Ngày 16-3-1959, lần đầu tiên bản nhạc “Vì nhân dân quên mình”-nhạc hiệu Chương trình Phát thanh QĐND vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đánh dấu sự ra đời tờ báo nói của QĐND Việt Nam. Trải qua 60 năm lịch sử, nhạc hiệu và chương trình quen thân ấy hiện vẫn được phát lên đều đặn vào lúc 6 giờ 30 phút đến 7 giờ và 21 giờ đến 21 giờ 30 phút hằng ngày trên kênh Thời sự VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam.

leftcenterrightdel
Biên tập viên Phát thanh QĐND thực hiện Chương trình phát thanh trực tiếp tại Phòng thu Đài Tiếng nói Việt Nam.

Phát thanh QĐND ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nên đội ngũ cán bộ, phóng viên đã trải qua không ít khó khăn, gian khổ, vượt qua bom đạn vào các tuyến lửa, chiến trường ác liệt nhất để thu thập tư liệu, thu âm từng tiếng động, hơi thở của cuộc chiến. Theo nhà báo Phan Hải Tân kể lại thì với họ “lúc nào cũng có sẵn máy ghi âm bên người, có lệnh là đi, cần là xuống ngay trận địa tác nghiệp. Bởi đưa tin nhanh, xác thực là yêu cầu đặt ra đầu tiên đối với người làm báo, nhất là với phóng viên Phát thanh QĐND thời chiến”. Đồng thời, “khi tác nghiệp phải có được tiếng động hiện trường, nhất là tiếng động thao tác chiến đấu của bộ đội, bài viết mới hấp dẫn, có tính thuyết phục cao”... Chính vì vậy, Chương trình Phát thanh QĐND đã trở thành người bạn đồng hành, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên khắp chiến trường và nhân dân cả nước bởi những tin thắng trận nóng hổi, những lời bình gai góc mà sâu sắc, xúc động về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta. Có một thời, chương trình vô cùng hấp dẫn, thu hút người nghe đài cả phía ta cũng như phía địch. Rất nhiều cái tên đã làm nên sức sống những chuyên mục, tiết mục đặc biệt của Phát thanh QĐND như: Cao Nham, Đào Lộc Bình-hai ông “Sổ tay chiến sự”, “Nêu cao cảnh giác, giữ vững hòa bình”, “Nhật ký chiến thắng”; Vũ Đình Vinh-người chuyên “Nói chuyện chuyên đề”; Đặng Văn Nhưng-cây viết tùy bút mỗi dịp xuân về; các nhạc sĩ Văn An, Thanh Phúc, Quốc Bảo, Vũ Hùng-biên tập viên chương trình “Văn nghệ tổng hợp quân đội”, “Chiến sĩ ta ca hát”; NSƯT Văn Ngải với “Câu chuyện truyền thanh” suốt hơn 30 năm; Diệp Xuân Phong, Nguyễn Anh Chinh-bản tin “Đọc chậm quân đội”, NSƯT Phạm Đông với mục “Chuyện kể ở đại đội”...

Tháng 3-2019 là tròn 60 năm Phát thanh QĐND phát sóng chương trình đầu tiên. Trong cuộc hội ngộ này, dù người còn sống, người đã mất, nhưng tên tuổi của các thế hệ làm báo nói QĐND vẫn không phai mờ trong ký ức đồng đội hôm nay cũng như bạn nghe đài cả nước. Nhiều đồng đội đã nhắc đến nhà báo Hồng Lân như một cây đại thụ của báo nói QĐND. Ông nhiều lần được theo chân Bác Hồ đi thăm, chúc Tết bộ đội. Ông cũng là nhà báo duy nhất được vào Vườn hoa Phủ Chủ tịch ngày 18-11-1965 tham dự và ghi lại nhiều tư liệu quý về cuộc gặp gỡ, trò chuyện vô cùng xúc động của Bác với các anh hùng, chiến sĩ thi đua của các LLVT nhân dân giải phóng miền Nam lần đầu tiên ra thăm miền Bắc. Nhà báo-nhiếp ảnh gia Tào Hòa, người ghi âm thành công lời khai và lời kêu gọi binh sĩ đầu hàng của Đại tá Nguyễn Văn Thọ, tên tù binh ngụy bị Quân Giải phóng bắt năm 1971. Đoạn băng ghi âm này sau đó được sử dụng trong cuốn phim tài liệu về “Đường 9-Nam Lào” của Xưởng phim Quân đội (nay là Điện ảnh QĐND).

Theo tác giả Tào Hòa tâm sự cùng bạn bè thì dù chỉ có mấy lời ngắn gọn thôi nhưng chuyện thu thanh lời khai của tên đại tá tù binh ngụy này cũng khá lý thú. Văn phòng Tổng cục Chính trị cân nhắc chỉ đạo sát sao từ trang phục đến cách xưng hô trong cuộc gặp phỏng vấn... Hồi đó chỉ có ba phóng viên là Đại tá Vũ Thụy, Báo QĐND; nhà báo Lê Thanh-Đại úy của Quân đội biệt phái và ông-Trung úy Tào Hòa (Phát thanh QĐND), vinh dự được cử đi phỏng vấn. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời phóng viên phát thanh, ông được cấp trên giao cho chiếc máy ghi âm không dây “micro sans fil” để lấy lời khai bí mật, tự nhiên...

 Và rất nhiều nhà báo Phát thanh QĐND đã không quản hiểm nguy, xông pha, bám sát các mặt trận ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trị-Thiên, chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, tham gia giúp bạn... Đặc biệt, Đại úy Hồ Tương Phùng, một trong những biên tập viên đầu tiên về xây dựng chương trình Phát thanh QĐND đã ngã xuống trên trận địa nóng bỏng của Tiểu đoàn Pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân (Quân khu 4) khi vừa ghi âm xong Đại hội Thi đua Quyết thắng của LLVT Quân khu năm 1965. Đồng chí Hồ Minh Khởi đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Trị năm 1972...

Trong thời đại bùng nổ thông tin với sự phát triển mạnh mẽ các loại hình báo chí đa phương tiện, những người làm Phát thanh QĐND đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng để thu hút sự chú ý theo dõi của bạn nghe đài. Hiện nay, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội có hai phòng phát thanh là: Phòng Thời sự phát thanh (do Thượng tá Nguyễn Văn Hoan làm trưởng phòng) và Phòng Chuyên đề phát thanh do Thiếu tá Nguyễn Trần Thùy Vinh làm trưởng phòng). Bên cạnh việc duy trì một số chuyên mục, tiết mục truyền thống, như: Bản tin “Đọc chậm quân đội”, “Quê hương và người chiến sĩ”, “Dành cho các bạn trẻ trong quân đội”, “Câu chuyện truyền thanh... nhiều chuyên mục, tiết mục mới đã ra đời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với thời cuộc như: “Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “Vấn đề và sự kiện”, “Thông tin khoa học quân sự”, “Quà tặng âm nhạc dành cho chiến sĩ”, “Chương trình phát thanh trực tiếp”, “Ký sự truyền thanh”, v.v..

leftcenterrightdel
Phóng viên Phạm An (ngoài cùng, bên phải) tác nghiệp tại đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa. Ảnh do Phát thanh QĐND cung cấp

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, các nhà báo Phát thanh QĐND hiện nay cũng khẳng định vị trí, vai trò của những nhà báo-chiến sĩ luôn xông pha trên những tuyến đầu, vượt qua mưa bão, sóng dữ nơi biên giới, hải đảo để cập nhật tin tức cho bộ đội, giành được nhiều giải thưởng lớn về báo chí và quân đội. Đại tá Hoàng Gia Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội (phụ trách phát thanh) chia sẻ, anh đã có không ít kỷ niệm cười ra nước mắt với chiếc máy ghi âm hiệu “MAZAN” được phát hồi anh mới về cơ quan. Đó là chiếc máy to đùng, dùng băng cassette và 4 viên pin đại. Có lần công tác lên tuyến tuần tra biên giới 10 ngày, anh đã “khuân” theo ngót hai chục đôi pin Con Thỏ. Lần ra Trường Sa thì “vác” theo một ba lô pin Con Thỏ và Con Ó... Thế nhưng, cả ba lô pin ấy vẫn không thể đủ ghi âm cho cả chuyến công tác. Do vậy, để ghi lại những cuộc phỏng vấn quý giá từ các cán bộ, chiến sĩ giữa trùng khơi, đêm đêm, anh lại phải đem các cục pin đã qua sử dụng đi vùi nửa thân có cực âm xuống triền cát ẩm nơi mép đảo cho “hồi điện” để ghi thêm được một vài phút băng... Thượng tá Ma Nguyễn Chí Diệu, Phó trưởng phòng Chuyên đề phát thanh cùng các đồng đội trực bão lũ tại cơ quan nhiều đêm không dám ngủ vì phải theo dõi liên tục tin tức, đường đi của bão để cập nhật cho bản tin phát lúc 6 giờ 30 phút sáng hôm sau. Theo anh tâm sự thì việc trực tin bão của cả ê kíp cũng như một trận chiến đấu giữa thời bình của các nhà báo Phát thanh QĐND. Các nhà báo Trần Thế Duy, Trần Lê Thanh Tuấn từng quên ăn, quên uống trong chuyến công tác sát cánh cùng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng cứu dân gặp nạn trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Không chỉ nam giới mà các nữ nhà báo như: Ngọc Hà, Khánh Ngọc, Minh Hương cũng vô cùng xông xáo đến với người dân bị bão lũ, nhiều lần vượt trùng khơi ra biển, đảo Trường Sa để có những tác phẩm chạm tới trái tim bạn nghe đài; nhà báo Hồng Linh luôn nhiệt huyết, đắm đuối với nghề, trăn trở từng cái tít phóng sự phát thanh...

60 năm lịch sử, 4 thế hệ nhà báo-chiến sĩ Phát thanh QĐND tiếp bước nhau xây dựng chương trình ngày càng phong phú, thiết thực, hiệu quả, làm nên thương hiệu tờ báo nói QĐND Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, UVTƯ Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam: “Một chương trình đặc biệt trên sóng phát thanh quốc gia”

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phát thanh QĐND bên cạnh Báo QĐND đã trở thành thứ vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Quân đội ta... Những tin, bài của Phát thanh QĐND dần định hình được "chất riêng" trên làn sóng và được nhiều thính giả yêu mến...

Với ưu thế của làn sóng phát thanh, Chương trình Phát thanh QĐND đã trở thành công cụ thông tin hữu hiệu, vượt qua mọi ngăn trở, mọi chiến tuyến, vòng vây của kẻ thù để chuyển tới các chiến trường, tới miền Nam ruột thịt tin thắng trận ở cả hai miền Nam-Bắc, đưa những thông tin chính xác về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta tới bạn bè và cả kẻ thù. Đặc biệt, Chương trình Phát thanh QĐND nói riêng, Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung còn có những nhiệm vụ rất đặc biệt: Phát đi những mệnh lệnh tiến công qua sóng phát thanh trong các trận đánh lớn như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Tổng tiến công năm 1972; Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối. Đây là vinh dự mà không cơ quan báo chí nào có được.

NGUYỄN HUY (lược ghi)

HÀ THANH MINH