Tôi cứ nghĩ, một vị tướng tham mưu thì chắc sẽ nghiêm nghị, khó gần. Nhưng không, ông giống một vị chính ủy hơn, luôn gần gũi, cư xử như một người anh, người bạn với các thành viên trên chuyến tàu. Việc cho tàu tăng tốc, thả neo hay cắt ngắn chuyến đi vì thời tiết, ông ra quyết định chính xác đến từng phút, từng giờ. Chia sẻ với tôi, các thủy thủ trên tàu rất khâm phục ông về tài chỉ huy trên biển. Tôi bèn xin phép ông viết bài về chuyện này, ông bộc bạch: “Đó là “phản xạ có điều kiện” của người lính hải quân, không đáng bàn, càng không nên viết báo”. Qua chuyến đi ấy, ông và tôi dù cấp trên, cấp dưới, người lớn tuổi, người nhỏ tuổi nhưng trở nên thân thiết.
Thời điểm ấy, vợ con ông làm việc, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh nên khi công tác tại Hà Nội, ông ở nhà công vụ-số 38, phố Lý Nam Đế. Gia đình tôi ở cùng phố, lại có hai con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn nên không ít lần ông gọi cả nhà tôi đến ăn cơm. Tôi tâm sự với vợ con: “Bác Khuê công tác xa gia đình, nay bác mời, cả nhà ta cùng đi cho bữa cơm có không khí gia đình”. Điều khiến gia đình tôi bất ngờ là lần nào mời cơm, ông và chiến sĩ công vụ cũng tự đi chợ, nấu nướng; ông nấu nhiều món ăn đặc trưng của các vùng miền... Con gái út của tôi nhớ nhất là trước khi về, bao giờ ông cũng cho quà. Khi là quả bưởi Diễn nhưng trồng ở quê hương ông (Ninh Bình); khi là chiếc bánh gai Hải Dương mà trên đường công tác ông dừng lại nghỉ chân và mua về tặng mọi người.
Một lần, trò chuyện với ông ở sân cầu lông, tôi buột miệng hỏi: “Em thấy thủ trưởng có năng khiếu thể thao, lại ở xa nhà, sao chủ nhật thủ trưởng không đi chơi golf (phong trào golf những năm 2010-2012 đang phát triển-PV) để thay đổi không khí?”.
Ông trả lời mộc mạc mà chân thành: “Bây giờ có thể có điều kiện nhưng không có thời gian. Còn khi nghỉ hưu, sẽ có thời gian nhưng sẽ không có điều kiện”.
ĐỖ NAM THẮNG