Hơn 5 năm trôi qua, những vườn cây ấy đến nay đã tươi tốt trưởng thành. Nhiều vườn na, cam, bơ, xoài, nhãn, bưởi... đã cho quả vụ thứ hai, thứ ba. “Ăn quả nhớ người tặng cây”, anh em các đơn vị nhiều lần rối rít a-lô mời thủ trưởng về thăm để ngắm hoa, nếm quả... Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng rời Quân khu 3 lên Hà Nội nhận nhiệm vụ mới cũng đã hơn 3 năm, nhưng ông vẫn thường xuyên quan tâm theo dõi các phong trào của Quân khu, mong có dịp trở về thăm các đơn vị. Và một ngày cuối thu năm 2022, ông mới thực hiện được mong ước ấy. Tôi cùng một vài đồng đội và đồng nghiệp may mắn được tham gia chuyến công tác trên đây.

leftcenterrightdel

Một góc "Vườn cây Chính ủy" ở Trung đoàn 50, Bộ CHQS TP Hải Phòng, Quân khu 3. Ảnh: HÙNG NAM.

Đơn vị đầu tiên chúng tôi đến là Phân kho 54 của Kho K22, Cục Kỹ thuật Quân khu 3. Đây là một nhà kho kiểu mẫu về các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như cảnh quan, môi trường. Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là một vườn bưởi tốt tươi, trĩu trịt quả phía sau nhà ban chỉ huy và vườn cam cũng lúc lỉu quả, nằm giữa hai nhà kho sát chân dãy núi đá. Nắng tháng 9 cuối thu vàng rượi, óng ánh soi những chùm quả căng mọng, nhìn thật no nê mãn nhãn...

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Chủ nhiệm Kho K22 kể: Cuối năm 2016, khi được thông báo Chính ủy Quân khu sẽ tặng đơn vị một vườn cây ăn quả và yêu cầu đề xuất số lượng, loại cây... thoạt đầu, đơn vị hơi lúng túng. “Xin” bao nhiêu thì “vừa sức” đơn vị chăm bón và diện tích đất vườn thực tế của đơn vị? Đặc biệt, chọn loại cây gì để phù hợp với đất đai, khí hậu, thời tiết trên địa bàn và “tay nghề” làm vườn của anh em? Chợt các anh nghĩ đến con sông Bưởi chảy qua địa bàn huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) này. Tên sông phải chăng có liên quan đến một đặc sản trái cây truyền thống của vùng quê này, dẫu hiện nay đã thất truyền? Và nữa, địa bàn đơn vị đóng quân cũng có các điều kiện tự nhiên tương tự như một số địa phương có thương hiệu cam nức tiếng như Cao Phong...

Vậy là “thiên thời, địa lợi” rồi. Gần 800 cây bưởi đỏ Tân Lạc được chuyển về đơn vị đúng dịp Tết trồng cây năm 2017. Lãnh đạo và chỉ huy Kho K22 quyết định trồng tập trung ở Phân kho 54. Trước đó, tại đây cũng đã trồng một vườn cam Cao Phong, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên đã mất dần một số lượng đáng kể, lần này thủ trưởng Hùng cũng cho bổ sung để củng cố vườn cam của đơn vị. Mọi khâu kỹ thuật từ làm đất đến chăm sóc qua các giai đoạn phát triển của vườn cây đều răm rắp theo tài liệu hướng dẫn của doanh nghiệp cung cấp cây giống. Sau 4 năm thì “Vườn cây Chính ủy” đã cho quả lứa đầu, tuy chưa nhiều nhưng cả đơn vị tràn trề phấn khởi và hy vọng. Và năm nay thì cả hai vườn bưởi và cam đều trĩu trịt vít cành. Cam thì phải cuối tháng 11 mới có thể thu hoạch, nhưng bưởi thì Trung thu vừa rồi, anh em đã được thưởng thức những quả chín bói đầu tiên...

leftcenterrightdel
Thăm "Vườn cây Chính ủy" ở Trường Quân sự Quân khu 3. Ảnh: HÙNG NAM. 

Và hôm đến thăm, chúng tôi cũng đã được chủ nhà mời thưởng thức sản phẩm “cây nhà lá vườn” của đơn vị. Những quả bưởi da xanh, ruột tía, múi to, giòn giòn, dôn dốt... thật khoái khẩu với những thực khách đang háo nước sau một chặng đường gần 200 cây số. Vậy mà Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Nam cứ nắc nỏm nhắc đi nhắc lại: “Bưởi chưa vào chính vụ nên vẫn còn the the. Mươi hôm nữa mới thật ngon”. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là một đặc sản của vùng đất này.

Ý nghĩ trên đây lại thêm một lần ám ảnh trong tôi, khi đoàn về thăm 3 trung đoàn bộ binh: 582, 583 và 584 của Sư đoàn 350. Từ năm ngoái, năm kia, anh em đã rối rít a-lô báo tin “bưởi của thủ trưởng tặng giờ đã đơm hoa, kết quả. Mời thủ trưởng về thăm đơn vị...”, nhưng vì công việc chống dịch và những quy định phòng dịch nên đành khất hẹn. Đầu năm nay, anh em lại a-lô báo tin bưởi đang ra hoa đại trà, thơm lắm, đẹp lắm, mời thủ trưởng về ngắm... Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng hào hứng nhận lời, nhưng hẹn đến khi “nắng tháng tám, rám trái bưởi” về ngắm thì đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Là nói vậy, nhưng trong thâm tâm Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng còn một lý do quan trọng hơn: Dịp ấy là cuối tháng 9 dương lịch, kỷ niệm 68 năm thành lập Sư đoàn 350 anh hùng, tiền thân là sư đoàn bảo vệ Thủ đô.

Trong số hơn 100 chiến sĩ mới của Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 583, nhập ngũ tháng 2-1982, có một người gần 40 năm sau là Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nguyên Chính ủy Quân khu 3. Đó là Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng. Hôm nay trở về thăm đơn vị cũ, bao kỷ niệm của một thời cứ ùa về, buồn vui lẫn lộn. Vui nhất vẫn là những câu chuyện về “Vườn cây Chính ủy”. Thượng tá Ninh Văn Dương, Chính ủy Trung đoàn 583, hào hứng kể: Cuối năm 2016, khi Trung đoàn nhận được thông báo là Chính ủy Quân khu sẽ tặng một vườn cây ăn quả và đề nghị đơn vị đề xuất loại cây trồng, các anh đã không phải họp hành bàn bạc nhiều, vì vùng này vốn nổi tiếng là đất của đặc sản về bưởi, vào thời điểm đó đang được chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu và cấp mã vạch chỉ dẫn địa lý. Thế là “cầu được ước thấy”, dịp Tết trồng cây năm 2017, gần 500 gốc bưởi bản địa do Chính ủy Quân khu mua tặng được chuyển về. Phần lớn được trồng trong “Vườn cây Chính ủy” diện tích chừng 2ha. Ngoài ra, đơn vị còn dành một số cây trồng phân tán tại các vị trí “đắc địa” trong doanh trại, vừa tận dụng diện tích đất trống và tiện chăm sóc, vừa tạo nên những “điểm nhấn” về cảnh quan, môi trường...

Trong chuyến công tác trên đây, chúng tôi còn được tham quan những “Vườn cây Chính ủy” ở một số đơn vị thường trực của LLVT Quân khu 3. Đáng chú ý là bên cạnh các loại cây ăn trái đều đã cho quả vụ đầu hoặc vụ thứ hai, còn có nhiều loại cây cho quả làm gia vị nhà bếp, như chay, sấu, chanh... hoặc cho hoa lá giải khát như chè, vối... Điều này không chỉ vì đặc điểm thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng của từng đơn vị, mà còn vì Chính ủy muốn đa dạng vườn cây, có thứ để “ăn chơi”, có thứ đưa vào bữa cơm hằng ngày, có thứ để uống nước giải khát trên thao trường... Theo đó mà món quà Chính ủy tặng bộ đội không chỉ là những “cây lưu niệm” thông thường, mà nhằm thiết thực góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội. Điều đáng mừng hơn là từ những “Vườn cây Chính ủy”, phong trào trồng cây ăn trái của hầu hết các đơn vị như có thêm một “cú huých” mới, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng “xanh, sạch, đẹp, sáng” hơn.

Ghi chép của TUYÊN HÓA