Nỗi đau chưa nguôi, ngày 18-10, một trận sạt lở núi kinh hoàng khác đã làm 22 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) hy sinh khi đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Đau thương dồn dập, chồng chất khiến người dân cả nước bàng hoàng, thương xót. Ngay lập tức, trên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt bài viết, sáng tác thể hiện tình cảm, tâm trạng của những đồng đội, người dân trước nỗi đớn đau tột cùng đó. Trong số đó, nổi bật là những tác phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ quân đội được sáng tác như thay nén tâm nhang thắp dâng đồng đội. Những ca khúc được phổ từ lời thơ của các nghệ sĩ mặc áo lính trào nước mắt xót thương đồng đội đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia đặc biệt của đông đảo dư luận...
    |
 |
Hình ảnh của đoàn công tác cứu nạn tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 được sử dụng trong các MV ca khúc tạo nên hiệu ứng đặc biệt với người xem. Ảnh: VÕ DUY ĐÔNG |
“Dậy về thôi! Đồng đội ơi” là tên ca khúc do Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội sáng tác, phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Văn Đồng. Với sự thể hiện của nữ ca sĩ Tố Nga, ngay sau khi ra đời, ca khúc đã nhận được sự đồng cảm đặc biệt, sau đó được nhiều ca sĩ thể hiện lại. Chia sẻ về tác phẩm này, Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết, những ngày miền Trung bão lũ, là người con sinh ra từ mảnh đất bi tráng này, anh liên tục vào mạng cập nhật tình hình. Tối 14-10, anh vô tình đọc được bài thơ “Dậy về thôi! Đồng đội ơi” của tác giả Văn Đồng viết về sự hy sinh của 13 cán bộ, nhân viên tại khu vực Trạm Kiểm lâm Tiểu khu 67 trong khi đi làm nhiệm vụ cứu nạn ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Lời thơ rất mộc mạc nhưng chứa đựng sự đau xót khiến anh trào dâng cảm xúc mãnh liệt. Anh liền phổ nhạc bài thơ này thành một ca khúc để thể hiện nỗi xót xa và chia sẻ phần nào đau thương với thân nhân các đồng đội. Ca khúc hoàn thành, anh gửi ca sĩ, NSƯT Tố Nga và được nữ ca sĩ nhận lời, tập hát ngay. Ngay đêm hôm sau, ê kíp phối khí, dàn dựng, quay phim... cũng khẩn trương thực hiện. Từ khi anh bắt đầu sáng tác tới khi ra MV chỉ 26 giờ đồng hồ. Tất cả đều rất tâm huyết, xem như đây là một hành động nhỏ thể hiện tình cảm của mình với đồng đội, với miền Trung yêu thương. Điều đặc biệt hơn nữa, đó là sau này tìm hiểu mới biết, cả tác giả bài thơ, người viết nhạc và ca sĩ thể hiện đều là người Nghệ Tĩnh. Bài hát có những đoạn nghe nhói lòng: “Dậy về thôi! Đồng đội ơi/ Hãy dậy về đừng nằm im như vậy/ Suối phủ màu đất đá còn đầy rẫy, tìm nơi mô để thấy đồng đội tôi/... Dậy đi thôi! Ơ... Hãy dậy đồng đội ơi/ Mẹ đang chờ đồng đội về cùng đó/ Hãy dậy đi về với đàn con nhỏ, vẫn chờ cha về phép đón đi chơi...”.
Cùng với “Dậy về thôi! Đồng đội ơi”, ca khúc “Về đi các anh ơi”, lời thơ Phạm Văn Hùng, do Thiếu tá QNCN Hồ Thu Trang, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 4 sáng tác, qua tiếng hát của người đồng đội cùng đoàn là Trung tá QNCN, NSƯT Vũ Tiến Lâm cũng thu hút được hàng trăm nghìn lượt người xem trên mạng xã hội YouTube chỉ sau hơn chục giờ xuất hiện. Ca khúc được lan tỏa rộng rãi do chạm đến cảm xúc tận cùng của sự đau thương, nói giúp nỗi lòng của hàng triệu người trong thời điểm hiện tại.
Thiếu tá QNCN Hồ Thu Trang tâm sự, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đang trên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại Trạm Kiểm lâm Tiểu khu 67 là những người chị đã từng gặp hoặc đến đơn vị giao lưu. Chính vì vậy, khi bắt gặp bài thơ “Về đi các anh ơi” của Thiếu tá Phạm Văn Hùng, đang công tác tại Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, chị lặng người đi vì bao cảm xúc đan xen, vừa đau đớn, vừa xót thương, nuối tiếc. Dường như bài thơ đã nói giúp mọi tâm tư, tình cảm chất chứa trong lòng chị. Và cứ thế, chị viết, liền mạch, vừa viết nước mắt vừa tuôn chảy. Dù sáng tác khá nhiều nhưng đây là ca khúc được chị viết nhanh so với thường lệ. Có lẽ đó là sự cộng hưởng đặc biệt của lời thơ và ý nhạc, mặc dù tác giả âm nhạc và bài thơ không hề quen biết nhau. Ca khúc có những câu khiến người nghe không cầm nổi nước mắt: “Về đi nào, về thôi các anh ơi/ Đồng đội gọi vang cả trời xứ Huế/ Nước mắt đau thương tuôn trào sóng bể/ Đồng đội ơi! Nghe tiếng gọi không/ ... Chiều nay trời mưa tuôn nước mắt/ Mẹ già con thơ vẫn dõi tin chờ/ Anh đâu rồi anh hãy trả lời đi/ Manh áo lính có làm anh đủ ấm/ Các anh ở đâu giữa núi rừng xanh thẳm/ Rào Trăng, chẳng còn ánh trăng thanh, chỉ có lũ dâng hoang tàn đổ nát/ Khúc ruột miền Trung chìm trong nước mắt/ Về đi nào, về thôi các anh ơi...”.
So với các tác giả của hai ca khúc trên, Trần Tùng, biên tập viên trẻ của Phòng Thời sự truyền hình (Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội) có ít kinh nghiệm sáng tác hơn nhiều. Nhưng không vì thế mà ca khúc “Gọi tên anh-Đồng đội ơi!” được anh coi là nén tâm nhang tưởng nhớ các đồng đội lại kém sâu sắc, day dứt, xót xa. Theo chia sẻ của Tùng, là biên tập viên thời sự nên ngay sau khi sự việc đau thương xảy ra, từng giờ, từng phút, anh đều liên tục cập nhật tin tức từ đồng nghiệp có mặt tại hiện trường và các trang thông tin, mạng xã hội. Chiều 14-10, Tùng vô tình đọc được hai bài thơ trên mạng xã hội là “Gọi đồng đội” của nhà báo Bùi Tiến, trú tại tỉnh Hà Tĩnh và bài thơ “Về đây! Trong vòng tay đồng đội” của nhà báo Chiến Văn (Trung tá Nguyễn Văn Chiển, Báo Quân đội nhân dân). Ngay lập tức, những nốt nhạc, giai điệu của bài hát bật ra trong đầu Tùng. Sau khi xin phép tác giả các bài thơ, Tùng đã bắt tay viết một mạch ca khúc và cùng vợ là Quỳnh Như thực hiện thu âm, phối khí, dàn dựng suốt đêm. Ca khúc được hoàn thành chỉ trong vòng 24 giờ. Dù đây chỉ là sáng tác chính thức thứ hai của Tùng, song ngay sau khi được chia sẻ, MV “Gọi tên anh-Đồng đội ơi” của Trần Tùng với lời hát da diết, ám ảnh của chính vợ chồng anh đã gây cảm xúc đặc biệt cho người nghe, khiến mạng xã hội “dậy sóng”. Đặc biệt, MV của Trần Tùng còn khiến người xem rớt nước mắt, bởi ngoài ca từ, giai điệu, giọng hát, trong đó còn có những hình ảnh quý báu do đồng nghiệp ghi lại những hoạt động cuối cùng của một số thành viên đoàn công tác trước khi họ bị khối đất đá khổng lồ vùi lấp. Trong bài, có những câu từ đầy xót xa: “... Còn ai không? Đồng đội ơi/ Hãy đáp lại một lời thôi cũng được/ Một lời thôi yếu ớt/ Chúng tôi đây. Đồng đội ơi.../ Xin cho mưa hãy đừng qua nơi đó/ Xin cho trời hãy lặng im tiếng gió/ Các anh nằm dưới kia đã lạnh lắm/ Giờ mong được sớm về trong tay đồng đội thôi...”.
Ngoài 3 sáng tác trên, ca khúc “Mong chỉ là giấc mơ”, nhạc: Đức Nghĩa, lời thơ: Thanh Tâm, được thể hiện bởi ca sĩ Hoàng Viết Danh, đều là những nghệ sĩ áo lính đã và đang công tác tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cũng tạo được ấn tượng mạnh mẽ với khán, thính giả. Đặc biệt, theo nhạc sĩ Đức Nghĩa, do có sự đồng cảm sâu sắc giữa anh và tác giả bài thơ nên ca khúc được phổ nhạc chỉ trong khoảng 30 phút. Anh sử dụng chất liệu hò Huế da diết ở phần đầu và một câu nhạc kịch tính nhằm thể hiện sự khốc liệt của cơn lũ dữ. Hiện nay, ca khúc “Mong chỉ là giấc mơ” vẫn đang tiếp tục lan tỏa rộng rãi.
Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Trong chiến tranh, sự hy sinh, mất mát đã là rất đau thương. Thời bình, trước sự hy sinh, mất mát, đau thương còn lớn hơn rất nhiều. Vì vậy mà ca khúc nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Có thể nói, ca khúc đầu tiên xuất phát từ cảm xúc của người nghệ sĩ, người đồng đội, sau đó, nó đã lan tỏa rất tốt, nhất là với cán bộ, học viên nhà trường. Tôi nghĩ ca khúc đã nói lên cảm xúc chung của rất nhiều người, đặc biệt là những người mặc áo lính.
|
Thiếu tá QNCN Hồ Thu Trang: Vừa sáng tác, tôi vừa khóc khi nghĩ về thủ trưởng, các đồng đội. Những gương mặt mà tôi đã từng tiếp xúc cứ hằn lên trong tâm trí tôi. Tôi chọn Trung tá QNCN Vũ Tiến Lâm, người anh cùng đoàn thể hiện ca khúc bởi tôi biết, chắc chắn anh Lâm cũng đang có cảm xúc giống mình. Và ca khúc chính là lời tri ân của chúng tôi dành cho người thủ trưởng và các đồng chí, đồng đội thân thương.
|
MC Trần Tùng: Tôi đã viết và cùng vợ, các cộng sự thực hiện MV ca khúc trong vòng 24 giờ liên tục, không ngủ nghỉ. Cảm xúc dồn nén đã thúc giục tôi phải nhanh chóng hoàn thành ca khúc để thay cho nén tâm nhang, cũng như lời tiễn biệt dâng lên các anh, những người lính Cụ Hồ vừa ngã xuống. Đây có lẽ sẽ là ca khúc đặc biệt nhất trong cuộc đời của tôi. |
CHIẾN VĂN - DƯƠNG THU