âm nhạc luôn là nguồn dinh dưỡng tâm hồn con người mà trong đó có người lính. Chính nguồn dinh dưỡng đó đã tạo nên một sức mạnh vô song để người lính “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nguồn dinh dưỡng ấy đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm dưới ách cai trị của thực dân Pháp, hai mươi năm đối đầu với đế quốc Mỹ. Và sẽ còn vượt qua nhiều thử thách trước mặt, tự tin và bản lĩnh.
Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA