Giáo dục nâng cao nhận thức, tạo sức đề kháng

Quá trưa, khi công việc chính đã khép lại, trong lúc uống trà, tôi có cuộc trò chuyện khá cởi mở với Thiếu tá Đỗ Văn Kiên, Phó chính ủy Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) về những vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội. Anh tâm sự, do anh cũng như nhiều cán bộ ở đơn vị rất yêu văn hóa dân tộc, yêu truyền thống của người Việt nên luôn tìm mọi cách để tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội. Rồi anh kể, đầu năm 2020, cán bộ phân đội của Trung đoàn tiến hành điều tra tâm lý đối với chiến sĩ mới. Kết quả, hơn 50% số được hỏi có biểu hiện nghiện mạng xã hội, thích, đua theo trào lưu "sống ảo". Đến năm 2021, 2022, tiếp tục việc điều tra tâm lý. Kết quả, có rất ít chiến sĩ mới hiểu biết cơ bản về văn hóa truyền thống dân tộc. Họ cho biết, trước khi nhập ngũ thường xuyên nghe, xem, bình luận các nội dung trên mạng xã hội mà không hình dung được tác hại. Các biểu hiện phản văn hóa từ thế giới ảo đã gây ra hậu quả thật, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế hệ trẻ.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ trẻ Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) và đơn vị kết nghĩa trong ngày hội ra quân huấn luyện.  Ảnh: HỒNG SÁNG 

- Các anh đã có giải pháp gì để khắc chế vấn đề này chưa?-Tôi hỏi.

- Có nhiều đấy anh ạ. Với mục tiêu là trang bị cho cán bộ, chiến sĩ hiểu biết cơ bản về chính trị, văn hóa, có niềm tin, bản lĩnh để họ tự nhận thức được đâu là điều nên làm, đâu là điều nên tránh, kể cả khi đã xuất ngũ. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kết hợp với ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin nhằm tăng tính hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của bộ đội.

Giọng anh có chút lo lắng. Các sản phẩm trá hình, phản văn hóa, rồi tin giả trên mạng xã hội xuất hiện với các mức độ khác nhau lan rất nhanh, dễ thẩm lậu, dễ ngấm vào đầu cán bộ, chiến sĩ trẻ, khiến việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho bộ đội khó khăn hơn rất nhiều.

- Anh hãy nói kỹ hơn về cách làm của đơn vị mình?

- Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đã chỉ đạo cơ quan chính trị và các đơn vị thường xuyên nghiên cứu, cung cấp thông tin, định hướng tới các đối tượng và khuyến khích những cách làm tốt. Vì thế, đến nay, cán bộ, đảng viên ở các tiểu đoàn và cơ quan, đơn vị trực thuộc đã tự giác xây dựng các trang mạng xã hội để chia sẻ thông tin tốt đẹp. Đó là cách lan tỏa cái tốt, hạn chế cái xấu.

Anh Kiên cho tôi xem 4 trang Facebook có nhiều bài phân tích hay, khá sâu về văn hóa và nhận được nhiều bình luận cổ vũ, động viên của cộng đồng mạng. Anh tâm tình, đầu tiên, nhiều cán bộ thấy khó vì không biết viết bài phản bác thông tin phản văn hóa. Anh tư vấn, mách nước cho họ lấy văn hóa truyền thống dân tộc, lấy cái chân-thiện-mỹ làm trung tâm để soi chiếu các hiện tượng đó thì sẽ tìm ra được dụng ý xấu mà những kẻ phá hoại hoặc có ý định lan tỏa thông tin xấu trên mạng xã hội đã sử dụng nhằm các mục đích khác nhau.

Như vậy, để bộ đội có nhận thức đúng, làm phong phú đời sống tâm hồn trong sáng, lành mạnh ở mỗi người thì lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải có rất nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo và phù hợp. Nó bao gồm các hoạt động về trang bị nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc cốt lõi thể hiện trong lời nói, hành vi ứng xử, trong công việc... để qua đó tạo ra sức đề kháng, chống lại những giá trị thấp hèn, phản văn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ; đồng thời làm nền tảng hoàn thiện nhân cách sau khi trở về địa phương.

Lan tỏa giá trị tốt đẹp

Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là sự lắng đọng được các thế hệ vun đắp suốt chiều dài lịch sử. Giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân và bạn bè quốc tế từ những việc cụ thể, thậm chí rất nhỏ. Nhân dân yêu mến bộ đội chính từ những việc làm thật tâm đậm chất cống hiến, hy sinh. Những giá trị đó đã làm nên nhân cách người chiến sĩ.

Cuối tuần rồi, tôi gặp Trung úy Hồ Minh Đức, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Đức quê ở TP Tam Điệp (Ninh Bình) và mới cưới vợ được hơn một tháng. Hiện Đức cũng là một trong những cán bộ tích cực trong đấu tranh với các hiện tượng sai trái, phản văn hóa trên mạng xã hội. Đức chia sẻ, có thể thưởng thức văn hóa của các dân tộc trên thế giới để thấy họ có cái gì hay, tốt đẹp trong đó chứ không mù quáng để rồi chạy theo bằng mọi giá, để bài xích, chê bai văn hóa của dân tộc mình. Nếu không đấu tranh, nếu để thói ích kỷ, chạy theo vật chất và thị hiếu xâm lấn thì sẽ mất gốc. Gốc đã mất thì con người sẽ dễ rơi vào trạng thái ích kỷ, cô đơn.   

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) với các cháu Trường Mầm non Phù Linh B (Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 9-12-2022. Ảnh: YẾN NGỌC 

Có rất nhiều câu chuyện lan tỏa văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong nhân dân. Xin kể lại tâm tư và kỷ niệm dung dị của một tiểu đội trưởng ở Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Đó là Trung sĩ Hoàng Văn Tâm, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2. Trò chuyện với tôi, Tâm khoe: "Tết này, em xuất ngũ về địa phương ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa". Thời gian tại ngũ đã cho Tâm nhiều thứ, không chỉ là sức khỏe dẻo dai, kiến thức quân sự, bản lĩnh và lối sống tự lập mà còn cả sự kiên trì vượt khó... Tâm có rất nhiều kỷ niệm trong thời gian tại ngũ, nhưng có lẽ cảm kích nhất vẫn là hôm Tâm được chú Trung ở thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa (Sóc Sơn, Hà Nội) đến thăm, động viên vào chủ nhật tuần trước. Chú tặng Tiểu đội của Tâm nhiều bưởi, cam và cả xôi vừng đen. Cơ duyên đến trong thời gian thực hiện kế hoạch hành quân làm công tác dân vận hồi tháng 7-2022, Tiểu đội của Tâm được giao ở nhà chú Trung. Hằng ngày, Tiểu đội giúp địa phương tiến hành vệ sinh môi trường, khơi kênh mương nội đồng, làm đường giao thông. Trong thời gian ở đây, Tâm cùng đồng đội đã ứng xử đúng mực, coi nhà chú như nhà mình. Tâm phân công rồi cùng các chiến sĩ dọn nhà sạch sẽ, ngăn nắp, sửa chữa các hạng mục bị hỏng... nên được chú Trung rất quý.

Lịch sử Việt Nam có bao điều tốt đẹp. Con người Việt Nam có nhiều phẩm chất đáng quý, trong đó có những phẩm chất nổi trội. Trong hội nhập và phát triển, chúng ta cần tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác một cách phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng không vì lý do ấy mà chúng ta không cảnh giác với hiện tượng xấu để có biện pháp bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc lên tầm cao mới. 

 

Kết quả xây dựng môi trường văn hóa trong toàn quân

Toàn quân đầu tư, trang bị cho các thiết chế văn hóa: Xây mới và trang bị 743 phòng truyền thống trung, lữ đoàn, vùng và tương đương. Đầu tư 120 tỷ đồng cho bảo tàng, nhà truyền thống như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bảo tàng các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9, Bảo tàng Chiến thắng B-52, Bảo tàng Phòng không-Không quân, Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh và nhiều bảo tàng, nhà trưng bày. Toàn quân hiện có 425 công trình lịch sử-văn hóa ở các đơn vị (nhà tưởng niệm, tượng đài, tranh, bia lưu niệm, bia ghi dấu ấn chiến công), trong đó có 11 công trình được xếp hạng di tích cấp quốc gia (Nguồn: Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị).

 

ĐỨC TÂM