Sau vài trao đổi ngắn gọn, chúng tôi được cán bộ của Nhà máy X56 đưa đi tham quan các phân xưởng. Vừa đi, Thượng tá Nguyễn Trường Thi, Giám đốc Nhà máy vừa trò chuyện với tôi. Anh nói, thường khi nhắc đến nhà máy, người ta nghĩ đến các dây chuyền sản xuất với những cỗ máy, thiết bị hiện đại được tự động hóa và lượng lớn công nhân làm việc. Nhưng ở Nhà máy X56 không có những đặc trưng ấy. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các phân xưởng thường hoạt động độc lập bên bàn làm việc.

Nhiệm vụ của họ là tìm bệnh và sửa chữa các loại khí tài điện tử ở nhiều thế hệ, chủng loại, như: Khí tài thông tin, radar quan sát, radar điều khiển hỏa lực, sona, thiết bị hàng hải, hệ thống điều khiển hỏa lực trên tàu và vũ khí trên bờ, trên máy bay của Quân chủng Hải quân. Chưa hết, ngoài thời gian ở xưởng thì vào mùa huấn luyện, họ đến với các con tàu, các thiết bị khí tài ở khắp vùng biển của cả nước để bảo đảm kỹ thuật. Những lúc ấy, các phân xưởng chỉ còn một, hai người ở lại. Công việc của họ giống như các bác sĩ, cũng thực hiện "khám", đánh giá tổng thể, chi tiết rồi đưa ra giải pháp. Nặng thì "mổ xẻ", đo kiểm, tìm vật tư, linh kiện thay thế, nhẹ thì "điều trị" ngay.

Sau vài phút di chuyển trên những con đường nội bộ dưới mưa phùn, chúng tôi đến Xưởng Chế thử và sản xuất mạch in. Từ cửa phòng nhìn vào qua lớp kính, dưới bóng đèn bàn, chúng tôi thấy một sĩ quan đang cặm cụi làm việc. Sau mỗi lần đo mạch, anh lại ghi chép nội dung gì đó vào cuốn sổ. Xung quanh vị trí làm việc của anh là rất nhiều bản mạch và thiết bị điện tử cũng như phương tiện khác.

leftcenterrightdel

Kiểm tra kết quả hoạt động của máy sau sửa chữa tại Xưởng Sửa chữa Radar sona, Nhà máy X56. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

Chúng tôi mở cửa tiến vào trong phòng, sĩ quan ấy phát hiện có khách mới đứng dậy. Thượng tá Ngô Mậu Quân, Trưởng phòng Kỹ thuật giới thiệu, sĩ quan đó là Thiếu tá Nguyễn Xuân Trường, Phó quản đốc Xưởng Chế thử và sản xuất mạch in. Năm 2024, Trường đã nghiên cứu, sửa chữa thành công máy kiểm tra tự động và một quả đạn mồi bẫy ngư lôi trên tàu ngầm Kilo 636.

Trường kể, chiếc máy này hỏng từ lâu và chuyên gia nước ngoài cũng loay hoay, mất nhiều thời gian nhưng không xử lý được. Với quyết tâm không bỏ cuộc, Trường đã tìm ra được “điểm chết” và sửa chữa. Không những thế, Trường còn làm ra được chiếc máy kiểm tra mới dễ khai thác và sử dụng hơn máy kiểm tra nguyên bản. Những ngày này, Trường và các cộng sự đang tập trung tối đa thời gian để tìm nguyên nhân hỏng hóc, khắc phục sự cố của bo mạch màn hình hiển thị thông số kỹ thuật tích hợp trên máy bay trực thăng.

Trường đưa cho tôi chiếc bo mạch hình chữ nhật to chỉ như cuốn sách, nhưng mỏng. Anh nói rằng, nó được tích hợp trong một cái hộp và đổ keo nhựa epoxy. Muốn lấy nó ra sửa chữa thì phải đục bỏ chiếc hộp đó. Trên chiếc bo mạch tích hợp rất nhiều linh kiện điện tử bé như những con rệp, con bọ mà người không có chuyên môn không thể hiểu được. Chỉ vào chân của những linh kiện màu trắng ấy, Trường cho biết, nhà sản xuất không sơn phủ lớp bảo vệ, chống ăn mòn nên linh kiện thường chỉ hoạt động tốt trong thời gian khai thác theo quy định. Còn ngoài thời gian này nó sẽ hỏng lúc nào thì không thể lường trước được.

Trở về khu nhà làm việc, trò chuyện với Đại tá Ngô Quang Hải, Chính ủy Nhà máy X56, chúng tôi rõ hơn một số thông tin về truyền thống và thành tích đạt được của Nhà máy trong 57 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành.

Theo đó, tiền thân của Nhà máy X56 hiện nay là Tổ kỹ thuật thuộc Ban Thông tin quan sát, Cục Phòng thủ bờ bể, sau đó phát triển thành Trạm sửa chữa thông tin, radar... Ngày 14-7-1968, Bộ tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc ra quyết định nâng cấp thành Phân xưởng đại tu thông tin và trung tu radar lấy tên là Phân xưởng 56 và trực thuộc Phòng Thông tin, Quân khu Đông Bắc.

Những ngày đầu thành lập, điều kiện làm việc khó khăn song cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Phân xưởng luôn có mặt kịp thời ở những nơi ác liệt nhất, tham gia xây dựng hệ thống thông tin, radar và sửa chữa các thiết bị khí tài, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, góp phần cùng các lực lượng của Quân chủng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Xưởng 56 cũng đã tích cực tham gia nghiên cứu về tính năng kỹ thuật, chiến thuật các loại thủy lôi của địch; tham gia thiết kế, chế tạo phương tiện rà phá góp phần cùng với các lực lượng trong Quân chủng và quân, dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ bằng thủy lôi, bom từ trường. Những người lính thợ của Xưởng 56 đã trực tiếp bảo đảm kỹ thuật cho các đài, trạm thông tin, radar, các phương tiện thông tin liên lạc của Quân chủng Hải quân tham gia vận tải chi viện cho quân, dân miền Nam đánh Mỹ, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975...

Đến năm 2010, Xí nghiệp X56 được đổi tên thành Nhà máy X56. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đến nay Nhà máy được xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà xưởng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ và đầu tư chiều sâu trang thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất mạch điện tử hiện đại trên diện tích hơn 4 héc-ta. Qua thực hiện nhiệm vụ, năng lực công nghệ sửa chữa, sản xuất của Nhà máy từng bước được nâng cao. Chỉ tính riêng trong năm 2024, Nhà máy đã khảo sát, sửa chữa 29/29 tàu đốc, gấp đôi số lượng năm 2023, trong đó có những tàu về đốc lần đầu tiên như Tàu 26, Tàu 927 (Tàu Yết Kiêu có chức năng cứu hộ tàu ngầm). Đây cũng là lần đầu tiên kỹ sư của Nhà máy đã sửa chữa được thiết bị định vị thủy âm HIPAP khiến các chuyên gia nước ngoài ngả mũ thán phục. Trước đó, họ đã có thời gian dài đo kiểm kỹ lưỡng để đánh giá tình trạng kỹ thuật của hệ thống này, nhưng không thể tìm ra nguyên nhân hỏng hóc và khắc phục. Với thành tích này, Nhà máy X56 đã được Bộ tư lệnh Hải quân tặng bằng khen.

Để đáp ứng yêu cầu sửa chữa vũ khí, khí tài điện tử tích hợp trên các phương tiện chiến đấu tàu thuyền, máy bay, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong Quân chủng, Nhà máy X56 đã không ngừng xây dựng chính quy, hiện đại và đạt các tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Cán bộ, nhân viên Nhà máy khai thác hiệu quả dây chuyền công nghệ mới, sản xuất vật tư kỹ thuật đặc chủng phục vụ cho công tác sửa chữa; nhân rộng phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Các sản phẩm chế tạo và sửa chữa của Nhà máy bảo đảm chất lượng cao, tạo dựng thương hiệu đối với các đơn vị trong và ngoài Quân chủng.

Năm 2024, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung đầu tư chiều sâu: Xây dựng dự án đầu tư trung hạn 2026-2030; hoàn thành nghiệm thu 2 đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật, 1 đề tài cấp Quân chủng, 12 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; trong đó 1 đề tài đoạt Giải Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, 3 đề tài đạt giải thưởng Nguyễn Phan Vinh.

Hiện nay, trong nghiên cứu khoa học, Nhà máy đã báo cáo đề xuất 1 đề tài cấp Nhà nước và 5 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và Tổng cục, 4 đề tài thuộc chương trình KC-2030; tiếp tục biên soạn và hoàn thiện các bộ quy trình công nghệ xây dựng định mức kỹ thuật-KT, tài liệu thiết kế dấu “A”, “B” “T”.

Trong Quân chủng Hải quân hiện nay, ngoài những khí tài hiện đại được trang bị gần đây còn những khí tài cũ. Để khắc phục tình trạng hỏng hóc và tăng hạn sử dụng cho những linh kiện điện tử trên các phương tiện đó là một vấn đề khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tình trạng khan hiếm vật tư, linh kiện. Thực tế thì nhiều nhà sản xuất đã không còn sản xuất, cung cấp những thiết bị ấy ra thị trường và họ đã sản xuất nhiều mặt hàng mới, hàm lượng chất xám cao hơn, mẫu mã cũng khác. Điều này buộc Nhà máy X56 cũng phải điều chỉnh, tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo hướng chuyên sâu. Một mặt tích cực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sửa chữa thiết bị hiện đại, một mặt vẫn phải duy trì và phát triển những đồng chí có tay nghề, chuyên môn để có thể sửa chữa những khí tài điện tử thế hệ cũ. 

Rời Nhà máy X56 khi mưa phùn vẫn lất phất bay, trong tôi văng vẳng những trăn trở với bộc bạch của cán bộ, kỹ sư nơi đây. Giá như được đầu tư trang bị kỹ thuật sửa chữa tốt hơn, hiện đại hơn thì họ sẽ làm được nhiều việc hữu ích hơn mà không phải thuê chuyên gia.

ĐỨC TÂM