Một trong những dấu ấn nổi bật của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trên cương vị Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương là đã nghiên cứu, khảo sát kỹ mô hình Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình) để chỉ đạo, nhân điển hình. Về Đại Phong khảo sát, đồng chí không nghỉ tại nhà khách huyện mà ngủ nghỉ ngay tại xã. Với bộ quần áo bộ đội bạc màu, đồng chí đi tìm hiểu, trò chuyện với nông dân ở ven bờ sông Kiến Giang. Nhà báo Hữu Thọ, lúc đó là phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp của Báo Nhân Dân, đi công tác cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được Đại tướng giao nhiệm vụ: “Tối nay đi cấy với bà con, tâm tình xem bà con đánh giá ông chủ nhiệm hợp tác xã thế nào”. Đại tướng còn tự tay cầm chèo đi dọc sông Kiến Giang, đến tận nơi khai hoang Bến Tiến, cùng hò câu hò Lệ Thủy với nông dân.
Sau chuyến đi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giao cho thư ký là đồng chí Mai Quang Ca và nhà báo Hữu Thọ bàn bạc, trao đổi, giúp Đại tướng viết tác phẩm “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong”. Một lần, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang chủ trì buổi làm việc về nội dung cuốn sách “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong” thì có một cán bộ ngành văn hóa đến xin gặp. Đồng chí này trình ra một tập bản thảo và nói: “Đây là bản thảo những bài thơ anh viết trong thời kỳ hoạt động cách mạng, chúng tôi sưu tầm lại để in ở Nhà xuất bản Phổ Thông. Các anh ở Bộ Văn hóa, Hội Nhà văn và anh Tố Hữu đã xem. Tôi đến xin chữ ký của anh đồng ý cho xuất bản”.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giở tập bản thảo ra xem rồi nói: “Đúng là thơ của mình. Anh em chúng mình làm thơ để tỏ rõ ý chí, khí tiết mà tự động viên nhau tiếp tục chiến đấu, chứ có giá trị văn học gì đâu mà in thành sách. Đồng chí về nói tôi cảm ơn bộ và hội, nhưng không nên in, để giấy in những bài thơ hay”.
Nghe Đại tướng trả lời, nhà báo Hữu Thọ và các đồng chí trợ lý bảo nhau: “Thủ trưởng là người luôn hiểu rõ thực chất những việc mình làm. Xem ra, để nịnh những con người như anh, thật không dễ!”.
TRẦN ĐỨC (theo sách “Tình bút mực”, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2014)