Chúng tôi đến nhà Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng PK-KQ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57 vào một ngày tháng 10-2022. Trong phòng khách của gia đình, ông sôi nổi kể về những ngày tháng khó khăn, vất vả nhưng vô cùng vinh quang trong chiến đấu, nhất là chuyện phóng giả, diệt B-52 thật.

leftcenterrightdel

 Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt kể phóng giả, diệt B-52 thật với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Ảnh: HẢI ANH

Đầu tháng 11-1972, Tiểu đoàn 57 được lắp thêm radar K8-60 vốn dùng cho pháo phòng không 57mm cùng tổ hợp kính ngắm quang học PA-00. Hai khí tài này được nối với đài điều khiển và do Đài trưởng Đàm Thế Đức phụ trách. Theo tính toán, radar K8-60 sẽ giúp trắc thủ phát hiện B-52 từ xa qua màn hình trên xe chỉ huy. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện rất rối nên thời điểm đầu đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết, ngày đó, dù bên ngoài trời lạnh nhưng khi ngồi trong xe chỉ huy điều khiển, ai cũng vã mồ hôi. Quá trình huấn luyện, chỉ huy và các trắc thủ tập trung cao độ, nắm thông tin về mục tiêu từ sở chỉ huy, từ radar tên lửa... để so sánh, tìm ra B-52 trong màn nhiễu trắng xóa, nhiều hình thù kỳ quái. Lúc ấy, trên có chỉ đạo trong điều kiện nhiễu nặng không xác định được chính xác phần tử mục tiêu (cự ly, góc tà, góc phương vị), đặc biệt là cự ly thì đánh theo phương pháp 3 điểm. Muốn bắn theo phương pháp này, các trắc thủ phải nhìn thấy tín hiệu dải nhiễu của máy bay B-52 trên màn hình. “Chúng tôi buộc phải mở radar tên lửa nhưng việc này lại tạo thời cơ cho địch bắn shrike (tên lửa diệt radar) tiêu diệt khí tài, gây thương vong cho bộ đội. Thế nên việc huấn luyện càng phức tạp, nhất là trong hiệp đồng, tính toán để chọn thời cơ phóng tên lửa”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt hồi tưởng.

Để thực hiện quyết tâm tiêu diệt B-52, chỉ huy Tiểu đoàn 57 đã tạo nhiều mục tiêu giả giống B-52 cùng lúc bằng những chùm xung tín hiệu với các loại nhiễu xung, nhiễu tạp, nhiễu tích cực ở nhiều mức độ khác nhau, gần giống với nhiễu thực tế của địch để huấn luyện kíp chiến đấu. Tuy nhiên lúc này, trinh sát của Quân chủng phổ biến đã phát hiện ra thủ đoạn mới của địch. Khi đưa B-52 vào oanh kích các mục tiêu, chúng sử dụng các tốp máy bay chiến thuật F-105 và F-4 đóng giả B-52, đi theo đội hình 3 chiếc, giãn cách cự ly và bay với tốc độ như B-52. Điểm khác biệt là chúng bay từ biển vào với tốc độ rất cao, sau đó gặp và hợp tốp với B-52, vừa tạo nhiễu vừa bảo vệ vòng ngoài để B-52 đánh bom các mục tiêu. Vì vậy, trên màn hình radar rất khó phân biệt. Cuối cùng, sau nhiều ngày tính toán, các trắc thủ, sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 57 đã lựa chọn phương án phóng giả để xác định B-52 thật.    

Thời điểm đó, huấn luyện để các trắc thủ có kỹ năng tìm B-52 trong nhiễu thực chất là tìm nhiễu B-52. Đây là bước cực kỳ quan trọng. Vào thực tế chiến đấu, khi phát hiện nhiễu nghi là B-52, sĩ quan điều khiển mở máy phát lệnh của đài điều khiển (РПК), lập tức các máy bay giả B-52 tản ra, bổ nhào, đội hình rối loạn, còn B-52 thật thì bay ổn định, giữ đội hình và tốc độ, bay thẳng vào. Để chống lại việc địch phóng shrike khi mở radar điều khiển tên lửa SAM-2, các sĩ quan điều khiển phải chọn thời cơ tắt radar khiến nó “mù”, rồi "gạt" nó ra ngoài trận địa. Điều này đòi hỏi kíp chiến đấu phải có lòng dũng cảm trước bài toán “năm ăn năm thua”.

Khi mục tiêu B-52 ở cự ly 20-25km, chớp thời cơ thuận lợi, sĩ quan điều khiển phóng tên lửa sao cho khi máy bay địch lao tới với tốc độ cao (900km/giờ) thì sẽ gặp tên lửa ở một khoảng cách đủ kích hoạt tên lửa nổ, tiêu diệt B-52.

Với quyết tâm bắn rơi B-52, trong 12 ngày đêm của chiến dịch, Tiểu đoàn 57 đã lập được kỳ tích. Lúc 4 giờ 30 phút ngày 21-12-1972, sau khi chuyển cấp 1, Tiểu đoàn được lệnh diệt tốp B-52 đánh vào khu vực Yên Viên. 5 giờ 9 phút, máy bay vào cự ly 35km, sau khi phóng giả, loại bỏ những chiếc máy bay khác, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt ra lệnh phóng tên lửa. Khi quả tên lửa bay được 15km thì nhìn thấy tín hiệu B-52 trùm trên dải nhiễu. Sĩ quan điều khiển đã “dắt” tên lửa vào tiêu diệt chiếc B-52. 10 phút sau, kíp chiến đấu lại bắt được mục tiêu B-52 ở đường bay cũ. Chọn thời cơ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt lệnh phóng đạn. Đạn nổ ở cự ly 24km, bắn rơi thêm một máy bay B-52 tại địa phận núi Đôi thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội)

TRƯỜNG HẢI