Những người đi “mở đất”
Đúng 7 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu từ TP Pleiku (Gia Lai) ngược Quốc lộ 14C hành quân lên huyện Sa Thầy. Vượt chặng đường gần 150km với hàng nghìn "ổ gà", "ổ voi" lởm chởm và hàng trăm cua tay áo hiểm trở, gần trưa chúng tôi mới đến “đại bản doanh” của Công ty 78, Binh đoàn 15.
Bên tách trà tỏa hương, Đại tá Nguyễn Trường Vinh, Giám đốc Công ty 78 kể cho chúng tôi nghe về thời kỳ người lính thợ đi mở đất... “Ngày đơn vị mới thành lập, từ Binh đoàn hành quân lên Công ty phải mất 2-3 ngày, vì đường rừng núi hiểm trở, nhiều sông suối, đi lại rất khó khăn. Mùa mưa lũ, các địa phương hầu như bị chia cắt, đơn vị phải chuẩn bị dự trữ lương thực 6 tháng, gạo sấy khô kê cao, kích bổng. Hồi đó, địa bàn các xã thuộc huyện Sa Thầy đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, trình độ dân trí thấp, nhiều tập tục lạc hậu, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Bộ đội khoác ba lô về làng, bà con nhìn như dò xét. Thấy bộ đội ủ phân trồng rau, bà con không dám đến gần. Chúng tôi hỏi mới biết: Dân làng quan niệm như vậy là vấy bẩn, làm ô uế đến thần linh...”.
|
|
Đại biểu về dự Đại hội đại biểu Công đoàn Binh đoàn 15 lần thứ V (nhiệm kỳ 2023-2028). Ảnh: THANH QUÝ
|
Già làng A Blong là người con ưu tú của dân tộc Rơ Măm. Thời niên thiếu, ông tham gia đánh Mỹ, ngày hòa bình về quê làm thầy giáo “gieo chữ” hơn 30 năm trên vùng biên giới Mô Rai (Sa Thầy). Tâm sự với chúng tôi, giọng già thủng thẳng: “Ngày trước, đồng bào Rơ Măm, Ê Đê, Gia Rai ta nghèo lắm, bà con chỉ quen đốt nương làm rẫy. Cái rẫy hết màu, cây lúa, cây ngô không lớn được nữa, lại đi tìm cánh rừng khác. Cái ăn vào miệng thì bốc bằng tay. Cái đau, cái bệnh từ đấy mà sinh ra. Nhưng từ ngày có bộ đội Binh đoàn 15 về, buôn làng, mọi thứ đều đổi khác... Bao giờ suối Ia Tri không còn chảy, cây trên rừng Chư Mom Ray không còn lá, thì lòng dân Rơ Măm mới hết thương bộ đội Binh đoàn 15!...”.
Trò chuyện với các già làng, người có uy tín trên địa bàn Tây Nguyên, chúng tôi hiểu thêm về những việc làm ý nghĩa, giàu tính nhân văn của người lính thợ nơi đầu nguồn biên giới. Không riêng Công ty 78, mà địa bàn các công ty 72, 74, 75, 715... quản lý đều khó khăn như vậy. Buổi đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống cán bộ, công nhân và đồng bào còn nhiều khó khăn. Kiên quyết không để bà con đói khổ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 chỉ đạo các công ty “bám dân”, “bám rừng” và “bám buôn làng” để mở rộng diện tích vườn cây, tuyển con em bà con địa phương vào làm công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Với phương châm “phát triển sản xuất đến đâu, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân cư xã hội đến đó”, các đơn vị của Binh đoàn đã chủ động đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất, kinh phí xây dựng, phát triển các khu dân cư, tạo điều kiện cho đồng bào yên ổn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Với mục tiêu “giữ dân, giữ đất, giữ buôn làng”, Binh đoàn 15 chú trọng đầu tư phát triển các công trình trọng điểm phục vụ đời sống nhân dân.
Đến Tây Nguyên, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe bà con kể Binh đoàn 15 đã đề ra công thức “suối-dân-bộ đội”. Nghĩa là, từ mép suối trở lên 100-150m đất tốt, lại gần nước, thì dành cho dân sản xuất. Còn ở bên trong, khu đất ít thuận lợi hơn, bộ đội nhận làm. Công thức ấy chắc hẳn không thể một doanh nghiệp tư bản nào nghĩ tới và dám thực hiện mà chỉ có thể kết tinh từ trái tim Bộ đội Cụ Hồ-của dân, do dân, vì dân, là minh chứng sinh động thể hiện vai trò “đội quân công tác”.
Những vụ mùa trĩu hạt
Những cánh rừng cao su xanh thẳm. Những vườn cà phê, hồ tiêu đang mùa quả chín... Màu xanh no ấm ấy được xây nên bởi chính bàn tay của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 và sự cố gắng của bà con đồng bào DTTS. Thành công của Binh đoàn 15 là biến những vùng rừng không dân cư, hoang hóa, đầy vết tích chiến tranh thành những “phòng tuyến xanh” ngút ngàn rừng cây công nghiệp, những buôn làng trù phú. Cả một vùng đất Tây Nguyên đói nghèo năm xưa đang hiện hữu một nhịp sống mới với những vụ mùa trĩu hạt...
Lên vùng biên giới, chúng tôi được đồng chí Phạm Văn Cường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đức Cơ đón tiếp rất cởi mở. Kết thúc câu chuyện, đồng chí Bí thư Huyện ủy khẳng định: “Đức Cơ có được như ngày hôm nay, ngoài sự đầu tư to lớn của Nhà nước, còn có sự đóng góp quan trọng của những người lính thợ Binh đoàn 15. Chính các anh đã đem lại màu xanh cho những vùng đất hoang hóa, bạc màu đầy rẫy bom mìn, chất độc hóa học...”.
Ghé thăm cánh đồng lúa nước hơn 5ha ở làng Tun, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, chúng tôi thấy sóng lúa dập dờn trong gió núi. Hài lòng với công trình giúp dân hiệu quả, Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 tâm sự với chúng tôi: “Gắn bó máu thịt với đồng bào Tây Nguyên từ những ngày gian khó nhất nên ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, các công ty thường xuyên coi trọng công tác dân vận và an sinh xã hội. Đến nay, Binh đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm hỗ trợ xây dựng và đưa vào sinh hoạt có hiệu quả nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; hỗ trợ gạo cho người dân vùng biên giới mùa giáp hạt; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà bà con đồng bào DTTS; phát động quyên góp ủng hộ quỹ: “Trái tim cho em”, “Ngày vì người nghèo” và tặng sách vở, sổ tiết kiệm tới các cháu học sinh nghèo vượt khó, các cháu bị bệnh hiểm nghèo...".
Về đến "đại bản doanh", chúng được Đại tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 15 cung cấp thêm nhiều thông tin thú vị. Trong nhiều năm qua, Binh đoàn thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác dân vận, gắn bó máu thịt với nhân dân, trong đó “gắn kết hộ” là mô hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng giúp đồng bào DTTS từ chỗ đói nghèo vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống cho người lao động, Bộ tư lệnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát với tình hình thực tiễn, nhất là thực hiện nghiêm “5 khâu quản lý” về kế hoạch, tiền lương, lao động, kỹ thuật và vật tư, tài chính. Binh đoàn chủ trương đổi mới, trong đó, tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đa dạng hóa sản phẩm là 3 mũi nhọn đột phá. Từng công ty chủ động phối hợp với các địa phương, quy hoạch các khu kinh tế-quốc phòng, khai hoang đồng ruộng, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bảo đảm lương thực, thực phẩm trước, từng bước trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) và ổn định dân cư... Nhờ vậy, giá trị sản xuất giai đoạn 2019-2024 đạt 13.106 tỷ đồng, doanh thu đạt 11.929 tỷ đồng, lợi nhuận 804 tỷ đồng và đều tăng cao so với giai đoạn trước, trong đó, giá trị sản xuất tăng 183,44%. Hiện tại, thu nhập bình quân đạt 7,35 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,98% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát huy sức mạnh nội lực và tinh thần khắc phục khó khăn, Binh đoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng trên từng bản làng, thôn, xóm trên địa bàn đóng quân. Đến nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã về đến những vùng sâu, vùng xa trên tuyến biên giới do đơn vị quản lý. Các công ty chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động, triển khai các dự án về kinh tế, xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Chặng đường 40 năm xây dựng và trưởng thành, những người lính Binh đoàn 15 đã đồng cam cộng khổ, gắn bó, chia ngọt sẻ bùi với đồng bào Tây Nguyên... Phút chia tay, câu nói của Thiếu tướng, Tư lệnh Hoàng Văn Sỹ làm tôi thêm tin tưởng vào ý chí, nghị lực của các anh: “Tình cảm quân dân sâu nặng, tình đoàn kết, gắn bó nơi đầu nguồn biên giới là nguồn sức mạnh tinh thần giúp chúng tôi vượt mọi khó khăn, gian khổ. Lòng dân Tây Nguyên là nguồn động viên to lớn, giúp chúng tôi viết tiếp bài ca người lính trên rộng dài dải đất biên cương...”.
PHAN TIẾN DŨNG