QĐND - Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với bác sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hiền từ khi ông còn làm việc ở Bệnh viện Quân y 87 cho tới ngày ông nghỉ hưu, mở phòng khám ở đường Chu Văn An, Nha Trang, Khánh Hòa, cách nhà tôi vài trăm mét. Tôi nhận thấy ông là một người ít nói, hiền lành, chất phác, luôn lấy công việc làm niềm vui. Ông còn có đam mê yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh và làm xiếc.
Với ông, tôi có một kỷ niệm mà đến giờ có lẽ ông không còn nhớ, nhưng cả gia đình tôi không bao giờ quên. Lần đó, do thiếu cẩn trọng khi sửa ăng-ten ti vi giúp cho một nhà hàng xóm, tôi bị điện giật, rơi từ tầng hai xuống đường, đầu bị thương ở phía trên tai phải, vết thương dài khoảng 3cm, sâu tới xương sọ. Bà con trong phố đưa tôi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu. Hôm đó vào đúng ngày 30 Tết, ai cũng tất bật nên tôi chỉ được băng bó vết thương qua loa và tiêm một mũi thuốc kháng sinh. Về nhà tôi thấy chóng mặt, buồn nôn, máu ở vết thương chảy ra. Khoảng 23 giờ 30 phút, gia đình tôi lo sợ, chạy sang nhờ bác sĩ Hiền, ông vội lấy y cụ sang ngay. Ông vệ sinh và khâu vết thương cẩn thận, tiêm thuốc kháng sinh và thuốc trợ sức cho tôi. Làm việc xong cũng vừa lúc Giao thừa, ông ra về, gia đình trả tiền công, ông không nhận. Ông nói: “Hàng xóm giúp nhau một chút, công sá gì”. Bảy ngày sau, vết thương của tôi đã lành.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, tại An Mỹ, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông là con thứ tư trong một gia đình có 5 người con. 18 tuổi, đang học năm cuối của Trường THPT huyện Quỳnh Phụ, Nguyễn Xuân Hiền đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Vào bộ đội, sau khi kết thúc khóa huấn luyện tân binh, Nguyễn Xuân Hiền được đi học ở Trường Y sĩ Thái Bình, ra trường được điều về Quân khu Tả Ngạn, đóng quân ở tỉnh Bắc Ninh rồi lên đường vào Nam chiến đấu, tháng 11 năm 1969.
|
Bác sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hiền (bên trái) tại đền thờ Bác ở An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình.
|
Đầu tháng 1 năm 1970 vào tới tỉnh Kon Tum, y sĩ Hiền được biên chế về D22. Nhiệm vụ chính của đơn vị là tiếp nhận thương binh, bệnh binh ở chiến trường ra và các chiến sĩ bị bệnh tật nằm rải rác trên suốt dọc đường Trường Sơn về điều trị, nuôi dưỡng. Sau ngày miền Nam giải phóng, y sĩ Nguyễn Xuân Hiền được đi học ở Học viện Quân y, sau đó trở thành bác sĩ, được điều về công tác ở Bệnh viện Quân y 87. Năm 1992, bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền về nghỉ hưu, sau 26 năm phục vụ trong quân đội. Trong thời gian nghỉ chờ làm thủ tục về hưu thì có thông tin Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội mở lớp học về bộ môn phẫu thuật tạo hình. Không bỏ lỡ cơ hội hiếm có, bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền đã xách hành lý ra Hà Nội xin theo học. Ông tâm sự: “Đất nước ta hiện nay nhờ có chính sách đổi mới của Đảng, đời sống của nhân dân đã được nâng lên…, nhiều gia đình giàu có, chị em phụ nữ không chỉ nghĩ đến chuyện cơm áo, gạo tiền mà đã chuyển sang nghĩ tới việc làm đẹp cho mình. Đây là cơ hội tốt để ngành phẫu thuật tạo hình lên ngôi. Hơn nữa còn giúp cho con em bị khuyết tật cần được phẫu thuật. Mình là bác sĩ phẫu thuật, phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ để làm đẹp cho cuộc đời. Nghỉ hưu có công việc làm cho cuộc sống bớt tẻ nhạt”. Qua hơn một năm học tập, bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền về lại Nha Trang mở phòng thẩm mỹ tạo hình.
Năm 2004, bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền đã bỏ ra số tiền tích cóp được trong quá nửa cuộc đời lao động để xây dựng đền thờ Bác Hồ ở An Mỹ quê ông. Cùng với công sức của bà con, sau thời gian hơn 3 tháng xây dựng, đền thờ Bác đã hoàn thành. Bác sĩ Hiền đã mời họa sĩ Nguyễn Liêu về đắp phù điêu, trang trí nội, ngoại thất. Ngoài nơi thờ phụng Bác, trong khuôn viên của đền còn có một hội trường rộng làm nơi sinh hoạt trong các ngày lễ hội.
Tháng 5 năm 2013 vừa qua, tôi vinh hạnh được cùng bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền về thăm An Mỹ đúng vào dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Bác Hồ. Trong ngày 19 tháng 5, ngay từ sáu giờ sáng, bà con trong xã đã mang hoa quả, đèn nhang đến cúng ở đền thờ Bác. Hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp trong xã đổ về đền thờ Bác vui như ngày hội.
Tấm lòng “vàng” của bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền không chỉ có đối với nơi sinh ra như vậy mà còn với cả nơi sinh sống là thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hằng năm, bác sĩ Hiền đều ủng hộ cho quỹ tình thương, quỹ khuyến học, quỹ người nghèo. Đối với những bệnh nhân nghèo chẳng may bị tai nạn đến điều trị ở phòng khám của ông, ông không ấy tiền chữa trị. Ngoài ra, còn tặng thuốc về nhà điều trị sau phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền thường tâm sự: “Làm được những việc tốt cho xã hội, mang lại được một chút niềm vui nho nhỏ cho những người nghèo sống quanh ta là niềm vui, niềm hạnh phúc cho mình - một cựu chiến binh - lính Cụ Hồ”.
Bài và ảnh: XUÂN TUYNH