Giải nỗi đau bằng cách làm khoa học, nhân văn
Trước năm 2010, bên cạnh những phương pháp nhìn nhận, kiến giải các vấn đề xung quanh việc tìm kiếm HCLS cũng như xác định danh tính “liệt sĩ chưa biết tên” một cách khoa học, thận trọng và đã cho kết quả tốt, thì cũng xuất hiện những sự vụ lợi dụng vấn đề tâm linh, lợi dụng tự do tín ngưỡng và sự cả tin của thân nhân liệt sĩ, lập ra những điểm “dịch vụ tìm HCLS” lừa đảo để thu lợi, làm cho vô số người lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
    |
 |
Cán bộ, nhân viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trực tiếp cùng các cộng sự tiến hành khai quật mộ liệt sĩ, lấy mẫu phẩm hài cốt để giám định gien. Ảnh do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cung cấp |
Dạo ấy, ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), một gia đình được “nhà ngoại cảm” chỉ dẫn, đưa bộ hài cốt về, coi đó là HCLS. Chính quyền địa phương không cho đưa vào nghĩa trang liệt sĩ vì không có bằng chứng đó là HCLS. Trong dòng họ cũng xuất hiện hai khuynh hướng. Một bên nghe “nhà ngoại cảm”, một bên theo quyết định của xã. Sự việc được đưa lên xin ý kiến của Hội. Lãnh đạo Hội nêu phương án: Khẩn trương ký táng bộ hài cốt tại một nghĩa địa, đồng thời mang mẫu phẩm từ hài cốt ấy về Hội, làm thủ tục giám định gien. Nếu không đúng là HCLS của gia đình thì phải đưa trả ngay về nơi gia đình đã cất bốc. Ý kiến ấy được dư luận hoan nghênh.
Được Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan hữu quan thực hiện Đề án 150 (về xác định HCLS còn thiếu thông tin, Thủ tướng phê duyệt ngày 14-1-2013) giao nhiệm vụ, Hội đã ký “Hợp đồng giám định gien HCLS” với hai cơ quan: Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y Quân đội; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan lao động-thương binh và xã hội các địa phương, khẩn trương tổ chức lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ làm cơ sở tiền đề để đối chiếu với mẫu phẩm xác định danh tính liệt sĩ đã có và tiếp tục được sưu tập. Ngay sau đó, cán bộ, nhân viên Viện Công nghệ sinh học và Viện Pháp y Quân đội đã tận tụy làm việc để các liệt sĩ sớm có kết quả giám định gien, có tên, có tuổi trở về quê mẹ.
Mỗi lần trao kết quả giám định cho các gia đình liệt sĩ là một lần ngập tràn xúc động. Có đợt trao HCLS cho 21 gia đình liệt sĩ của 15 tỉnh, thành phố; trong đó có 6 bà mẹ đón nhận hài cốt của con, 10 người vợ một mình nuôi con khôn lớn đón nhận hài cốt của chồng. Bà Nguyễn Thị Tiên, 82 tuổi, vợ của liệt sĩ Nguyễn Công Khoa ở xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP Hà Nội nghẹn ngào chia sẻ: “5 đứa con nay đã khôn lớn mà không còn bố để đền đáp. Nhưng tôi vui vì đã tìm được ông nhà tôi”. Chị Phạm Thị Thúy Hà, con của liệt sĩ Phạm Thiết Kế, quê ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) chưa một lần được gặp bố. Chị lên một tuổi thì bố hy sinh, chỉ còn nhận mặt bố qua di ảnh! Hiện chị sống tại Cộng hòa Liên bang Đức. Khi được Hội báo tin đã tìm được hài cốt của bố chị qua giám định gien, chị òa khóc. Trấn tĩnh lại, chị hồi đáp: Sẽ đặt ngay vé máy bay để về đón bố. Còn anh Nguyễn Khắc Lập, sau nhiều năm tìm kiếm đã biết vị trí chôn cất của bố-liệt sĩ Nguyễn Văn Nại. Nhưng khi cất bốc lại thấy hai bộ hài cốt. Gia đình đã nhờ Hội tư vấn và giúp đỡ. Cả hai mẫu hài cốt được mang đi giám định gien. Kết quả: Một hài cốt là của bố anh. Bộ kia là liệt sĩ Nguyễn Bá Thông ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Hai gia đình chung niềm vui khôn tả. Đầu năm 2020, Hội nhận kết quả khởi đầu của đợt giám định mới, xác định đúng danh tính liệt sĩ Nguyễn Phi Nhân, quê ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hy sinh tháng 4-1975, tại huyện Long Khánh (Đồng Nai). Vì chỉ còn 8 ngày nữa là Tết Canh Tý nên lãnh đạo Hội quyết định không chờ tới kết quả của cả đợt để trao cho các gia đình như trước đó mà tổ chức trao ngay kết quả khởi đầu này để gia đình và họ tộc đón liệt sĩ về cùng vui Tết.
Cứ như thế, nỗi mong mỏi liệt sĩ về với gia đình sau mấy chục năm xa cách tiếp tục thành hiện thực. Qua 10 năm, Hội đã tư vấn, hỗ trợ miễn phí, gửi 911 trường hợp làm giám định AND. Mỗi trường hợp phải gửi cả mẫu HCLS và mẫu sinh phẩm của thân nhân. Tất cả chi phí cho tổ chức khai quật mộ để lấy mẫu HCLS và chi trả cho các cơ sở giám định gien, đều do Hội bảo đảm. Đến nay đã giám định xong hơn 90% trường hợp (đúng danh tính 453 liệt sĩ) và đã tổ chức 32 lần trao kết quả đúng, đem lại niềm tin, hy vọng cho các gia đình liệt sĩ, góp phần giảm thiểu nạn tìm kiếm HCLS theo mê tín dị đoan; chấm dứt sự hoài nghi, phân tâm của hàng trăm gia đình liệt sĩ khi chưa biết hài cốt tìm được có đúng là thân nhân của mình hay không.
“Khó mấy cũng làm”...
Hiện tại, vẫn còn gần 200.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt, khoảng 300.000 mộ liệt sĩ chưa biết tên. Được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao, Hội đã lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ Mặt trận 31 (những chuyên gia, Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, hy sinh tại Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, Lào) được quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ hữu nghị Việt-Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An để giám định gien. Sau gần một năm tập trung cho nhiệm vụ này, Hội đã kết hợp với Ban liên lạc Mặt trận 31, Viện Pháp y Quân đội cùng các cơ quan chức năng ở 36 tỉnh, thành phố, thu thập 1.050 trên tổng số 1.085 mẫu sinh phẩm cần lấy, đạt 96,7%. Hội đã tiến hành khảo sát, lập kế hoạch và trực tiếp tổ chức khai quật 11 nhóm mộ ở 9 nghĩa trang liệt sĩ tại các địa phương: Hương Thủy, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Ba Dốc (Quảng Bình); Đường 9, Hướng Hóa, Gio Linh (Quảng Trị); Hà Tiên (Kiên Giang), Long Khánh (Đồng Nai)... lấy được 393 mẫu hài cốt và đi đến hơn 20 tỉnh, thành phố, lấy hơn 400 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả giám định bước đầu được 37 trường hợp đúng, đã tổ chức trao kịp thời cho các gia đình liệt sĩ...
    |
 |
Trao giấy chứng thực kết quả xác định gien cùng huyết thống cho thân nhân liệt sĩ. |
Đại tá Nguyễn Hùng Phong (nguyên Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần), Phó chủ tịch Hội, có anh trai là liệt sĩ và chính ông đã trực tiếp chiến đấu ở Mặt trận Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, thổ lộ: “Thêm một liệt sĩ được đưa về quê hương là góp phần xoa dịu những tổn thất, thương đau của thân nhân, đồng thời cũng là để những người sống đỡ day dứt. Khó mấy chúng tôi cũng làm. Bởi còn sống trở về, có cơ hội được đi tìm anh em, đồng đội là một điều may mắn. Bất cứ khi nào, ở đâu có một chút tin tức liệt sĩ, Hội đều khẩn trương tổ chức thu thập rồi khai thác, khớp nối. Khi có đầy đủ thông tin thì tiến hành cất bốc, quy tập hài cốt ngay. Bất kể địa hình, thời tiết ra sao, khi đã có mẫu phẩm HCLS, phải tức tốc tìm dấu vết thân nhân liệt sĩ, dù có thể họ đã qua đời, đã di cư đến các vùng kinh tế mới hoặc ra nước ngoài. Lấy được mẫu sinh phẩm của họ rồi, giám định gien xong rồi, lại tức tốc đưa kết quả đến thân nhân liệt sĩ. Không làm ngay, có khi ân hận suốt đời. Như trường hợp cụ Trần Thị Nguyệt ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nhận kết quả gien đúng của con trai giữa lúc cụ ốm nặng. Hội cử cán bộ vào tận nhà trao kết quả cho cụ. Cụ ôm tờ quyết định công nhận huyết thống mà nước mắt rịn ra. Đôi môi héo hon nở một nụ cười. Sau đó vài hôm, cụ về cõi vĩnh hằng, mang theo sự thanh thản vì đã tìm được con!”.
Dù tuổi đã cao, các đồng chí cán bộ cơ quan Hội và cộng sự vẫn dẻo bước trên hành trình tình nguyện tìm mộ liệt sĩ nơi rừng sâu, núi thẳm. Chỗ nghỉ chân là nhà đồng đội dọc đường, nhà xã đội hoặc nhà dân. Thức ăn với cơm bữa, nhiều khi chỉ là canh mướp, rau tập tàng, cá lẹp kho. “Là nhân chứng chiến tranh. Còn ngày nào làm được thì vẫn sẵn sàng vì đồng đội, vì người thân của mình. Rồi đây, liệu hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa biết tên có tìm được tên? Làm sao để tất cả các ngày trong năm đều là ngày tri ân chứ không chỉ “đền ơn đáp nghĩa” trong ngày 27-7”. Những trăn trở ấy của người trong cuộc cũng là của tất cả những người biết sống “đền ơn đáp nghĩa” và thấm sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”!
PHẠM XƯỞNG