Viết về anh hùng Bế Văn Đàn, nhà thơ Chế Lan Viên đã có những vần thơ xúc động: “Ngã xuống ở Mường Pồn anh đâu biết có mùa cam,/ Anh chỉ thấy dây thép gai đồn giặc/ Tôi yêu những con người chưa hình dung ra hạnh phúc/ Lúc đồng đội cần, dẫu chết chẳng từ nan”... (Nhớ Bế Văn Đàn).

Xuất thân từ gia đình nghèo, mẹ mất sớm, cha làm thợ mỏ, chú hoạt động cách mạng bị giặc Pháp giết, cậu bé Bế Văn Đàn dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) phải đi ở cho địa chủ từ nhỏ. Sau 5 năm, Bế Văn Đàn trốn về ở với dì và tham gia hoạt động du kích. Khi mới 18 tuổi, vào tháng 1-1949, Bế Văn Đàn xung phong đi bộ đội, được biên chế vào Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Những năm 1949-1953, đồng chí Bế Văn Đàn cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh ác liệt trong các chiến dịch.

Trong cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, đồng chí Bế Văn Đàn được phân công làm liên lạc Tiểu đoàn. Một đại đội thuộc Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây giữ chặt địch ở Mường Pồn (huyện Điện Biên). Trận đánh diễn ra ác liệt, trong thế giằng co. Quá trình chiến đấu, bộ đội ta bị thương vong nhiều, tình thế cấp bách, cấp trên ra lệnh bằng mọi giá phải chặn giữ địch tại Mường Pồn, tạo điều kiện cho các đơn vị khác triển khai lực lượng.

Sau đó, đồng chí Bế Văn Đàn được lệnh ở lại trực tiếp chiến đấu cùng Đại đội. Khi đơn vị thương vong nhiều, chỉ còn lại 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng đồng chí vẫn kiên cường giữ vững vị trí chiến đấu. Khi đồng chí Chu Văn Pù đang loay hoay tìm địa hình, địa vật gá đặt chân khẩu trung liên trên mặt đất để bắn thì Bế Văn Đàn lao đến, cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai, giữ chặt và hô to: "Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!". Chu Văn Pù nghiến răng bóp cò, hàng chục tên địch ngã xuống. Đợt phản kích của địch bị bẻ gãy hoàn toàn.

Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, đồng chí Bế Văn Đàn bị thương nặng vào ngực và đã anh dũng hy sinh. Tấm gương sáng ngời của đồng chí Bế Văn Đàn đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 316 và các đơn vị trên toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày 31-8-1955, đồng chí Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Không chỉ có Bế Văn Đàn, truyền thống của Đại đoàn 316 còn ghi công của chiến sĩ Hoàng Văn Nô. Trong trận đánh ngày 31-1-1954, ở cao điểm 781, phía Đông Điện Biên Phủ (thuộc bản Tà Lèng), địch dùng pháo 105mm và súng cối 120mm bắn dồn dập vào đội hình của ta. Sau đó, một đại đội địch lợi dụng địa hình áp sát tấn công lên đỉnh điểm cao. Lúc đó quân ta chỉ có 12 chiến sĩ. Trận đánh mỗi lúc một dữ dội, quân địch tạo thành thế gọng kìm bao vây sát trận địa của ta.

Trong tình thế nguy cấp ấy, không quản ngại hy sinh, chiến sĩ Hoàng Văn Nô, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 nhảy lên khỏi giao thông hào, dùng lưỡi lê đâm chết một tên lính lê dương to cao gấp rưỡi mình. Noi gương Hoàng Văn Nô, cả tiểu đội cùng xông lên đánh giáp lá cà với địch. Không chống đỡ nổi lối đánh táo bạo một mất một còn của ta, địch hoảng hốt hò nhau rút lui. Toàn tiểu đội của Hoàng Văn Nô siết chặt đội ngũ, tiến hành truy kích địch. Khi chạy tới cuối đường đồi, Hoàng Văn Nô trúng đạn của địch và anh dũng hy sinh.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ Sư đoàn 316 tham quan nhà truyền thống của đơn vị.

Hoàng Văn Nô là người con dân tộc Tày, quê ở xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Anh ngã xuống khi mới hơn 20 tuổi. Tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Văn Nô được Bộ chỉ huy chiến dịch truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ đâm lê”. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Hoàng Văn Nô là người duy nhất được tặng danh hiệu "Dũng sĩ đâm lê". Sau này, liệt sĩ Hoàng Văn Nô được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Bài và ảnh: PHẠM DUY HẢI