QĐND - Lần đầu tiên gặp ông Phan Hải, tôi rất ấn tượng, không phải vì ông có dáng người cao lớn, đôi mắt phúc hậu, giọng nói mộc mạc, chân thành mà vì ông có khối lượng kiến thức về biển, đảo đáng kinh ngạc. Tìm hiểu mới biết, hóa ra, ông có cả cuộc đời gắn bó với các đại dương, từng là thuyền trưởng tàu viễn dương, từng chỉ huy những con tàu có trọng tải lớn nhất của Bộ Giao thông-Vận tải, từng bôn ba khắp “5 châu 4 bể” làm nhiệm vụ vận tải biển cho đất nước. Năm nay 74 tuổi, cuộc đời ông Phan Hải nếm trải đủ “bể dâu” cùng vận mệnh của dân tộc. Ít người biết, ông chính là Thuyền trưởng tàu Hòa Bình, năm 1971 là con tàu được cử đi Trung Quốc nhận gạo viện trợ của nước bạn, vượt qua “mưa bom bão đạn” để cập bến Hòn La phục vụ bộ đội và nhân dân tuyến lửa Quảng Bình...
Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, về tìm hiểu qua báo chí, tôi càng ấn tượng hơn khi biết ông Phan Hải là “đại gia của dân nghèo”. Năm 2005, khi chính thức nghỉ hưu, ông Phan Hải cùng vợ con khởi sự kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh và khá mát tay. Có tiền, ông lại dốc sức đi tài trợ xây dựng quê hương Quảng Bình và giúp đỡ người nghèo. Ông xây đường, trường học, bệnh viện, đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, nhà truyền thống... và giúp đỡ những người nghèo. Người ta tính sơ bộ, chỉ riêng tiền túi ông bỏ ra xây dựng các công trình công cộng ở xã Hải Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đã ngót nghét 50 tỷ đồng. “Đại gia” như thế nhưng vợ chồng ông chi tiêu cho cá nhân rất tiết kiệm, vì ông nghĩ, “một đồng tiết kiệm cũng là một đồng làm ra” và “một đồng làm ra” ấy càng ý nghĩa hơn khi nó được chuyển đến tay người nghèo hay xây dựng nên những công trình phúc lợi nâng cao chất lượng sống cho cả cộng đồng.
Con người ông Phan Hải, càng gặp gỡ, tiếp xúc nhiều càng thấy thêm những điểm “bình dị mà cao quý”. Năm nay (2016), ông Phan Hải dành thời gian về thăm quê hương Quảng Bình nhiều hơn, thấy khuôn viên văn hóa tâm linh xã Hải Trạch chưa có tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương được hiến tặng một bức tượng Đại tướng để hoàn thiện khuôn viên văn hóa, đồng thời cũng là công trình kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911/25-8-2016).
|
Ông Phan Hải kể chuyện tại Lễ khởi công đúc tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Việc đúc tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với ông cũng là một kỳ công. Ông không đúc tượng lớn, chỉ là tượng bán thân cao 1,03m (tương ứng với việc Đại tướng thọ 103 tuổi) bằng chất liệu đồng nguyên chất nhưng ông rất dày công tìm nghệ nhân. Ông đã từng thuê một công ty đúc tượng ở phía Nam làm, nhưng khi xem thấy thần thái của bức tượng chưa đạt, ông lại ngược ra Bắc, cẩn thận, tỉ mỉ đi khảo sát các công ty mỹ thuật có tiếng. Thật may, ông gặp Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, cũng là đồng hương Quảng Bình và cũng là một vị tướng rất quý mến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thiếu tướng Phan Khắc Hải đã giới thiệu ông Phan Hải với nghệ nhân Trần Thanh Tùng và nghệ nhân Nguyễn Văn Thức, đây là hai nhà tạo mẫu và đúc tượng có tiếng của miền Bắc. Xem mẫu của hai nghệ nhân này, ông Phan Hải ưng ngay lập tức.
Hôm khởi công, với sự có mặt của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhiều vị tướng và các bậc trí thức cùng chung niềm tôn kính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Phan Hải tâm sự: “Hồi nhỏ, khi còn là học sinh, tôi được gặp Đại tướng một lần khi ông về thăm quê, nhưng lúc đó tôi chưa hiểu rõ lắm về tầm vóc văn hóa của Đại tướng, sau này làm thủy thủ tàu viễn dương, đi đến nhiều nước trên thế giới, biết tôi là người Việt Nam, họ thường nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một niềm kính phục, tôi rất ngạc nhiên. Sau đó, tôi để tâm tìm hiểu thì mới biết rõ hơn về “cây đại thụ rợp bóng nhân văn Võ Nguyên Giáp”.
Theo lời Phan Hải, một lần, ông đến An-giê (An-giê-ri), ngồi trò chuyện với nhiều thuyền trưởng quốc tế khác. Phát hiện ra ông là người Việt Nam, họ xúm lại hỏi chuyện ông, về Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Họ nói đó là hai nhân vật đã tạo nên niềm tin và ý chí để các dân tộc châu Phi đứng lên giành độc lập từ ách đô hộ của các nước thực dân. Họ còn nói, giấc mơ cả đời của họ là được đến Việt Nam một lần, được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tận mắt thấy Võ Nguyên Giáp... Sau này, ông Phan Hải đến châu Úc, châu Mỹ và cả châu Âu hay Ấn Độ, Nhật Bản, ông đều gặp những câu chuyện tương tự. Đặc biệt là châu Mỹ La-tinh, nơi các nước từng chịu cảnh thuộc địa tương tự như Việt Nam, họ thường xuýt xoa, thán phục khi biết ông đến từ đất nước của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... Với họ, đó là những vị thánh, những người anh hùng giải phóng giai cấp lao động, giải phóng các dân tộc thuộc địa.
“Từ đó, mỗi lần về nước, tôi dành thời gian tìm hiểu về Bác Hồ và Đại tướng để còn có thông tin trả lời bạn bè. Có lần, ở Nam Phi, nghe bạn bè quốc tế kể chuyện về Bác Hồ và Đại tướng mà tôi thấy tự hào và... ngượng, vì hóa ra, họ biết nhiều, đọc nhiều về Việt Nam, có những điều tôi không biết thì họ lại biết”. Nữ ký giả phương Tây Ô-ri-a-na Pha-la-xi (Oriana Fallaci) từng có bài viết miêu tả khuôn mặt và đôi mắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà thốt lên trong bài viết là: “Đây là đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng thấy”. Tôi không ngờ, bạn bè thế giới hiểu sâu, biết kỹ về Đại tướng như vậy" - ông Phan Hải bộc bạch.
Sự dày công của ông Phan Hải còn có một lý do rất sâu sắc. Từng cập nhiều bến cảng phương Tây, trò chuyện với nhiều bạn bè là người phương Tây, ông rất suy nghĩ khi có một vài sử gia phương Tây cho rằng Võ Nguyên Giáp là vị tướng “chiến thắng bằng mọi giá”. Tìm đọc về Đại tướng, ông như reo lên khi đọc các bài viết của nhiều tướng lĩnh thân cận với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như Thượng tướng Trần Văn Trà từng nhận xét: “Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Trong cuộc đời Tổng Tư lệnh của mình, Võ Nguyên Giáp luôn thực hiện một trong những quan điểm cốt tử của chiến tranh chính nghĩa: Dứt khoát phải giành bằng được chiến thắng với hiệu quả cao nhất nhưng phải đi đôi với hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của tướng sĩ”. Hay Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, năm 1973 dẫn Đại tướng đi thăm cụm trọng điểm ATP trên đường Hồ Chí Minh về ghi lại trong hồi ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng Tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên”.
Đó cũng là lý do vì sao ông Phan Hải rất cầu kỳ, cẩn thận khi tìm mẫu tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức tượng do hai nghệ nhân Trần Thanh Tùng và Nguyễn Văn Thức thực hiện đã thể hiện được thần thái của một vị tướng lấy nhân nghĩa làm trọng. Anh Võ Điện Biên, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi xem bức tượng đã thốt lên: “Đây là bức tượng ba tôi đẹp nhất mà tôi từng thấy”.
Bài và ảnh: PHONG BÌNH