Người cha đặc biệt

“Có một người cha đã dành cả cuộc đời vì tất cả các con (mà số con có đến hàng trăm). Con vẫn luôn tự hào về người cha thân yêu tuy không sinh ra con nhưng đã có công nuôi dưỡng. Cha là chủ nhân của ngôi nhà mang tên "Hy Vọng", nơi đã nuôi chúng con lớn khôn và luôn là tổ ấm thân thương để đón chúng con trở về". Đó là lời tự sự trên trang cá nhân của em Bế Thị Liêm, dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn, hiện đang làm việc tại Hà Nội.

Liêm kể với tôi, cách đây hơn chục năm, lúc đó em 12 tuổi, chuẩn bị học lớp 6. Khi các bạn cùng trang lứa nô nức cùng bố mẹ sắm sửa sách vở, quần áo cho năm học mới thì em lại đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì bố của em đã mất, một mình mẹ em không thể lo cho tất cả 3 người con đến trường. “Em rất muốn được tiếp tục đi học như các bạn nhưng thương mẹ vất vả quá!”, Liêm nói trong nước mắt.

Thế nhưng, may mắn đã đến với Liêm. Em được cô giáo chủ nhiệm giới thiệu và UBND xã làm thủ tục cho em được đến Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình (Lạng Sơn). Tại đây, em đã được gặp người cha đặc biệt, đó là cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt. Ông Chắt đã nuôi Liêm ăn học từ lớp 6 đến bậc đại học. Giờ đây, Liêm đã có việc làm ổn định tại một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội, có tổ ấm gia đình riêng, nhưng trước những biến động của cuộc sống, Liêm đều hỏi ý kiến bố Chắt. “Bố Chắt luôn là điểm tựa tinh thần của em”, Liêm khẳng định với tôi như vậy.

Những người con của ông Chắt trưởng thành như Liêm trong 20 năm qua có khá nhiều. Tại Trung tâm Hy Vọng Hữu Lũng (Lạng Sơn) có 3 người con của ông Nguyễn Trung Chắt đã trưởng thành, nay quay lại làm quản lý. Người mà ông tự hào nhất là thạc sĩ Ngô Quốc Hưng (31 tuổi). Hưng chia sẻ: “Em là thế hệ đầu tiên ở Trung tâm Hy Vọng được bố Chắt cho đi học đại học và học tiếp lên thạc sĩ ngành công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ở các trung tâm Hy Vọng, chúng em coi nhau như một đại gia đình”.

Với tác phong của một người đã nhiều năm là bộ đội, công an nên cách nuôi dạy, rèn con của ông Chắt ở các trung tâm Hy Vọng có những nét rất đặc biệt để các con tự giác và trưởng thành. Theo ông Chắt, điều ông quan tâm nhất là phải dạy các con học làm người. Tuy nhiên, để dạy một đứa trẻ nên người là hành trình không hề đơn giản. Ông mang kiến thức quản lý bộ đội vào việc quản lý các con. Cứ 5 giờ 30 phút sáng, ông cho gõ kẻng báo thức, gọi các con dậy tập thể dục. Ngoài giờ học, ông dạy các con cách trồng rau, nuôi lợn, chăm gà, kỹ năng vệ sinh cá nhân... Đồng thời, ông cũng phải làm việc như một “quan tòa”, giải quyết cả chuyện các con đánh, cãi nhau, những lỗi được các mẹ nuôi ở trung tâm ghi lại. “Phải theo dõi, chuyện trò, chúng nó mới nghe, chứ không phải treo khẩu hiệu là xong”, ông cho biết.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt vui chơi cùng các con. 

Mệnh lệnh từ trái tim người chiến sĩ

Ông Nguyễn Trung Chắt sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, cũng như nhiều thanh niên khác ở quê hương, ông tình nguyện nhập ngũ với ước muốn được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Thế nhưng, cấp trên lại bổ sung ông vào lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Tháng ngày công tác, chiến đấu, lao động cùng bà con các dân tộc thiểu số ở biên giới phía Bắc đã tôi luyện ông trở thành người chiến sĩ công an và ông đã coi Lạng Sơn là quê hương thứ hai của mình.

Năm 1974, ông Chắt được cử đi học tại trường thông tin (nay là Trường Sĩ quan Thông tin). Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành sĩ quan quân đội. Đến năm 1983, ông lại chuyển công tác về Tổng cục An ninh (Bộ Công an). Năm 1995, ông nghỉ hưu. Thấy sức khỏe còn khá tốt, ông quyết tâm làm giàu bằng chính sức lực và trí tuệ của mình. Ông thành lập doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh nhiều ngành nghề như thu gom phế liệu, xuất nhập khẩu, xây dựng, bất động sản... Khi trong tay có vốn liếng kha khá, đầu năm 2002, ông trở về Hưng Yên định đầu tư kinh doanh bất động sản thì bắt gặp mấy trẻ mồ côi do không được nuôi dạy chu đáo nên hư hỏng. Có cháu còn vi phạm pháp luật. Từ thực tế này, ông Chắt quyết định thay việc đầu tư kinh doanh bất động sản bằng việc xây dựng trung tâm nuôi dạy các cháu mồ côi. Ông cho rằng đây là mệnh lệnh từ trái tim người chiến sĩ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu đã ra đời. Trung tâm trở thành ngôi nhà của các cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở Hưng Yên. Vài năm sau, hai trung tâm nuôi dạy các cháu mồ côi theo mô hình Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu cũng được ông Chắt đầu tư xây dựng tại Lạng Sơn, nơi ông đã từng gắn bó trong thời kỳ quân ngũ.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động về hành trình nhận và nuôi dạy con của ông. Gần chục năm trước, vào đêm 29 Tết, ông nhận được một cuộc điện thoại của Trung tâm Y tế huyện Kim Động báo tin có bà mẹ trẻ đến sinh con nhưng không có tiền, không có người thân, muốn nhờ ông giúp đỡ. “Khi đó, tôi băn khoăn lắm vì Tết đến nơi rồi, nhưng nếu không nhận cũng không đành. Từ Hà Nội, tôi lái xe đi thẳng đến trung tâm y tế huyện, nộp tiền, ký xác nhận cho sản phụ mổ, rồi chờ ở ngoài cửa. Đến gần 12 giờ đêm thì đứa bé chào đời”, ông Chắt kể. Sau đó, ông đưa cả hai mẹ con về Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu chăm sóc. Được một thời gian, mẹ cháu bé xin ông nhận nuôi giúp để chị "đi làm lại cuộc đời". Ông đồng ý và dặn nếu sau này muốn nhận lại con thì về, nhưng đến thời điểm này vẫn không thấy người mẹ quay lại. Ông đã đặt tên và cho cháu bé mang họ của mình.

Một bé khác là con của một người mẹ mắc bệnh tâm thần, mới 17 ngày tuổi và chỉ nặng 1,7kg, cũng được ông nhận về nuôi và cho mang họ của mình. “Mẹ cháu bé bị tâm thần, ông bà ngoại cháu già yếu nên muốn cho đi, nhưng không ai dám nhận vì sợ cháu lớn lên giống mẹ. Nhưng rất may là cho đến bây giờ, cháu luôn khỏe mạnh, đáng yêu”, ông Chắt kể.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt (giữa) và các con đã trưởng thành. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đi “ăn xin” để nuôi con

Trả lời câu hỏi của tôi: “Bằng cách nào bác xoay xở nuôi tới gần 300 con?”, cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt cười hóm hỉnh: “Nhiều người đã hỏi tôi câu này, nhưng đến khi đưa họ đi thăm các trung tâm Hy Vọng, tìm hiểu thực tế cuộc sống của các con là họ tìm ngay được câu trả lời. Nhiều lúc cũng phải đi "ăn xin" để nuôi con đấy anh ạ”.

Quả thật, khi tìm hiểu thực tế tại Trung tâm Hy Vọng Hữu Lũng, chúng tôi đã tìm được câu trả lời. Tất cả rau xanh ăn tại bếp đều do các con của ông trồng quanh nhà, mùa nào rau ấy, giống rau ông đi xin. Thức ăn thừa được tận dụng để nuôi gà, nuôi lợn. “Thức ăn cho các con hằng ngày cũng phải tìm cách mua cho rẻ, nếu muốn mua cá, tôi xem nhà nào tát ao, mua những loại cá nhỏ về xay ra, chế biến thành chả, ăn vẫn ngon”, ông kể. Đặc biệt, để có đủ đồ dùng cho các con, có lúc ông phải lọ mọ đi xin cả băng vệ sinh. “Khi tôi thấy các mẹ ghi tiền mua băng vệ sinh hằng tháng nhiều quá, tôi hỏi các con mới biết, do các mẹ mua loại rẻ tiền, dùng không tốt, nên tốn nhiều. Vậy là tôi yêu cầu mua loại tốt, đồng thời tìm đến nhà máy sản xuất để xin”, ông chia sẻ.

Điều đáng mừng là các con của ông đều thương bố, tranh thủ thời gian lao động. Với các cháu học đại học, cao đẳng tại Hà Nội, ông đưa các con đến ở một căn hộ lớn tại Đại Mỗ (nay thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây cũng có vườn rau tăng gia. Ông còn đi xin xe đạp điện cũ để các con có phương tiện đến trường. “Thấy việc tôi làm có ích cho xã hội, nhiều người đã ủng hộ. Năm ngoái, trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, có mạnh thường quân đã ủng hộ các cháu hàng tấn thóc”, ông Chắt kể.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt nhận danh hiệu “Công dân Lạng Sơn ưu tú”.  Ảnh do nhân vật cung cấp

Hiện nay, 3 trung tâm Hy Vọng (2 trung tâm ở Lạng Sơn và 1 trung tâm ở Hưng Yên) đang nuôi gần 100 cháu mồ côi và tại căn hộ của ông ở Đại Mỗ, có 4 cháu đang học đại học. Ông Nguyễn Trung Chắt nói với tôi rằng, niềm vui lớn nhất của ông là được thấy các con trưởng thành. Vợ và 3 người con đẻ của ông cũng luôn tạo điều kiện, giúp đỡ ông làm việc thiện. Tỉnh Lạng Sơn từ nhiều năm nay đã bình chọn ông là công dân ưu tú của tỉnh. Ông tâm sự: “Ai cũng có một vòng đời, từ lúc là trẻ con, lớn lên, làm việc, kiếm tiền rồi ra đi. Cái để lại là làm được gì cho xã hội chứ không phải là sống bao nhiêu tuổi và làm được bao nhiêu tiền. Nếu tiền mà để lại cho con cái, họ hàng cũng không gọi là cho, mà cho các cháu mồ côi mới là để lại cho xã hội”.

ĐỖ PHÚ THỌ