Nguyễn Xuân Long sinh ra và lớn lên ở phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đúng dịp tổng động viên cả nước lên đường ra trận năm 1966, chàng trai xứ Thanh viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 26 Thông tin thuộc Quân khu 4. Nguyễn Xuân Long có 5 năm phục vụ chiến đấu trên các tuyến lửa thuộc địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn, đầu năm 1971, Tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Long được cử đi học 3 năm sĩ quan chính trị cấp phân đội tại Phân viện Học viện Chính trị (sau này là Trường Sĩ quan Chính trị).

Sau 3 năm rèn luyện, học tập, năm 1974, Thiếu úy Nguyễn Xuân Long tốt nghiệp và được giữ lại trường. Một năm sau, chàng sĩ quan trẻ được cử sang đào tạo chính trị binh chủng hợp thành tại Trường Quân chính Lvov (Liên Xô). Biết anh là người Việt Nam nên các thầy đã truyền tải hết những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cũng như phương pháp, tác phong công tác của người chính ủy, chính trị viên.

Mùa thu năm 1980, Thượng úy Nguyễn Xuân Long là một trong 5 cán bộ cùng học ở Trường Quân chính Lvov được cấp trên điều động về công tác tại TCCT. “Ngay sau khi về nước, tôi được điều động về Phòng Quốc tế (sau này Phòng Quốc tế sáp nhập với Phòng Kế hoạch-Tổng hợp), Văn phòng TCCT. Thời gian đầu, tôi làm ở bộ phận phiên dịch, sau đó được bổ nhiệm làm trợ lý, thư ký cho Phó chủ nhiệm TCCT khi đó là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp. Tôi học được ở thủ trưởng đức tính quý báu, đó là tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, gần gũi với bộ đội”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long kể lại.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long

Nói về người thủ trưởng kính mến của mình, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long kể rằng, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp là người có trí tuệ uyên thâm, có phương pháp đọc tài liệu, xử lý công văn rất nhanh, cụ thể và chính xác. “Có lần, vào đầu giờ làm việc buổi sáng, tôi trình thủ trưởng tập văn bản dày khoảng 100 trang để xin ý kiến nhận xét. Đến cuối buổi sáng, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp gửi lại tôi tập văn bản trên. Ban đầu, tôi cứ ngỡ thủ trưởng đọc lướt nên mới nhanh đến vậy, nhưng khi mở ra xem, tôi thấy thủ trưởng đọc rất kỹ, đánh dấu, nhận xét chi tiết từng trang một”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long nhớ lại.

10 năm là trợ lý, thư ký cho thủ trưởng TCCT (1980-1990), 7 năm trên cương vị cán bộ Phòng Kế hoạch-Tổng hợp (1990-1997), Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long luôn tâm niệm phải trung thực, giữ chữ tín hàng đầu. “Từ trợ lý đến cán bộ phòng, đây là khoảng thời gian tôi trưởng thành rất nhiều trong công tác. Quả thực, ở Phòng Kế hoạch-Tổng hợp có những thời điểm công việc chất núi, không ít cán bộ các phòng, ban chuyên môn phải chong đèn làm việc tới đêm khuya, kể cả ngày nghỉ. Làm việc ở đây, nếu mọi người không trung thực, thiếu chủ động, qua loa đại khái thì sớm muộn sẽ không tồn tại ở môi trường “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long nhấn mạnh.

Với kiến thức được trang bị ở các nhà trường trong nước và nước ngoài, kinh nghiệm làm việc tại Văn phòng TCCT, cuối năm 1997, đồng chí Long được bổ nhiệm Phó chánh văn phòng. Ở cương vị mới, đồng chí luôn bám sát phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, giảm trung gian, tăng độ an toàn, bảo mật của công văn, tài liệu...”. Tháng 9-2005, đồng chí Nguyễn Xuân Long được bổ nhiệm là Chánh văn phòng TCCT. Thời kỳ này, nhiệm vụ của Văn phòng TCCT rất nặng, đặt ra những yêu cầu mới trong tham mưu, đề xuất giúp thủ trưởng TCCT chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong toàn quân, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20-7-2007 của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy, gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Khi nhắc đến truyền thống 75 năm của Văn phòng TCCT (11-5-1946 / 11-5-2021), Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long vô cùng tự hào. Để tiếp tục viết tiếp truyền thống vẻ vang, theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long, mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động của đơn vị phải luôn tuyệt đối trung thành, trung thực, cần mẫn, tận tụy hết lòng, hết sức vì việc công; nắm chắc ý định của thủ trưởng, nắm vững tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, nhất là đơn vị cơ sở để từ đó đề xuất, tham mưu với cấp trên đúng, trúng, hiệu quả ngay từ ban đầu; kiên định trong mọi hoàn cảnh, tuy nhiên cũng cần nhạy bén, mềm dẻo, linh hoạt, không nên rập khuôn, máy móc.

Nhấn mạnh đoàn kết là khởi nguồn của mọi thành công, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long cũng không quên nhắc đến nhiệm vụ chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” của Văn phòng TCCT. Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long, điều quan trọng là cán bộ, nhân viên làm công tác tại Văn phòng TCCT luôn giữ vững vai trò chủ trì phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan chức năng giúp thủ trưởng TCCT chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong toàn quân; xây dựng và tổ chức thực hiện chỉ thị, kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị dài hạn và ngắn hạn. Bên cạnh đó, phải thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác; luôn trung thực, giữ chữ tín bởi “mất tín là mất tất cả”. Để làm được điều này, theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Long, mỗi người cần tự trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nỗ lực tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát thông qua các kênh của cơ quan, đơn vị mà mình đảm nhiệm; xây dựng niềm tin bằng uy tín của bản thân.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI