Hơn 8 giờ, Trung tá Nguyễn Hữu Thọ, Phó chính ủy Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) “đãi” tôi món đặc sản của các anh nhưng nó không mấy thú vị với một người kém rèn luyện như tôi. Đó là đi bộ ra thao trường huấn luyện. Sau hơn 20 phút vượt các con đường mòn loằng ngoằng quanh những sườn đồi, đậm dấu giày cao cổ đè chồng lên nhau, mồ hôi ở mặt, ở lưng của tôi đã thành giọt. Dù đầu thu, nắng xứ Lạng bớt gay gắt hơn dịp cuối hè và có những cơn gió thổi nhè nhẹ nhưng do lâu ngày không đi bộ rèn luyện nên tôi vẫn thấy hừng hực trong người. Trong không gian rộng lớn, tôi nghe thấy một hồi còi xé nắng thu. Trung tá Nguyễn Hữu Thọ bảo tôi, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 7 bắt đầu nghỉ giải lao sau giờ huấn luyện chiến thuật.

Rồi tôi thấy một sĩ quan đeo quân hàm Thượng úy chỉ huy các chiến sĩ ngồi quây thành hình cánh cung. Thượng úy trẻ lấy cây sáo trúc và độc tấu nhạc phẩm: “Anh vẫn hành quân” của nhạc sĩ Huy Du. Vậy là tôi lạc vào giai điệu tiếng sáo lúc rộn rã, trầm bổng, lúc lại du dương. Tôi mường tượng ra đoàn quân dài trùng điệp với sắc xanh của quân phục và màu lá cùng trang bị, vũ khí rung rinh lá ngụy trang vượt đèo, lội suối, băng rừng ra chiến trường. Hết bài độc tấu sáo trúc, Phó chính ủy Nguyễn Hữu Thọ giới thiệu sơ bộ với tôi về hạt nhân thuộc diện “mì chính cánh” vừa thổi sáo đó là Thượng úy Ma Việt Hiệu.

leftcenterrightdel

Phút giải lao trên thao trường của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Ảnh: HUY KHÁNH

Chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” với sân khấu là thao trường càng lúc càng thêm sôi nổi khi Thượng úy Ma Việt Hiệu độc tấu các bản nhạc đi cùng năm tháng như: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”... Khi anh Hiệu dừng thổi, các chiến sĩ trẻ vỗ tay rầm rập. Tiếp sau, tôi lại được thưởng thức tiếng sáo mang âm hưởng giai điệu hát then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống trên vùng cao xứ Lạng qua giai điệu của các bài: “Hương sắc xứ Lạng”, “Theo em về xứ Lạng”... rồi đến vùng núi cao Tây Bắc với giai điệu bài “Xuân về trên bản Mông”. Cũng như tôi, các chiến sĩ rất chăm chú lắng nghe và phấn khích vỗ tay theo giai điệu bản nhạc.

Sau này, khi trở về doanh trại, trò chuyện với Thượng úy Ma Việt Hiệu tôi biết được nhiều thông tin về anh. Hiệu kể, trước khi vào bộ đội đã biết chơi sáo và cũng từng tham gia biểu diễn rất nhiều lần ở trường. Khi còn là học viên năm thứ ba Trường Sĩ quan Chính trị, Hiệu từng tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng LLVT và thanh niên, sinh viên lần thứ IX vào năm 2019 tại Nhà hát Quân đội ở Thủ đô Hà Nội. Mới đây, sau gần 2 tháng luyện tập, Hiệu cùng đội văn nghệ xung kích của Sư đoàn 3 tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng lần thứ XIII của Quân khu 1 với tác phẩm hòa tấu sáo Mèo “Âm vang núi rừng” được đánh giá rất cao. Ở đơn vị, hành trang của anh ra thao trường không thể thiếu cây sáo trúc. Anh coi nó như người bạn, là cầu nối nuôi tâm hồn chiến sĩ trong đơn vị.

Gần 10 giờ, sau khi xem chiến sĩ Đại đội 2 tổ chức huấn luyện phòng ngự, đánh địch đột nhập trận địa, chúng tôi tiếp tục hành quân và vượt qua hơn 2km đường đồi để đến nơi Đại đội 10 của Tiểu đoàn 9 huấn luyện khoa mục kỹ thuật chiến đấu bộ binh. Trên thao trường, nắng hanh đã lên cao, gay gắt hơn nhưng tôi vẫn thấy bóng áo dã chiến di chuyển rất nhanh, lúc lại lẫn vào con hào, mô đất. Tiếng tín hiệu tạo giả rộn rã thao trường. Khi họ nghỉ giải lao, trên những khuôn mặt trẻ măng của các chiến sĩ là những giọt mồ hôi tuôn chảy. Họ nhanh chóng giá súng và lại ngồi vòng tròn dưới bóng cây rồi đồng thanh hát bài “Vì nhân dân quên mình” hết sức tự nhiên.

Tiếp đó, tôi nghe được một giọng ca quan họ mượt mà vang lên. Phó chính ủy Nguyễn Hữu Thọ giới thiệu, người đang hát quan họ là Binh nhất Nguyễn Văn Binh quê TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Binh từng tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, chuyên ngành Nghệ thuật biểu diễn Dân ca quan họ (năm 2022). Trước khi nhập ngũ, Binh làm cộng tác viên cho Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, tham gia biểu diễn phục vụ rất nhiều chương trình. Kết thúc bài hát, Binh thổ lộ với tôi: “Huấn luyện ngoài trời rất căng thẳng, luôn mệt vì thường xuyên cơ động và phải tập trung cao độ để tiếp nhận nội dung bài giảng từ chỉ huy. Việc chỉ huy đơn vị tổ chức hoạt động “văn nghệ thao trường” giúp anh em đỡ mệt, căng thẳng và phấn chấn, hăng say hơn trong huấn luyện".

Trên đường về sở chỉ huy, Trung tá Nguyễn Hữu Thọ trải lòng, việc tổ chức văn nghệ trên thao trường là một cách chia sẻ, động viên tinh thần bộ đội rất hiệu quả, tuy nhiên phải rất kiên trì, sáng tạo mới tạo dựng được phong trào nền nếp, thiết thực. Hiệu quả của cách làm thì đã rõ nhưng để làm tốt thì không phải dễ vì nó phụ thuộc trạng thái tâm lý của bộ đội cùng nhiều yếu tố khác. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể để bộ đội tự do nghỉ ngơi trong giờ nghỉ giải lao trên thao trường. Sau nhiều lần thử nghiệm, chỉ huy Trung đoàn thấy cần phải có sự tổ chức linh hoạt các hoạt động cổ động, văn nghệ, trò chơi trên thao trường. Thế là các hạt nhân văn nghệ được chia đều về các trung đội. Với phương châm, có giờ nghỉ giải lao là có hoạt động văn nghệ, thế nên hiện nay bộ đội đã quen hát, thích hát. Có lúc họ hào hứng hát cho nhau nghe mà chưa cần đến "quản trò".

Những ngày sau đó tôi dành thời gian tới thao trường huấn luyện ở Trung đoàn 12, Sư đoàn 3. Đây là giai đoạn nước rút chuẩn bị cho diễn tập vòng tổng hợp nên cường độ huấn luyện rất cao nhưng chúng tôi vẫn thấy được tinh thần “tiếng hát át mệt nhọc” hiện diện trên thao trường.

Ở Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, sau tiếng còi kéo dài và khẩu lệnh nghỉ giải lao dõng dạc, dứt khoát của Đại úy Vũ Tuấn Anh, bộ đội nhanh chóng giá súng thẳng như kẻ chỉ. Vẫn để nguyên trang bị, họ ngồi xuống thành hình vòng cung hết sức có trật tự. Thượng úy Hoàng Văn Thọ, Trung đội trưởng Trung đội 3 tiến ra giữa và phổ biến nhanh về một số quy định trong trò chơi “Đi tìm đồng đội”. Một chiến sĩ ra khỏi đội hình tự bịt mắt mình bằng một chiếc khăn. Chiến sĩ ấy di chuyển đến các đồng đội và dùng đôi tay của mình xoa lên mặt, lên người để đọc tên đồng đội. Trong thời gian nhất định, nếu gọi đúng tên hơn 50% đồng đội trong Trung đội, người chơi sẽ giành phần thắng. Không khí trên bãi tập sôi nổi, tràn ngập tiếng hò reo, cổ vũ, xen lẫn tiếng cười sảng khoái. Hết thời gian, người chơi đầu tiên là Trung sĩ Tạ Văn Thao tâm tình với tôi: “Quãng thời gian nghỉ giải lao giữa giờ huấn luyện, đơn vị tổ chức các trò chơi phù hợp với thanh niên nên chúng tôi rất hào hứng tham gia. Đó cũng là cách để bộ đội bước vào huấn luyện giờ tiếp theo không bị uể oải, chán nản”.

Khi trò chuyện với Thiếu tá Vũ Bá Thành, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 12, chúng tôi hiểu hơn những trăn trở và tâm huyết của cán bộ, chỉ huy các cấp với công việc hết sức đặc thù trong môi trường Quân đội. Anh Thành nói rằng, tùy điều kiện thời tiết, không gian, thời gian, nội dung huấn luyện các đơn vị có thể tổ chức cho bộ đội đọc sách báo, chơi trò chơi quân sự hay văn nghệ trên thao trường... Nếu thấy bộ đội giảm hứng thú khi tham gia nội dung nào đó thì cán bộ quản lý sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp. Việc tổ chức hoạt động văn nghệ, trò chơi trên thao trường của các trung đội cơ bản đi theo hướng khơi gợi để anh em có hứng chứ không ép buộc, áp đặt. Thế nên, bộ đội thường hào hứng đón nhận một cách chủ động. Cũng nhờ có hoạt động này trên thao trường mà bộ đội đã nghiên cứu, tìm ra nhiều trò chơi quân sự mới, đặc sắc. Cá biệt, có đồng chí làm thơ, sáng tác nhạc từ những cảm hứng thú vị trên thao trường. Cũng từ đây, phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở lan rộng, có được nhiều hạt nhân tiêu biểu, ví như Binh nhất Hà Văn Vượng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 đã được anh em "phong tặng" danh hiệu “ca sĩ đại đội”.

Những ngày đi cùng bộ đội Sư đoàn 3, Quân khu 1 đến các thao trường huấn luyện, tôi như được truyền thêm sức trẻ, niềm tin và tinh thần lạc quan. Rõ ràng là cách tổ chức và duy trì các hoạt động cổ động, văn nghệ, trò chơi... trên thao trường của Sư đoàn 3 và nhiều đơn vị trong toàn quân đã thu được những kết quả rất thiết thực. “Tiếng hát thao trường” hay các trò chơi quân sự đã đi vào đúng tâm lý tuổi trẻ mà không tốn kém, không kềnh càng và mang lại hiệu quả rất lớn.

NHƯ KHÁNH