Cựu chiến binh (CCB) Lê Quý Họa năm nay 82 tuổi. Ông nhập ngũ năm 1965 và có tới 15 năm lái xe TZM chở đạn tên lửa SAM-2 trong đội hình Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Khi nhắc đến những trận đánh B-52, mắt ông sáng rực niềm kiêu hãnh. Ông chia sẻ, đêm 27-12-1972, ông đã vận chuyển tên lửa vào bệ để bắn cháy một chiếc B-52. Nó rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà mà trong bụng vẫn còn nguyên bom.
Trong những trận đánh 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, ông Họa điều khiển xe tiếp đạn tên lửa cho trận địa Đại Chu, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Quá trình chiến đấu, 6 chiếc xe TZM chở đạn tên lửa tiếp cho 4 bệ. Hai xe chở tên lửa luôn nằm cách trận địa 200m. Bốn xe còn lại ở cách trận địa 2km. Lúc đó, khi quả đạn tên lửa rời bệ, ông Họa nổ máy, nhanh chóng điều khiển xe đến bệ để nạp đạn. Vài phút sau, khi đạn đã được đồng bộ thì ông cũng di chuyển xe đến kho ở thị xã Bắc Ninh cách đó 10km để nhận đạn. Sau đó điều khiển xe cơ động về nơi chờ đợi cách trận địa 2km. Mãi khi kết thúc trận đánh, ông mới được đồng đội thông báo quả tên lửa mà ông chở đã được kíp trắc thủ phóng lên, bắn hạ B-52.
|
|
Cảm tử quân TZM tiếp đạn tên lửa trong 12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không. Ảnh tư liệu
|
Ông Họa kể, lái xe TZM chở đạn tên lửa rất khó vì nó to, cao, dài gần 15m, rất cồng kềnh, dễ làm mồi cho bom, đạn và tên lửa của địch. Ngồi trên cabin là chấp nhận hy sinh. Vì vậy, thời đó gọi lái xe chở đạn tên lửa là "cảm tử quân TZM". Khi đạn lên xe, ngoài ngụy trang, lái xe phải tập trung tư tưởng, bình tĩnh xử lý các tình huống, không để địch phát hiện, đánh phá. Với cách làm đó, ông đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Điển hình như trong trận B-52 đánh vào Hải Phòng đêm 16-4-1972. Lúc ấy, ông Họa lái xe tiếp đạn cho trận địa Trung Hà (Thủy Nguyên, Hải Phòng) thì bom nổ sáng rực trời trong tiếng gầm rú của máy bay. Tên lửa, đạn của ta từ dưới đất bay lên sáng rực. Sau khi nạp đạn xong, các pháo thủ nhanh chóng rút vào vị trí trú ẩn. Lúc này, ông Họa phát hiện thấy tiếng kêu ro ro liên hồi. Thì ra, tên lửa đã đồng bộ vào chiến đấu. Tuy nhiên, ông không thể lùi xe và quay đầu ra khỏi trận địa ngay được vì chỗ đó rất hẹp. "Chẳng lẽ bỏ xe ở lại? Không được, bằng mọi giá phải đưa xe đi lấy đạn. Nhưng không có người xi nhan thì quay xe thế nào? Hơn nữa, cạnh đường là ruộng lúa mới cấy, nếu lùi quá, xe sẽ rơi xuống ruộng, bị lầy chứ chẳng chơi"-những câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu ông. Bất chấp tiếng bom đạn nổ ùng ùng, tiếng gầm rú của máy bay địch ở trên đầu, ông Họa quyết định đưa xe thoát khỏi trận địa bằng mọi giá. Ông bình tĩnh điều khiển xe TZM tiến lùi tới 3 rồi 4 lần mới thoát ra khỏi trận địa. Khi xe bắt đầu bon trên đường, ông mới để ý dù đêm sương lạnh mà mồ hôi trên trán vã ra như tắm, sờ đến lưng, chiếc áo ướt sũng như vừa nhúng nước.
Câu chuyện của CCB Lê Quý Họa khiến tôi nhớ lại lần trò chuyện với Đại tá Bùi Ngọc Trâm, Trưởng phòng Vận tải (Cục Hậu cần Quân chủng PK-KQ) trước đó khoảng một tháng. Theo ông Trâm, trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, do địch đánh phá ác liệt nhiều mục tiêu cùng lúc nên việc vận chuyển đạn tên lửa của ta gặp nhiều khó khăn. Có lái xe không thể đến được vị trí như hiệp đồng vì phải tránh bom, đi đường vòng. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu đạn tức thời, khiến một số tiểu đoàn tên lửa rơi vào tình trạng "bệ trắng" sau khi chiến đấu.
TRANG TÂM