Đại tá, nhà văn, nhà lý luận phê bình (LLPB) văn học Ngô Vĩnh Bình trở thành người lính, thành nhà văn quân đội bắt đầu từ một sự tình cờ, bởi lẽ “nó không được chuẩn bị trước” như ông tâm sự. Số là, khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới nổ ra, tháng 3-1979, theo lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, cũng như bao thanh niên trai tráng khác, anh cán bộ Viện Dân tộc học (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) Ngô Vĩnh Bình nhập ngũ theo diện nghĩa vụ quân sự. Sau những tháng huấn luyện chiến sĩ mới tại Sư đoàn 301, Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), Binh nhì Ngô Vĩnh Bình được cử đi học tại Trường Quân sự Hậu cần. Và 6 tháng sau, đầu năm 1980, thay vì được thăng cấp hàm lên binh nhất thì ông được nhận quân hàm trung úy. Chẳng là hồi đó, để đáp ứng nhu cầu của Quân đội nên có nhiều người đã tốt nghiệp đại học được gọi nhập ngũ hoặc được điều động vào Quân đội. Ngô Vĩnh Bình đã tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hai năm nên ông được trở thành sĩ quan như quy định.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Cưỡi ngựa xem hoa" của nhà văn, nhà lý luận phê bình Ngô Vĩnh Bình. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Nghe nhà văn Ngô Vĩnh Bình kể chuyện thế, tôi nói đùa: “Thế là mất đi một nhà sử học!”. Thì ra, ngay khi học xong ở Trường Quân sự Hậu cần, nhà văn Xuân Thiều, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã phát hiện ra khả năng văn học ở Ngô Vĩnh Bình nên hai cụ trực tiếp lên tận đơn vị để “xin” chàng sĩ quan trẻ này về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông trở thành người của “nhà số 4 phố nhà binh” (phố Lý Nam Đế) từ dạo đó cho tới tận khi nghỉ hưu (năm 2015). Trưởng thành từ chân phụ biên tập lên tới chức tổng biên tập của “tờ tạp chí văn chương có uy tín, uy danh vào loại nhất nhì trong nước”.

Ngô Vĩnh Bình kể: “Tôi về Văn nghệ Quân đội, được phân công về Ban LLPB do Đại úy Ngô Thảo làm trưởng ban. Lính mới tò te cả về tuổi quân lẫn chuyên môn nên cũng “sờ sợ”, bởi lẽ ở đó đã có những nhà LLPB “lẫy lừng” như Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Hồng Diệu...". Tôi bèn đế: “Kể như thế cũng “sợ” thật”. Anh nói thêm: “Tôi có cái may là tuy ít tài nhưng lại được những người tài sử dụng!”.

leftcenterrightdel

Đại tá, nhà văn, nhà lý luận phê bình Ngô Vĩnh Bình. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình cầm tinh con rồng, ông sinh năm Nhâm Thìn, cùng tuổi với nhiều nhân vật nổi tiếng. Ngay từ khi còn học cấp 2 ở trường làng, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội), cậu bé Ngô Vĩnh Bình đã sớm bộc lộ năng khiếu văn học. Cậu được chọn vào học lớp chuyên văn đặc biệt của TP Hà Nội, đặt tại trường cấp 2 Mai Lâm cùng huyện. Ấy vậy mà sau khi tốt nghiệp cấp 3 thì Ngô Vĩnh Bình lại thi đỗ vào Khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1970. Đến năm 1975, Ngô Vĩnh Bình được phân công công tác về Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.

“Thế thì như thế nào mà bác lại “chuyển ngoặt một cái” sang văn chương nhỉ?”-tôi vội hỏi. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình cười, cho hay: “Tôi vốn là học sinh giỏi văn mà. Thêm nữa, từ khi còn là sinh viên, tôi đã ham mê viết báo. Những năm 1974-1975, lớp chúng tôi được đi thực tập tại Quảng Trị, chứng kiến cuộc sống mới trên mảnh đất khói lửa vừa được giải phóng nên cũng có nhiều cảm hứng. Tôi hăng hái viết bài cho báo và có lẽ nghiệp báo khởi nguồn từ đó”.

Vào bộ đội, anh lính trẻ Ngô Vĩnh Bình rất tích cực viết tin, bài cho tờ tin trung đoàn, cho Báo Chiến sĩ Thủ đô, Báo Quân đội nhân dân và Báo Nhân Dân. Bên cạnh viết báo, Ngô Vĩnh Bình còn thi thoảng làm thơ. Các bài thơ thuở ban đầu đó đậm đà chất lính bởi ông viết về những người đồng đội của mình đang ngày đêm canh giữ đất trời cho Tổ quốc bình yên. Bài thơ “Tình yêu người lính gác” là một ví dụ. Trong bài có đoạn nghe vang vọng âm hưởng của những chàng trai Hà thành từ nơi biên cương xa xôi ngồi ôm súng: "Mơ về Hà Nội dáng kiều thơm” (Tây Tiến-Quang Dũng), đó là đoạn: “Tím sắc chiều trung du/ Hồng con đường mới mở/ Đồng đang mùa cày vỡ/ Thấp thoáng vài cánh chim/ Nhìn bạt ngàn đồi sim/ Nhớ sắc hồ xanh biếc/ Nhìn núi rừng trùng điệp/ Lại nhớ giờ tan ca/ Anh đang ở rất xa/ Mà lòng gần Hà Nội/ Giữa sắc màu bộ đội/ Vẫn thấy màu áo em”... (trong tập “Tình yêu cho hôm nay”, Tuyển thơ, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1986).

Vừa nghe xong câu thơ, tôi lại vội thốt lên: “Thế lại mất thêm một nhà thơ”. Nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình lắc đầu: “Tôi vẫn làm thơ đấy chứ, cũng kha khá rồi nhưng chưa “dám" in tập thơ”. Nói rồi ông còn cho hay thêm rằng: “Nhà văn Xuân Thiều từng bảo: Đã về ở “nhà số 4” thì ai rồi cũng làm được thơ”. Tôi hiểu là vui thì nói thế thôi chứ chất văn đã có sẵn trong người được định danh là nhà LLPB văn học này lâu rồi.

Tuy có “mất đi” một nhà sử học, một nhà thơ hay đại loại là một nhà hậu cần quân đội nhưng lại có được một nhà LLPB văn học đáng nể trọng. Về công tác tại “nhà số 4 phố nhà binh”, thử sức mình bằng bài viết đầu tiên in trên tạp chí nhà là bài ông viết về những người không may mắn trên chiến trường, không gặp thời trên trường văn trận bút. Đó là những nhà văn, nhà báo quân đội như: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Nguyễn Thi, họ là những “chiến sĩ viết văn làm báo” đã hy sinh trên chiến trường nhưng di sản để lại là những áng văn thơ, những tác phẩm báo chí thấm đẫm cho đến tận bây giờ. Từ những bài viết đó cho thấy “chất sử” trong con người Ngô Vĩnh Bình còn sung sức và chính ở mảng đề tài này đã chứng minh: “Trong văn học rất cần có sử để lưu giữ những giá trị văn chương cùng những người làm nên nó trường tồn cùng nền văn học nước nhà” và chính nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình đã mở ra “con đường” chuyên viết về các nhà văn, đặc biệt là những nhà văn-chiến sĩ. Cho đến nay, nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình đã xuất bản 3 cuốn sách viết về đề tài này, đó là: Trần Đăng-tác giả "Một lần đến Thủ đô”; Hoàng Lộc-tác giả "Viếng bạn” và Thanh Tịnh-tác giả "Tôi đi học”.

Nhà văn Ngô Vĩnh Bình tâm sự: “Tôi có may mắn được học Lịch sử từ các thầy được ví là “tứ trụ”: Lâm, Lê, Tấn, Vượng (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng). Chính các thầy đã truyền cảm hứng sử và văn cho tôi”. Được biết, môi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm đó rất sôi nổi và khá tương đồng giữa Văn và Lịch sử. Sinh viên Khoa Văn và Khoa Lịch sử thường xuyên giao lưu với nhau. Ngay các thầy dạy Lịch sử dạo đó cũng hay viết văn, làm thơ, như GS Hà Văn Tấn chẳng hạn, ông có hẳn một tập thơ “Thơ tình Hà Văn Tấn”. Rồi còn các thầy dạy Lịch sử khác nữa như: Thầy Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân); GS Sử học Đỗ Quang Hưng (nhà văn Đỗ Quang Hưng). Đấy là chưa kể đến những sinh viên Khoa Lịch sử sau này thành các nhà thơ tên tuổi như: Thi Nhị, Thi Sảnh, Trần Huy Quang, Nguyễn Xuân Hải, Thái Chí Thanh, Nguyễn Hưng Hải... và nhiều người khác.

Tính đến nay, nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình đã xuất bản hơn 30 đầu sách bao gồm các thể loại từ mang tính báo chí đến bút ký, từ nghiên cứu lý luận văn học đến mảng đề tài ông coi là thế mạnh của mình, đó là mảng viết về những nhà văn-chiến sĩ trải qua từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Có thể khẳng định rằng: Những tác phẩm đó chính là “kho tư liệu” quý giá của nền văn học nước nhà như: “Nẻo vào văn học”; “Trần Đăng-con người và tác phẩm”; “Thanh Tịnh-văn và đời”; “Một chặng đường văn”; “Hoàng Lộc-cuộc đời và văn phẩm”; “Văn xuôi về đề tài chiến tranh”; “Trăng và súng”; “Ngô Vĩnh Bình-tác phẩm”; “Cách mạng và người nghệ sĩ”; “Tiếng vọng ấu thơ”... Gia tài báo chí của ông cũng thật đáng kể với hàng mấy trăm bài gồm đủ các thể loại. Ông từng giữ những trọng trách của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong nhiều năm và là cộng tác viên của nhiều tờ báo.

Đại tá, nhà văn, nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình đã nhận được nhiều Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí 5 năm của Bộ Quốc phòng, như: Tác phẩm “Nẻo vào văn học” trao năm 1994; “Chuyện thơ, chuyện đời” trao năm 2004; “Trăng và súng” trao năm 2015; “Nửa thế kỷ nhà văn áo lính” (thể loại báo chí).

NGUYỄN TRỌNG VĂN