Từ trận đánh “tao ngộ chiến”...
Ngày 14-7-1972, Bộ tư lệnh B5 thành lập hai cánh quân phòng thủ phía đông và phía tây thị xã Quảng Trị. Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88, trong đội hình Sư đoàn 308 (từ đây gọi tắt là Đại đội 6) thuộc cánh quân phía tây. Một chiều hè nóng bỏng, Đại đội 6 nhận lệnh: Từ phía đông nam Động Ông Do, khẩn trương tiến chiếm làng Thượng Nguyên (phía nam sông Nhùng) thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tạo “bàn đạp” cho Tiểu đoàn 5 tiếp cận, tấn công một cánh quân địch đứng chân bên phía Đường 1 đang chuẩn bị phản kích vào trận địa phòng ngự của ta.
Để giữ vững thế trận phản kích, địch đánh phá quyết liệt các vùng mà chúng nghi ngờ quân ta có thể tạo thế để chống phản kích, trong đó có địa phận Đại đội 6 hoạt động. Trên không B-52 trút bom. Phía biển, pháo bầy cấp tập. Khói lửa mù mịt. Mặc dù vậy, bộ đội vẫn kiên cường xốc tới. Khi tiến đến đồi Không Tên thì phát hiện bọn lính dù địch đang di chuyển giữa hai vạt rừng sim, mua phía đối diện. Chi ủy hội ý, nhận định: Ta ít người nhưng nắm thời cơ. Địch đông quân nhưng bị động! Quyết định phục kích “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến!”.
Nhưng khi bọn lính dù còn cách quân ta khoảng 50m thì tên chỉ huy hét lính: “Vô sườn đồi đào công sự!”… Chi ủy Đại đội 6 hội ý lần thứ hai, tức khắc chuyển từ phục kích chờ địch sang tập kích diệt địch, “chặn đầu, khóa đuôi”, đánh vỗ mặt vu hồi, dùng hỏa lực chặn quân tiếp viện.
Đúng 17 giờ Đại đội trưởng Nguyễn Thân phát lệnh tấn công. 26 tay súng AK đồng loạt nhả đạn như mưa xiên; súng B40, súng cối 60 ly khạc lửa, làm cả đại đội lính dù địch không kịp trở tay, điên cuồng chống trả trong tuyệt vọng, thây xác ngổn ngang sườn đồi… Đại đội 6 thu dọn chiến trường xong tiếp tục tiến về làng Thượng Nguyên dưới ánh trăng thượng tuần…
leftcenterrightdel
Trung tá - thương binh, cựu chiến binh Lê Huy Toàn
“Phóng sự chiến trận” bằng thơ
Chuyện về trận đánh nói trên nhanh chóng lan truyền tới các đơn vị như một khúc hùng ca với nhiều hình thức như kể chuyện, trần thuật, vè ca chiến công; đặc biệt là bài thơ “Nhật ký buổi chiều” của Lê Huy Toàn, nhân viên chính trị Trung đoàn 88.  
Lê Huy Toàn, sinh 1950 tại Kim Đường, Ứng Hòa, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, tháng 6-1968 anh nhập ngũ theo đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Phát hiện Lê Huy Toàn có năng khiếu văn chương qua hoạt động báo tường ở đơn vị, Thủ trưởng Trung đoàn 88 đã “nhấc” anh lên Ban Chính trị, giao viết tin về trung đoàn gửi Báo Quân Tiên Phong và thống kê các trận đánh để phục vụ công tác biên soạn lịch sử đơn vị sau này.
Nhận tin Đại đội 6 tiêu diệt gọn Đại đội 33, Tiểu đoàn 3 lính dù địch ở sườn đồi cạnh làng Thượng Nguyên khi nó còn đang “sốt dẻo”, chàng nhân viên chính trị 22 tuổi đa tài Lê Huy Toàn đã hạ câu đầu tiên: “Mười lăm giờ mười hai phút-Ba loạt bom kéo dài vắt ngang đỉnh động (Ông Do)/ Khói bom lùa trong nắng nóng” để rồi chữ nghĩa theo mạch đó tuôn ra thành một “phóng sự chiến trận” bằng thơ:
Nhật ký buổi chiều                                                                                
(Động Ông Do tháng 7-1972. Tặng Đại đội 6 tiêu diệt gọn Đại đội 33, Tiểu đoàn 3 lính dù của địch)
Mười lăm giờ mười hai phút-Ba loạt bom kéo dài vắt ngang đỉnh động (Ông Do)/ Khói bom lùa trong nắng nóng/ Trùm lên đội hình hành quân/ Tiếng C trưởng (Đại đội trưởng) Nguyễn Thân:/ “Lợi dụng khói bom vượt nhanh qua bãi trống!”/ Lích kích “bao xe” chạm vào khóa súng/ Như tiếng gọi nhau của bầy chim khuyên/ Đội hình hành quân nhằm hướng làng Thượng Nguyên.
Mười sáu giờ kém năm-Tiếng đại bác địch gầm/ Đạn rít qua đầu veo véo/ Lệnh truyền xuống, cứ đi!/ Làng Thượng Nguyên một dải xanh rì/ Nằm gọn trong tầm mắt/ Chính trị viên Tô rỉ tai anh trinh sát:/ Đưa quân nhanh qua đồi không tên/ Nhiệm vụ đêm nay: Chiếm lĩnh làng Thượng Nguyên/ Giữ bàn đạp cho tiểu đoàn tiếp cận!
Mười sáu giờ vừa chẵn-Nắng trải bóng chiều nghiêng nghiêng sườn non/ Đại đội hành quân ra khỏi lối mòn/ Men theo đường tăng xuất kích/ Bỗng từ tổ tiền tiêu lệnh truyền: “Có địch!/ Đội hình chiến đấu triển khai!”.
Mười sáu giờ hai mươi-Một đại đội lính dù áo quần loang lổ/ Tiến hàng một theo đường tăng đỏ/ Giữa hai rừng mua sim/ Chi ủy họp bàn phục kích/ Tao ngộ chiến (hành quân gặp địch)/ Ta ít người nhưng có thời cơ/ Địch quân đông nhưng bị bất ngờ/ Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến/ Phải diệt gọn, trận này quyết chiến/ Hai sáu (26) nòng súng thép xôn xao/ (Trận địa đồi sim không có chiến hào).
Mười sáu giờ hai lăm - Tên địch đi đầu cách ta 50 mét/ Phù hiệu lính dù rõ dần trên ngực thằng sĩ quan/ Hắn vung tay khua khẩu sung “côn”:/ “Ê! Lẹ vô sườn đồi mà đào công sự!”/ Trận địa phục kích đỉnh đồi bị lỡ/ Chi ủy họp bàn lần thứ hai/ Chuyển nhanh sang tập kích/ Chặn đầu khóa đuôi/ Vỗ mặt vu hồi/ Dùng hỏa lực ngăn quân cứu viện.
Mười bảy giờ vừa đến-Như nước vỡ bờ tiếng nổ ngập không gian/ Xác giặc lẫn trong màu cỏ úa/ Chiến sĩ Lâm vung tay: “Bắn nữa!”/ Đạn B40 vạch những luồng lửa xanh/ Cối 60 ly chớp vầng lửa đỏ/ Cả đại đội lính dù không kịp trở tay/ Khắp mặt sườn đồi, lũ giặc phơi thây.
Mười tám giờ-Bóng nắng khuất đồi cây/ Lệnh: “Tiếp tục tiến về nơi quy định!”/ Khói thuốc đạn cay nồng trong áo lính/ Trăng bắt đầu lên vằng vặc chân trời/ Nòng súng như cười lấp lóa trăng soi… 
“Nhật ký buổi chiều” với bút pháp tả thực dựa trên năng lực cảm thụ văn chương bẩm sinh và tinh thần lạc quan cách mạng của tác giả, đã mang tới người đọc những hiệu ứng thẩm mỹ đáng trân trọng. Khi bộ đội lợi dụng khói bom vượt nhanh qua bãi trống nhằm hướng làng Thượng Nguyên, “Lích kích “bao xe” chạm vào khóa súng/ Như tiếng gọi nhau của bầy chim khuyên”; hành quân gặp địch “Chi ủy họp bàn phục kích/ Tao ngộ chiến/… Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến/ Phải diệt gọn, trận này quyết chiến/ Hai sáu nòng súng thép xôn xao”...; Và kết thúc trận đánh: “… Bóng nắng khuất đồi cây/ Lệnh: “Tiếp tục tiến về nơi quy định!”/ Khói thuốc đạn cay nồng trong áo lính/ Trăng bắt đầu lên vằng vặc chân trời/ Nòng súng như cười lấp lóa trăng soi”. Có thể ví những “vần thơ lửa cháy” ấy đẹp tựa trăng rằm!
“Nhật ký buổi chiều” được in trong tập “Thơ Quân Tiên phong” do Cục Chính trị Binh đoàn Quyết Thắng xuất bản kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Binh đoàn và trong tập “Đường chiến dịch” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1977). Tác giả của nó trở thành đảng viên tại mặt trận Quảng Trị vô cùng ác liệt tháng 8-1972. Đấy cũng là cơ duyên để năm 1991 Trung tá Lê Huy Toàn đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Tổng kết Lịch sử Sư đoàn 308 suốt 9 năm, chủ công biên soạn cuốn “Lịch sử Trung đoàn 88 Tu Vũ” (1949-2009) - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2009.    
PHẠM XƯỞNG