Miệt mài theo đuổi công nghệ gen

TS Hồ Hữu Thọ sinh năm 1979 tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ thường xuyên đau ốm đã nhen nhóm trong tâm hồn chàng trai xứ Nghệ niềm mơ ước sau này trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người thân và bà con nhân dân. Cuối cùng, mơ ước ấy đã trở thành hiện thực khi anh thi đỗ Học viện Quân y năm 1997.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Hữu Thọ.

Những năm học tập tại Học viện Quân y, Hồ Hữu Thọ không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập mà còn say mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt thích tìm tòi, khám phá những điều kỳ diệu của công nghệ gen. Tốt nghiệp Học viện Quân y năm 2004, anh trúng tuyển vào Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự. Từ đây, anh có cơ hội được học tập và làm việc với nhiều chuyên gia hàng đầu Việt Nam và quốc tế về chuyên ngành y học, công nghệ sinh học tại Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tinh thần học tập không ngừng nghỉ ấy đã giúp anh đạt được học bổng nghiên cứu sinh 5 năm tại Đại học Helsinki (Phần Lan) do Hội Y khoa Phần Lan trao tặng. Anh là nghiên cứu sinh đầu tiên của Học viện Quân y được đào tạo chuyên ngành y sinh học tại đại học này.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thọ cho rằng, may mắn nhất đối với anh là đã được học rất nhiều người thầy tâm huyết cả trong và ngoài nước. Mỗi người thầy có những kinh nghiệm, ý tưởng hay đáng để mình suy ngẫm và học hỏi. Anh rất tâm đắc câu nói của GS Jakob Stenman-người hướng dẫn anh làm luận án tiến sĩ ở Phần Lan, rằng: “Nghiên cứu khoa học là phải học tất cả những điều mọi người đã biết và phải nghĩ được những điều chưa ai nghĩ tới”... Từ đó, anh luôn cố gắng tìm hiểu nhiều tư liệu để có thể biết những gì thế giới đã đạt được về chuyên ngành mình theo học, đồng thời cũng mạnh dạn nghĩ đến điều mới mẻ, lớn lao hơn. Nhiều đồng nghiệp nói vui là thời gian anh Thọ ở phòng thí nghiệm nhiều hơn ở nhà. Nhưng thật sự, nhiều hôm quá mải mê phân tích, chờ đợi kết quả thí nghiệm mà anh quên cả giờ ăn, giờ nghỉ. Anh thường xuyên trễ giờ với những bữa cơm tối gia đình, ít dự các cuộc gặp gỡ cùng bạn bè... chỉ vì cố gắng mang lại những giá trị thiết thực nhất cho cộng đồng từ các công trình nghiên cứu của mình.

Hơn 15 năm qua, TS Hồ Hữu Thọ cùng các cộng sự đã miệt mài nghiên cứu, khám phá những công nghệ mới mà nền y học thế giới đang hướng tới. Đề tài đầu tiên anh cùng nhóm bạn thực hiện vào năm 2004 là nghiên cứu kỹ thuật phân tích phát hiện gen gây bệnh thai nhi ở tuần thứ 7 thông qua xét nghiệm máu của mẹ. Đây là một hướng nghiên cứu rất mới ở thời điểm đó khiến nhiều người cho rằng phương pháp này khó khả thi. Tuy nhiên sau một thời gian, kết quả nghiên cứu đã đem lại thành công bước đầu đáng ghi nhận. Công trình được trao tặng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo khoa học toàn quốc năm 2007. Sau đó, anh và các cộng sự tiếp tục thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác nhằm mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ gen vào phát hiện sớm ung thư, như: “Thiết lập quy trình định lượng DNA-EBV trong máu ngoại vi với độ nhạy cao, góp phần sàng lọc phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng”, “Công nghệ sinh thiết lỏng trong sàng lọc phát hiện sớm các loại ung thư”…

Theo TS Hồ Hữu Thọ, công nghệ sinh thiết lỏng trong tầm soát ung thư là niềm mơ ước của cả nhân loại chứ không riêng Việt Nam. Đây là công nghệ xét nghiệm hiện đại bậc nhất, hiện mới được triển khai ứng dụng tại Mỹ, một số nước châu Âu và Hồng Công (Trung Quốc)... Ưu điểm nổi bật của công nghệ này là không gây đau đớn, không phải can thiệp vào khối u của người bệnh như sinh thiết thông thường. Sinh thiết lỏng cũng có tính đại diện cao hơn, độ nhạy có thể đạt tới hơn 97%, cho kết quả nhanh hơn (thường chỉ 2-5 ngày tùy vào các loại ung thư cần tầm soát). Ví dụ: Gói xét nghiệm máu phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng cho kết quả sau 2 ngày, ung thư đại trực tràng hay các loại ung thư khác sẽ cho kết quả sau 3-5 ngày). Việc xét nghiệm máu phát hiện sớm một số bệnh ung thư có ý nghĩa rất lớn với quá trình điều trị cho các bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện.

Và thực tế kết quả nghiên cứu đã không phụ lòng mong đợi của anh cùng các cộng sự khi công nghệ sinh thiết lỏng được đưa vào ứng dụng thực tế tại Học viện Quân y để tầm soát bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng ở nước ta thời gian qua.

Niềm hy vọng cho các bệnh nhân ung thư

Kể từ khi đưa vào ứng dụng công nghệ sinh thiết lỏng (tháng 5-2017) đến nay, đã có gần 1.000 lượt xét nghiệm máu tầm soát ung thư được thực hiện tại Phòng Xét nghiệm y học phân tử, Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự. Rất nhiều bệnh nhân đã được phát hiện dấu hiệu ung thư ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời để kéo dài sự sống. Trong đó có một điều kỳ diệu khiến anh Thọ rất xúc động khi kể lại câu chuyện cho chúng tôi, đó là chính bố đẻ của anh đã thoát bệnh nan y nhờ công nghệ sinh thiết lỏng mà anh ngày đêm miệt mài nghiên cứu. Tháng 5-2019, bố anh từ quê (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) ra Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) để điều trị sỏi thận. Nhân dịp này, anh đã động viên bố đi xét nghiệm máu để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh ung thư. Không ngờ kết quả xét nghiệm lại cho dương tính với ung thư đại trực tràng. Trên cơ sở đó, ông được bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 nội soi và xác định được khối u ở đại tràng. Thật may, khối u mới có kích thước nhỏ (0,5cm) nên đã được các bác sĩ quân y xử lý triệt để bằng phương pháp can thiệp qua nội soi. “Thực sự lúc ấy, tôi cùng các thành viên trong gia đình như vỡ òa vì hạnh phúc”-anh Thọ nhớ lại.

Quả thực, kết quả xét nghiệm máu phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm là yếu tố quyết định đến hiệu quả của việc điều trị căn bệnh hiểm nghèo này. Thời gian qua, một số bệnh viện lớn ở nước ta, như: Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện K đã và đang hợp tác với Học viện Quân y về công nghệ sinh thiết lỏng để sàng lọc và theo dõi quá trình điều trị bệnh nhân ung thư. Theo phân tích của TS, bác sĩ Hồ Hữu Thọ, bệnh ung thư vòm mũi họng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2) thì khả năng điều trị khỏi bệnh là hơn 90%; còn nếu phát hiện ở giai đoạn muộn hơn thì tỷ lệ này chỉ còn hơn 30%. Để phòng tránh ung thư hiệu quả, theo các bác sĩ, điều đầu tiên cần làm là nên đi khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh, tiếp xúc với khói bụi và hóa chất, hút thuốc lá và nghiện rượu, bia...

leftcenterrightdel
Lấy máu xét nghiệm tại Phòng xét nghiệm y học phân tử, Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự (Học viện Quân y).

Với những giá trị thực tiễn to lớn của các công trình nghiên cứu khoa học vào việc tầm soát ung thư, Trung tá, TS, bác sĩ Hồ Hữu Thọ đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá, như: Bằng độc quyền sáng chế của Cục Thương hiệu và Bản quyền Hoa Kỳ năm 2018 về công nghệ phân tích gen với độ nhạy cao; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; giải nhất Cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội năm 2016… Gần đây, anh còn vinh dự được mời tới Hội nghị quốc tế về chẩn đoán phân tử và di truyền phân tử châu Á-Thái Bình Dương để báo cáo về công trình “Công nghệ sinh thiết lỏng trong sàng lọc phát hiện sớm các loại ung thư”...

TS Hồ Hữu Thọ luôn trăn trở làm sao để công nghệ sinh thiết lỏng được phát triển rộng rãi đến các địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa... để nhiều người được tiếp cận công nghệ xét nghiệm hiện đại này thuận lợi hơn, chi phí xét nghiệm thấp hơn. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu một số đề tài về bệnh lý và bệnh truyền nhiễm, nhiệm vụ chủ yếu xoay quanh phát triển kỹ thuật xét nghiệm máu với độ chính xác cao, cho kết quả nhanh hơn. Từ đó có thể phát hiện tác nhân gây bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, đồng thời hỗ trợ hiệu quả hơn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh”-TS Hồ Hữu Thọ cho biết.

Bài và ảnh: HÀ THANH MINH