Các anh về tưng bừng trước ngõ
Sau khi “thực mục sở thị” những gia đình có bộ đội đến ở tại các thôn: Trung Mầu, Đồng Giang, Thanh Lanh, tôi nghe được khá nhiều câu chuyện thú vị. Ông Trương Văn Năm ở thôn Trung Mầu tươi cười khoe: Có bộ đội về đường sạch, ngõ sạch, nhà sạch, giúp nhân dân bao nhiêu là việc. Không chỉ dọn nhà, dọn vườn, các chú còn cắt tóc cho em nhỏ, người già, làm đồ chơi cho các em. “Các chú bộ đội biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền đủ thứ luật, mang đến luồng gió mới cho địa phương”, người đàn ông hơn 50 tuổi trải lòng trong nắng hanh vàng trên con đường bê tông trước nhà.
Chờ đợi mãi rồi tôi cũng gặp được Thiếu tá Vũ Văn Hùng, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 165, người được cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đây giới thiệu là “nhạc trưởng” trong tổ chức các hoạt động dân vận. Anh vừa từ Trường Tiểu học và THCS Trung Mỹ trở về ít phút và chưa kịp nghỉ ngơi. Anh cho biết: "Nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Ban giám hiệu nhà trường đề nghị đơn vị cử cán bộ đến nói chuyện về truyền thống của Quân đội ta. Thế là đêm 21-12, tôi phải tranh thủ soạn một bài nói chuyện đặc biệt về truyền thống Quân đội và Trung đoàn Thành đồng Biên giới, một danh hiệu oai hùng của Trung đoàn 165 trong lịch sử".
Để lại câu chuyện dang dở, Thiếu tá Vũ Văn Hùng lấy điện thoại gọi cho ai đó. Vài phút sau, anh bảo tôi lên đường, đi gặp "nhân vật đặc biệt" đang ở cách đó không xa.
Mất vài phút ngồi xe máy, chúng tôi đến Trường Mầm non xã Trung Mỹ. Đồng chí Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 165 tươi cười giới thiệu với tôi một cô giáo. Anh bảo, đây là chị Khiêm. "Cô giáo trông trẻ thế này thôi nhưng con trai đã 16 tuổi rồi đấy anh ạ"!
- Ồ, cô giáo lấy chồng sớm quá!-Tôi đùa vui.
Mặt ửng đỏ, cô giáo e thẹn lên tiếng:
- Anh ấy trêu em đấy ạ! Em tên là Huệ. Họ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Huệ và mới có 30 tuổi thôi. Em là Bí thư Đoàn Trường Mầm non xã Trung Mỹ. Từ hôm diễn xong vở kịch “Đứa con cưng của mẹ”, đi đến đâu các anh bộ đội và người dân cũng gọi em là bà Khiêm.
- Tại em nhập vai đạt quá đấy mà!
- Em không rõ đâu. Từ khi nhận kịch bản đến lúc diễn chỉ hơn một tuần. Khi đó, chúng em lại đang ôn thi giáo viên dạy giỏi cấp trường nên dành thời gian để tập tiểu phẩm không nhiều. May mà khi tập, các anh bộ đội hướng dẫn cách thể hiện lời thoại nên khi diễn, em thấy tự tin hơn. Các anh bộ đội cũng cho em cảm xúc để diễn thành công vở kịch. Giờ em được "mang tên mới". Ngẫm ra cũng vui anh ạ. Vui vì được đóng góp cho chi đoàn; vui vì được cùng các anh bộ đội làm công tác dân vận. Khi còn bé, em có đọc câu thơ "các anh về tưng bừng trước ngõ", cứ nghĩ là nói quá. Giờ được đón tiếp các anh tại quê mình, em thấy câu thơ ấy thật đúng và giàu cảm xúc quá.
|
|
Thiếu tá Vũ Văn Hùng, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 165 trao quà tặng gia đình chính sách xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: HẢI HÀ |
Chia tay cô giáo Huệ trở về nơi ở dã ngoại của Ban Chính trị Trung đoàn 165, tôi cứ vấn vương mãi với bài thơ “Bao giờ trở lại” của Hoàng Trung Thông viết từ thời kháng chiến chống Pháp, được đưa vào sách giáo khoa mà chúng tôi đã học. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 165 thích đi làm công tác dân vận để được về với bà con như lời Thiếu tá Vũ Văn Hùng chia sẻ.
Mềm hóa nội dung tuyên truyền khô cứng
Trưa ấy, Thiếu tá Vũ Văn Hùng cung cấp cho tôi nhiều thông tin thú vị về đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại xã Trung Mỹ. Theo đó, trong đợt này, Trung đoàn được lựa chọn làm điểm để tuyên truyền giáo dục pháp luật. Yêu cầu của trên rất cao, đó là phải đưa các thông điệp về pháp luật vào chương trình văn nghệ.
- Anh biết đấy, các loại hình nghệ thuật, như: Hát, múa, ngâm thơ rất khó để truyền tải được thông điệp đó-Thiếu tá Vũ Văn Hùng nói.
- Vậy, các anh đã làm thế nào để có kết quả ấy? Tôi hỏi.
- Cũng không đơn giản đâu anh ạ. Sau nhiều lần bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định lựa chọn những cá nhân có khả năng để sáng tác tiểu phẩm về chủ đề pháp luật, trọng tâm là Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ... Tuyên truyền về pháp luật vốn khô cứng, vậy nên để "mềm hóa" nội dung tuyên truyền này phải thông qua hình thức sân khấu hóa với việc sử dụng các tiểu phẩm. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn Trung úy Hoàng Minh Đức, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 để viết các tiểu phẩm.
|
|
Trung đoàn 165 phối hợp với Đoàn xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ. Ảnh: HẢI HÀ
|
Hoàng Minh Đức sinh năm 1993, tốt nghiệp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2015. Năm 2017, anh đi bộ đội và vào huấn luyện chiến sĩ mới tại Trung đoàn 165. Thế rồi Đức đăng ký đi học văn bằng hai. Đến năm 2019, anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Pháo binh và trở lại Trung đoàn 165 công tác. Từ tháng 11-2022, sau khi được cán bộ các cấp động viên, giao nhiệm vụ, anh đã tập trung thời gian để sáng tác tiểu phẩm. Trong hội diễn giao lưu văn nghệ tại xã Trung Mỹ tối 20-12, anh có hai tiểu phẩm được trình diễn. Tiểu phẩm “Đứa con cưng của mẹ” của anh tập trung vào các tình tiết tác động dẫn đến cậu con trai bị nghiện ma túy, trong đó có sự nuông chiều của mẹ. Anh muốn qua tiểu phẩm đó để cảnh báo đối với mọi người, nhất là thế hệ trẻ trước sự nguy hại của hiểm họa ma túy. Còn tiểu phẩm “Táo quân với an toàn giao thông” thì tập trung phản ánh hiện tượng cậy thế, cậy quyền, coi thường pháp luật của một số ít người trong xã hội.
Nhờ có bố là nghệ sĩ tuồng và mẹ làm ở nhà hát cải lương nên Hoàng Minh Đức có chút hiểu biết trong lĩnh vực nghệ thuật. Bố anh là Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Minh Tâm đang công tác tại Nhà hát Tuồng Trung ương. Anh nhớ mãi hình ảnh khi bố vào vai Bác Hồ. Vai diễn ấy đã làm nên tên tuổi của bố anh. Khi bắt tay vào việc sáng tác tiểu phẩm, anh thấy khó, phải điện thoại nhờ các chú, các bác trong cơ quan của bố mẹ giúp đỡ. Sau khi được hướng dẫn, anh đã hoàn thành kịch bản tiểu phẩm.
Theo Hoàng Minh Đức: Để tiểu phẩm đi vào lòng người thì mỗi nhân vật sẽ phải sử dụng phong cách ngôn ngữ khác nhau. Cùng với đó, diễn viên phải nhập vai, hóa thân vào nhân vật. Ví dụ ngôn ngữ thoại của nhân vật bà mẹ là bà Khiêm chẳng hạn. Bà ta là người buôn bán, có tiền, nhưng lại rất chiều và tin con trai của mình. Thế nên, khi phát hiện con trai bị nghiện, bà Khiêm bị sốc và đây chính là cao trào của tiểu phẩm thu hút được sự chú ý của người xem. Sự nhập vai của cô giáo Huệ trong vai bà Khiêm đã góp phần quan trọng để tiểu phẩm của Đức được khán giả yêu thích.
Trực tiếp chứng kiến những công việc bộ đội Trung đoàn 165 và cán bộ, nhân dân cùng các thầy cô giáo ở xã Trung Mỹ phối hợp thực hiện trong thời gian hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, tôi càng thấu hiểu hơn về cội nguồn sức mạnh của Quân đội ta. Tôi tin rằng, sự chung sức, đồng lòng, tình đoàn kết gắn bó quân dân ấy sẽ tạo đà cho một năm mới thắng lợi ở địa phương và đơn vị...
ĐỨC TÂM