QĐND - Trung đoàn trưởng Trần Mạnh không trực tiếp bắn hạ máy bay địch nhưng là người tổ chức và chỉ huy hàng chục trận không chiến thắng lợi. Với lòng tin yêu tuyệt đối, các phi công, sĩ quan tham mưu tác chiến, dẫn đường, thợ máy Trung đoàn Không quân Sao đỏ thường nói với nhau: “Nếu người tổ chức chỉ huy trận không chiến thắng lợi cũng được xét thưởng như phi công bắn rơi máy bay địch thì ngực áo thủ trưởng Mạnh không đủ chỗ để gắn hết huân chương!”.
 |
Đồng chí Trần Mạnh (ngoài cùng bên trái), Phó tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ cho hai đồng chí Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm, phi công thuộc Sư đoàn 371 trước lúc lên đường đi học tại Liên Xô để trở thành phi công vũ trụ. Ảnh: Xuân Át
|
Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Mạnh là một cán bộ chỉ huy trẻ tuổi dũng cảm và tài năng của bộ đội tỉnh Trà Vinh. Năm 1955, anh tập kết ra Bắc và được tuyển chọn đi học lái máy bay phản lực chiến đấu, kiêm nhiệm cán bộ phụ trách đoàn học viên phi công du học nước bạn. Vừa lo học lại vừa lo lãnh đạo đoàn, song ở cả hai cương vị ấy, anh đều hoàn thành xuất sắc.
Mùa thu năm 1965, anh đưa toàn đoàn về nước thành lập trung đoàn không quân tiêm kích phản lực thứ hai mang tên Yên Thế, kịp thời trợ lực cho Trung đoàn Sao đỏ đang căng sức đối đầu với không quân Mỹ.
Hồi ấy, bộ đội tên lửa phòng không ta vừa ra quân, diễn tập đánh thắng địch, buộc địch phải thay đổi thủ đoạn chiến thuật bay trên độ cao trung bình chuyển sang hoạt động ở tầng thấp chống lại tên lửa ta. Nhạy bén với tình hình, Trần Mạnh đề xuất ngay với lãnh đạo, chỉ huy quân chủng cùng tập thể đội ngũ cán bộ tham mưu và phi công đoàn Yên Thế kịp thời huấn luyện kỹ thuật bay tầng thấp và nghiên cứu, tìm tòi cách đánh phù hợp. Với ý chỉ quyết chiến quyết thắng cao, chỉ trong một thời gian ngắn vừa huấn luyện, rút kinh nghiệm vừa chiến đấu, chiến thuật không chiến ở tầng thấp và cực thấp đã được nâng lên hoàn chỉnh với lối đánh quần đánh vòng độc đáo trên cơ sở phát huy hết tính năng cơ động mặt bằng ưu việt của máy bay MIG-17.
Từ ấy, Trung đoàn Không quân Yên Thế hễ xuất kích là mang chiến thắng trở về, bắn rơi nhiều chiếc F.105 và F.4. Hạ gục những giặc lái Mỹ sừng sỏ từng bay vài ngàn giờ như đại tá Noóc-man Ga-đít-xơ.
Trận không chiến trên đỉnh sân bay Nội Bài ngày 19-7-1966 do đích thân Trần Mạnh tổ chức và chỉ huy là bức tranh sống động chứng minh hiệu quả của chiến thuật đánh quần đánh vòng trên tầng thấp của MIG-17.
Hôm ấy, Phi đội 12 chiếc F.105-D do Giêm Cát-xlơ, thiếu tá anh hùng không lực Mỹ chỉ huy bay thấp xuyên lõng núi Tam Đảo định đến ném bom kho xăng Đông Anh, Trần Mạnh phát hiện nhanh ý đồ của địch, lệnh cho biên đội 2 chiếc MIG-17, Nguyễn Biên, Võ Văn Mẫn xuất kích bất ngờ chặn đánh. Biên và Mẫn mới chỉ được huấn luyện bay trên MIG-17 chưa đến 300 giờ. Còn Cát-xlơ đã bay vài ngàn giờ trên nhiều loại phản lực chiến đấu cơ, từ F86 xuất hiện lần đầu trong chiến tranh Triều Tiên đến F.105-D đã cải tiến đến 4 lần.
Trần Mạnh đứng hẳn lên nóc hầm chỉ huy trận đánh, sát sao như “ông bầu” với đội bóng trên sân cỏ. Khi ra lệnh cho Biên, Mẫn tiến công thẳng vào tên dẫn đầu phi đội F.105-D, anh chỉ thị rất rõ điểm cốt lõi của phương án tác chiến: “Luôn ghìm địch xuống thấp, không để địch dụ lên cao hoặc bay ra xa, tận dụng sự chỉ huy bổ trợ của các đài quan sát dưới đất và sự yểm hộ của pháo cao xạ bảo vệ sân bay!”. Và, như người sành cờ, anh đoán chắc nước đi tiếp của địch và đòn ta cần tiến công. Quả đúng như dự đoán, trước đòn chặn đánh bất ngờ của Biên-Mẫn, Cát-xlơ buộc phải cùng trung úy Đai-mơn, bay yểm hộ hẳn, cơ động gấp để tránh loạt đạn pháo của Biên, Mẫn. Y đành cùng Đai-mơn quẳng hết bom, bị động chấp nhận không chiến và giao quyền cho tên bay số 3 dẫn đội đến mục tiêu. Phi đội F.105-D như “rắn mất đầu”, đội hình xộc xệch, bay vào ném bom kho xăng và càng trở nên rối loạn hơn trước hỏa lực dày đặc của pháo cao xạ bảo vệ kho xăng Đông Anh. Chúng cắt bừa bom xuống rồi mạnh ai nấy thoát cho nhanh.
Thoạt đầu, Cát-xlơ rất coi thường hai chiếc MIG. Y tưởng bắn rơi MIG dễ như “thọc tay vào túi quần lấy bật lửa châm thuốc!”. Không ngờ, hễ y ấn cò khẩu Ca-nông 6 nòng cỡ 20 ly, tốc độ 6000 phát/phút là đối phương cơ động kịp thời tránh luồng đạn hiểm. Chính các đài quan sát dưới đất do đích thân Trần Mạnh vạch ra và chỉ đạo đã cảnh giới giúp Biên, Mẫn chỉ huy bổ trợ biên đội cơ động gấp khi Cát-xlơ và Đai-mơn tiến vào cự ly bắn hiệu quả. Rồi tình thế bị đảo ngược, cả hai tên đều bị Biên, Mẫn bám sát sau lưng và nã pháo. Vòng đấu dần dần bị dẫn vào vùng hỏa lực bảo vệ sân bay lúc nào chúng không hay biết. Đai-mơn có lẽ yếu bóng vía hơn vội tách đội hình tháo chạy, liền bị Mẫn săn đuổi ráo riết, bắn y rơi tại chỗ, nhảy dù và bị dân quân Phúc Yên bắt sống.
Cát-xlơ áp dụng đủ ngón chống chọi với Biên, nhưng với chiếc MIG-17 bán kính lượn vòng rất hẹp, quần lộn với y, Biên luôn giành thế chủ động bám sát sau lưng y khiến y phải vứt bỏ lòng tự trọng, kêu đồng bọn ứng cứu nhưng cuối cùng cũng không tránh nổi loạt pháo của Biên nã trúng cánh phải…
Khi Bộ tổng tư lệnh quyết định trang bị cho Trung đoàn Sao đỏ loại máy bay chiến đấu siêu thanh MIG-21, Trần Mạnh được điều về làm Trung đoàn trưởng. Anh còn là một trong những phi công MIG-17 đủ sức khỏe và trình độ kỹ thuật được chọn bay chuyển loại MIG-21. Vừa lo hoàn thành nhiệm vụ bay chuyển loại, anh vừa cùng lãnh đạo chỉ huy trung đoàn lo tổ chức xây dựng đơn vị. Anh suy nghĩ trăn trở nhiều hơn cả là huấn luyện bay ứng dụng sao cho sát với thực tế chiến đấu và xây dựng cách đánh sao cho phù hợp để phát huy hết tính năng ưu việt của vũ khí trang bị mới. Đêm khuya, trong căn phòng nhỏ, sau mỗi ngày bay tập căng thẳng, mệt nhọc, anh lại hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác không chỉ vì thói quen mà vì một suy nghĩ đè nặng lên tâm trí khó bứt ra nổi: “Cách đánh của máy bay MIG-21 không thể bệ nguyên bản cách đánh hiệu quả hiện nay của MIG-17!”.
Hồi ấy, không ít cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Quân chủng Phòng không - Không quân đang rất thỏa mãn, say sưa với lối đánh thắng của MIG-17, cho rằng MIG-21 phải vận dụng cách đánh đó và nôn nóng yêu cầu MIG-21 xuất kích. Trong những trận đầu, biên đội MIG-21 không bắn rơi được địch mà còn bị tổn thất liên tiếp. Rồi quân chủng lệnh xuống: Các biên đội MIG-21 trực ban chiến đấu, nửa số mang tên lửa, nửa số mang rốc-két chuẩn bị đánh quần, đánh vòng với địch.
Ngày 9-10-1966, biên đội 2 chiếc MIG-21 Ngân, Minh xuất kích chiến đấu trên vùng trời nam Hà Nội. Ngân bay số 1, mang tên lửa, không bắn rơi địch nhưng Minh, bay số 2, mang rốc-két lại bắn rơi liền hai chiếc F.4-B. Suy nghĩ lối mòn “kinh nghiệm chủ nghĩa” càng được khẳng định. Thậm chí, quân chủng đề nghị Bộ yêu cầu bạn viện trợ bổ sung cho ta loại máy bay MIG-21 thế hệ đầu tiên có lắp súng ca-nông để có thể đánh quần, đánh vòng với địch trên tầng thấp đỉnh mục tiêu bảo vệ, y hệt lối đánh của MIG-17.
Trần Mạnh thấy giải pháp đó không ổn. Anh thẳng thắn phản biện, nêu chủ kiến của mình: “Nếu ép MIG-21 đánh quần đánh vòng theo kinh nghiệm MIG-17 chẳng khác nào thả đại bàng lên trời nhưng lại xén bớt cánh và trói chân nó lại”. Theo anh, MIG-21 có tốc độ siêu thanh, có sức cơ động lớn về độ cao thẳng đứng, bán kính hoạt động tương đối xa, lại có uy lực tên lửa đối không xác suất cao thì phải làm sao tận dụng được hết tính năng ưu việt ấy trong chiến đấu mới đạt được hiệu quả cao diệt địch, cản phá và đánh tan đội hình tiến công của địch từ xa, bảo vệ được mục tiêu. Nếu không, coi như ta vứt súng đi mà quay lại dùng gươm, mã tấu hoặc mác búp đa vậy!”.
Sau mỗi trận đánh thành hay bại, anh trao đổi với từng phi công tham chiến và các sĩ quan tham mưu, nhất là với người trực tiếp dẫn đường trên màn hiện sóng ra-đa. Rồi phân tích, tổng hợp lại thành một đề án, đem ra bàn thảo kỹ với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, phản biện tranh luận quyết liệt. Cuối cùng anh được giao chủ biên phương án tác chiến mới trình quân chủng. Với sự tự tin cao và dám đương đầu chịu trách nhiệm trước cấp trên, anh đề nghị quân chủng giao toàn quyền chỉ huy xuất kích và dẫn dắt biên đội chiến đấu cho trung đoàn. Chính ủy Đặng Tính hiểu và rất tin Trần Mạnh, ông thuyết phục Bộ tư lệnh duyệt đề nghị trên của anh. Cờ súy đã được trao, anh liền tổ chức một vài trận thử nghiệm.
Ngày 5-12-1966, sau khi ra-đa phát hiện được địch từ xa, Trần Mạnh lệnh cho biên đội 2 chiếc Kính, Nhu xuất kích. Anh vạch một đường bay táo bạo, ngược với hướng bay của địch với giãn cách địch không thể phát hiện được ta. Anh lệnh dẫn dắt biên đội theo lối nửa chặn kích. Biên đội đến cự ly cách địch 30km, báo cáo đã phát hiện được toàn bộ đội hình địch. Lúc ấy, anh mới ra lệnh cho biên đội bất ngờ vọt lên thẳng, vừa tranh độ cao hơn địch, vừa vòng lại 180 độ chiếm bán cầu phía sau đội hình địch rồi bổ nhào với tốc độ lớn công kích vào đội hình 24 chiếc F.105 và F.4 chưa kịp triển khai. Kính có Nhu yểm hộ chặt phía sau, đã phóng tên lửa bắn rơi tại chỗ tên trung tá chỉ huy, làm tan rã ngay đội hình địch, cản phá hoàn toàn cuộc tiến công của chúng vào Hà Nội.
Tiếp đến, ngày 14-12-1966, Trần Mạnh chỉ huy biên đội 4 chiếc MIG-21 Chiêu-Ngự-Đe- Cốc cũng theo chiến thuật đó, nhưng điều chỉnh góc độ, cự ly tiếp cận địch để biên đội nhanh chóng phát hiện được toàn bộ đội hình địch. Biên đội đã tận dụng ưu thế tốc độ và độ cao đánh vào điểm yếu nhất của địch, phóng tên lửa liên tiếp bắn rơi 2 chiếc F.105-D, buộc những chiếc còn lại phải quẳng bom tháo chạy. Trận này, riêng Đồng Văn Đe, từ MIG-17 mới được bay chuyển loại MIG-21, phóng 2 quả tên lửa bắn rơi tại chỗ liền 2 chiếc F.105-D.
Với chiến thuật đó, ngày một được bổ sung hoàn thiện, phát triển lên thành lối đánh tạo đà, tạo thế ban đầu, đánh nhanh thọc sâu chia cắt đội hình địch chưa kịp triển khai, Trung đoàn Sao Đỏ đã vượt qua khó khăn, vươn lên liên tiếp thắng trận giòn giã. Tỷ lệ bắn rơi tại chỗ máy bay địch cao, bắt sống nhiều giặc lái, cản phá nhiều đội hình lớn của địch tiến công Hà Nội. Đỉnh cao là trận 3-1-1968, chỉ có một mình Hà Văn Chúc xuất kích. Anh được dẫn ra xa khỏi mục tiêu bảo vệ và chiếm độ cao trên 9.000m. Như chim chèo bẻo đánh đàn quạ, Chúc bổ nhào công kích liên tiếp 3 lần xuyên qua đội hình hỗn hợp 36 chiếc F.105-D và F.4. Lần bổ nhào cuối cùng, anh mới phóng tên lửa nhằm trúng chiếc máy bay F.105-D đầu đàn do tên đại tá Đin, chỉ huy trưởng liên đội máy bay Mỹ ở sân bay Cò-rạt (Thái Lan), phá tan từ xa cuộc tiến công của chúng vào Hà Nội.
Chiến thuật trên không dừng lại, luôn bổ sung và phát triển đã làm xuất hiện nhiều kiện tướng lập kỷ lục bắn hạ máy bay địch và được phong tặng danh hiệu anh hùng như Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Nhật Chiêu, Vũ Ngọc Đỉnh, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Ngọc Độ. Thế hệ phi công tiếp sau Đinh Tôn, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Đức Soát, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Nghĩa… cũng lập nhiều chiến công xuất sắc.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Sao đỏ tôn vinh Trần Mạnh là kiến trúc sư chiến thuật trăm trận thắng. Nhưng anh vẫn một mực khiêm nhường chân thành: “Chính mỗi một phi công, thợ máy, sĩ quan tham mưu dẫn đường mới là người sáng tạo đích thực của chiến thuật trăm trận thắng!”.
Bài viết này xin được là một nén tâm nhang tưởng nhớ cố Thiếu tướng Trần Mạnh. Đồng thời, cũng xin phép được nói lên nguyện vọng của các cựu chiến binh trung đoàn Sao đỏ chúng tôi đề nghị trên xét và trao danh hiệu cao quý xứng đáng cho người anh hùng đã mất vì bạo bệnh.
Đại tá VŨ THÀNH