QĐND - Nguyên là Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu khoa học và tổ chức thực tiễn việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần về việc “học và làm theo Bác thường xuyên, hằng ngày”.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, con đường binh nghiệp của đồng chí bắt đầu như thế nào? Cách chọn nghề ở thế hệ đồng chí với cách chọn nghề của thế hệ trẻ hiện nay có gì giống và khác nhau?
Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền: Năm 1974, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi cũng như bao thanh niên lúc bấy giờ theo tiếng gọi của Tổ quốc đã xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau gần 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, tôi đã vào chiến trường Trị Thiên - Huế, kịp tham gia giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nói tới cách chọn nghề nghiệp của thế hệ chúng tôi so với các bạn trẻ bây giờ có nhiều điểm khác nhau. Bởi lẽ, khi đất nước còn chiến tranh, mọi người đều hướng ra tiền tuyến, ít người đặt ra mục tiêu cá nhân để thực hiện. Với tôi, khi còn là học sinh phổ thông, tôi ước ao được vào học tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), đây là ngôi trường mà nhiều nam thanh niên thời bấy giờ luôn ngưỡng mộ. Nhưng do điều kiện chiến tranh, tôi đã không thực hiện được ước mơ của mình. Điều đó cũng bình thường, vì chiến tranh mà...
PV: Con đường trở thành cán bộ chính trị của đồng chí được bắt đầu như thế nào? Khi còn là cán bộ trẻ, đồng chí có mơ ước trở thành vị tướng trong quân đội không? Đồng chí có tâm sự gì với các bạn trẻ xác định lấy binh làm nghiệp?
Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền: Sau giải phóng miền Nam, tôi vinh dự là lớp chiến sĩ đầu tiên của đơn vị được cử đi đào tạo sĩ quan để phục vụ lâu dài trong quân đội. Tốt nghiệp khóa 18 (1976-1979) Trường Sĩ quan Pháo binh, tôi được giữ lại làm Trợ lý Thanh niên của nhà trường. Học sĩ quan chỉ huy pháo binh nhưng ra trường, tôi được giao nhiệm vụ làm cán bộ chính trị. Không một ngày học chuyển loại chính trị, vừa làm, vừa học, tôi đã trở thành cán bộ chính trị như vậy.
 |
Trung tướng Đặng Nam Điền trò chuyện về phương pháp học tập với học viên Học viện Hậu cần. Ảnh: Thành Khiên
|
Nói thật lòng, khi còn là sĩ quan trẻ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình trở thành sĩ quan cấp tướng trong quân đội. Bây giờ đã là sĩ quan cấp tướng, nhìn lại chặng đường đã qua, mới thấy hết giá trị của sự miệt mài phấn đấu để anh em đồng đội yêu mến, cấp trên tin tưởng giao phó nhiệm vụ ngày càng cao. Với suy nghĩ đó, tôi mong các sĩ quan trẻ của quân đội hiện nay hãy bền bỉ phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Khi tích lũy đủ điều kiện cần và đủ, nhất định các bạn sẽ đạt được ước mơ trở thành những vị tướng của quân đội.
PV: Theo đồng chí, việc học tập đóng vai trò gì trong thành công của người sĩ quan quân đội? Khi đồng chí đi làm nghiên cứu sinh, đồng chí có khó khăn và thuận lợi gì?
Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền: Kiến thức là vô tận, do đó, việc học tập để nâng cao trình độ của mỗi con người là một điều rất cần thiết. Đối với người sĩ quan quân đội, để có được sự thành công trong công việc, không chỉ có học về kiến thức mà còn phải học toàn diện về tư tưởng, đạo đức, lối sống và phong cách sống. Theo tôi nghĩ, học tập là chìa khóa của mọi thành công.
Bản thân tôi khi học ở Trường Sĩ quan Pháo binh và Học viện Chính trị Quân sự, tôi đều là thủ khoa, chính điều đó đã thôi thúc tôi thi vào học nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Quá trình nghiên cứu sinh, tôi có thuận lợi rất cơ bản là các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy của đơn vị luôn động viên, tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành nhiệm vụ học tập (khi làm nghiên cứu sinh, tôi công tác tại Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, cái khó nhất của hầu hết các nghiên cứu sinh lúc bấy giờ, trong đó có tôi, là việc học ngoại ngữ. Thi đầu vào đã khó, quá trình học lại càng phải cố gắng hơn…
PV: Đồng chí dành nhiều tâm huyết nghiên cứu cũng như tổ chức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí có thể chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc nhất về công tác này và theo đồng chí, phẩm chất nào trong tấm gương Hồ Chí Minh mà các bạn trẻ hiện nay cần học hỏi nhất?
Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền: Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Học viện Chính trị Quân sự (nay là Học viện Chính trị), tôi vinh dự được về nhận công tác tại Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến năm 2013, tôi mới về công tác tại Học viện Hậu cần. Với thời gian 26 năm, hằng ngày được đón tiếp nhân dân trong nước và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tận mắt chứng kiến tình cảm của mọi người đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi rất xúc động. Năm 2007, khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lãnh đạo, chỉ huy của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là một thời cơ lớn để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Quá trình tổ chức việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi chứng kiến nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã lấy tấm gương của Bác để vượt lên chính mình, sống và làm việc có ích hơn cho xã hội, gia đình. Trong tôi còn nhớ mãi hình ảnh của anh Trần Văn Thắng, thương binh nặng của huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Anh bị thương cả hai mắt, đồng đội đưa anh vào Lăng viếng Bác, anh đã đứng trước Bác và nói rằng: “Chiến tranh đã lấy đi đôi mắt của cháu nhưng cháu đứng vững được trên cuộc đời này là vì có Bác. Bác dạy chúng cháu: Thương binh tàn nhưng không phế”. Đúng vậy, những lời dạy và tấm gương của Bác thực sự đã đi vào lòng người với những giá trị nhân văn cao cả.
Đối với các bạn trẻ hiện nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác có rất nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh và công việc của mình để lựa chọn những phẩm chất đạo đức của Bác để học tập và noi theo. Những năm gần đây, tôi về công tác tại Học viện Hậu cần, có nhiều dịp được tiếp xúc với các bạn trẻ là học viên đào tạo sĩ quan, do đó theo tôi suy nghĩ, các bạn trẻ hiện nay nên lấy tấm gương tự học của Bác để vươn tới những ước mơ, hoài bão lớn và quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ, hoài bão đó.
PV: Giả sử bây giờ là một thanh niên tuổi 18-20, đồng chí sẽ chọn nghề gì để khởi nghiệp?
Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền: Nếu trở lại tuổi thanh xuân 18-20, được lựa chọn nghề nghiệp, tôi vẫn muốn mang trên mình màu xanh áo lính và đôi quân hàm trung úy, với dáng người trẻ trung, khỏe mạnh, với mơ ước hồn nhiên, yêu đời.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
HÒA THANH (thực hiện)