Để thuận lợi trong quá trình công tác, trước khi lên đường, tôi đã liên hệ với người Trạm trưởng Trạm KSBP Cửa Sót, nhờ anh làm “hoa tiêu” dẫn đường. Như đã hẹn, sáng hôm ấy, đúng 4 giờ 30 phút, Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng quân phục chỉnh tề đón tôi ngay tại lối vào bến cảng.

Trời chưa sáng rõ nhưng không khí ở cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã đông vui, nhộn nhịp. Những chuyến tàu đánh bắt từ khơi xa trở về với cá mực đầy khoang, ngư dân phấn khởi vì có được một chuyến biển bội thu. Bên cạnh những con tàu từ khơi xa trở về, những tàu cá khác lại đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Trên bến, dưới thuyền, người nhanh tay đưa cá lên bờ, người phân loại, người cân, người vận chuyển cá ra xe… Tất cả tạo nên một khung cảnh lao động nhộn nhịp.

Khi những khay tôm, khay cá cuối cùng trên các thuyền đến tay tiểu thương để phân bổ đi khắp các chợ cũng là lúc bình minh ló rạng. Chợ cá cũng bắt đầu vãn người. Đỗ Mạnh Hùng dẫn tôi xuống thuyền của ngư dân Nguyễn Văn Chung, thôn Phú Mậu, xã Thạch Kim. Thấy chúng tôi, người đàn ông trạc tuổi tứ tuần từ buồng lái đi ra bắt tay, niềm nở: “Ôi, chào cán bộ Hùng. Anh khỏe không? Có việc chi mà đến thăm chúng tôi sớm rứa?”. Sau khi nghe tôi hỏi chuyện đi biển, ông chia sẻ: “Chúng tôi xuất phát từ 4 giờ chiều ngày hôm trước với 3 lao động, sau một đêm đánh bắt được tổng các loại hàng hóa trị giá khoảng 6 triệu đồng. Trừ chi phí chuyến này, mỗi thuyền viên có 500-600 nghìn đồng bỏ túi”.

 Đang cắm cúi ghi chép, tôi giật mình bởi tiếng gọi lớn: “A! Anh Hùng, ân nhân cứu mạng của em!”. Bất ngờ, người thanh niên từ chiếc tàu bên cạnh nhảy sang, tiến lại ôm chầm lấy Đỗ Mạnh Hùng. Hai người hỏi thăm, tay bắt mặt mừng như những người thân trong gia đình lâu ngày mới có dịp gặp mặt. Cậu thanh niên quay sang nói với tôi: “Không có anh Hùng, chắc giờ này em đã làm vật tế cho thần biển rồi. Anh Hùng là người sinh ra em lần thứ hai!”. Hỏi ra mới biết, cậu thanh niên đó là Phạm Viết Huy, sinh năm 1989, trú tại thôn Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Trong một lần đi biển, Huy không may gặp nạn và đã được Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng cứu sống. Lần đó, Huy cùng hai bạn tàu khác đang đánh bắt ở vị trí cách cảng Cửa Sót hơn 3 hải lý thì tàu bất ngờ bị sóng đánh. Nước bắt đầu tràn vào khoang và buồng lái, chiếc tàu chòng chành và chìm dần. Nhìn ra xung quanh chẳng có ai, Huy chỉ còn biết vơ vội Icom gọi cầu cứu những người lính biên phòng Trạm KSBP Cửa Sót trước khi con thuyền chìm sâu xuống biển.

Nhận được tin cấp cứu, Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng cùng anh em trong trạm mặc vội áo phao nhảy lên xuồng cứu hộ, đồng thời liên lạc với các tàu cá của ngư dân đánh bắt gần khu vực tàu gặp nạn đề nghị tiếp cận, ứng cứu. Sau 30 phút, xuồng của biên phòng đã tiếp cận chiếc tàu bị nạn. Lúc đó, tàu đã chìm hẳn, ba ngư dân bám trên những mảnh xốp trôi dập dềnh trên biển. Các chiến sĩ BĐBP nhanh chóng đưa các nạn nhân sang xuồng cứu hộ, chở về trạm sơ cứu vết thương”. Nhờ hơi ấm từ ngọn lửa, từ nồi cháo bốc khói cùng tình cảm nồng ấm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng mà chúng em hồi sức”, anh Huy kể lại. Trước khi chúng tôi rời đi, anh Huy còn gọi với: “Tuần sau đám cưới em, anh Hùng nhất định phải ghé nha. Gia đình em đã coi anh là người thân trong gia đình rồi đó!”.

leftcenterrightdel
Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng (thứ hai, từ trái sang) cùng Phạm Viết Huy (thứ ba, từ trái sang) và các ngư dân trong vụ chìm tàu ngày 20-6-2016. 
Địa bàn Trạm KSBP Cửa Sót phụ trách có lưu lượng tàu thuyền ra vào tương đối đông, đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nên tình hình an ninh trật tự khu vực trạm và cảng cá có những diễn biến phức tạp. Tình hình mua bán, sử dụng thuốc nổ, kích điện để đánh bắt hải sản, trộm cắp ngư lưới cụ vẫn còn diễn ra. Vì vậy, hằng ngày, những người lính biên phòng, trong đó có Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng thường xuyên lên các tàu vận động bà con chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quy chế khu vực biên giới biển, các quy định của địa phương; tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi khai thác tận diệt, tranh giành ngư trường, tàu nước ngoài vi phạm lãnh hải. Ban đêm, phối hợp với địa phương tổ chức họp dân, lắng nghe ý kiến bà con xung quanh vấn đề có liên quan đến an ninh, trật tự trong và ngoài địa bàn.

Nhờ tạo được mối quan hệ gắn bó thân thiết với bà con nên Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng đã được người dân địa phương tin tưởng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Điển hình như trong vụ 2.000 người dân xã Thạch Bằng gây rối tại UBND huyện Lộc Hà ngày 3-4-2017, nhiều đối tượng quá khích xông vào trụ sở ngăn cản hoạt động của toàn cơ quan, đánh một đồng chí công an bị thương và bao vây không cho lực lượng y tế vào đưa đi cấp cứu, Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng đã đứng ra tuyên truyền, vận động giải thích, ổn định tình hình…

Đối với người dân địa phương, đi biển là sinh kế muôn đời. Người làm ăn nhỏ thì đi lộng, sớm giong thuyền đi, chiều giong thuyền về. Người làm ăn lớn thì đi khơi, ra tận Hải Phòng, Quảng Ninh vài tuần mới cập bến. Những chuyến đi dài như thế, không chỉ gia đình họ thấp thỏm ngóng tin mà anh Hùng và những cán bộ, chiến sĩ ở Trạm KSBP Cửa Sót cũng không vơi nỗi lo. Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, cho biết: “Năm 2016, trạm Cửa Sót đã cứu hộ thành công 19 thuyền viên và trục vớt 7 phương tiện bị nạn trên biển, được bà con ngư dân tin tưởng và chính quyền đánh giá cao. Để tạo thuận lợi cho ngư dân thực hiện các thủ tục ra vào cửa lạch cũng như phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng đã kêu gọi các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu cảng trị giá hơn 500 triệu đồng, đồng thời đề xuất Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh triển khai hơn 10 cán bộ, chiến sĩ đóng góp ngày công xây dựng công trình. Từ đó, người dân không còn phải bơi vào trạm để làm thủ tục nữa”.

Sinh ra và lớn lên ở miền đồi núi Hương Sơn nhưng Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng đã trở thành một người con của làng biển Lộc Hà. Trên cương vị Trạm trưởng Trạm KSBP Cửa Sót, anh cùng đồng đội vẫn ngày đêm miệt mài với công việc của mình. Anh vui cùng ngư dân khi những chuyến đi biển về bến an toàn mang theo lưới nặng cá đầy. Anh trăn trở cùng sự an toàn cho những chuyến tàu và luôn canh cánh hướng về bà con ngư dân khi thiên tai bão lũ. Trong câu chuyện của những người dân địa phương, từ trẻ đến già ở làng biển đều quý trọng anh và xem anh như người anh em ruột thịt. 

Thượng tá Trần Đình Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Sót, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hoàn cảnh gia đình Thượng úy Đỗ Mạnh Hùng còn gặp rất nhiều khó khăn, bố mắc bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, vợ chưa có việc làm. Tuy nhiên, đồng chí luôn khắc phục khó khăn, an tâm tư tưởng, tận tụy, say mê, nhiệt tình, sáng tạo trong công việc. Bên cạnh đó, đồng chí còn tích cực xây dựng mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương, quan tâm giúp đỡ đồng chí đồng đội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đó, anh nhiều lần vinh dự được tặng bằng khen của Bộ tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Hà Tĩnh; được vinh danh là một trong 10 gương mặt tiêu biểu trong Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” của BĐBP tỉnh Hà Tĩnh.

Bài và ảnh: HOÀI THƯƠNG