Tuy vậy, chuyện trò với chúng tôi, Đỗ Xuân Điềm khiêm tốn cho biết: “Danh hiệu nào cũng cao quý, nhưng với tôi danh hiệu cao quý nhất là được trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Dù Bác Hồ đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức cao quý của Người vẫn nguyên giá trị, là động lực để chúng tôi noi theo...”. Từ động lực đúng đắn đó và tình cảm kính yêu Bác, Đỗ Xuân Điềm đã cùng tập thể đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) BĐBP tỉnh Điện Biên xây dựng thành công nhiều mô hình học tập và làm theo Bác, mang hiệu ứng xã hội tích cực.
Trước khi gặp Đỗ Xuân Điềm, tôi đã biết đến anh với vai trò là một YouTuber, một Facebooker luôn đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Ấn tượng của tôi về Điềm lúc đó là những bình luận khá sắc sảo, vừa có tính lý luận, vừa thực tiễn trong đấu tranh, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái. Tôi còn nhớ, khi trên mạng xã hội xuất hiện ý kiến “Bộ đội Cụ Hồ thời nay chỉ ngồi mát ăn bát vàng”, ngay lập tức trên trang mạng “Miền Hoa Ban” xuất hiện những bài viết kèm hình ảnh Bác kính yêu và những cán bộ, chiến sĩ dầm mưa dãi nắng, dựng lán, ngủ rừng, uống nước suối để giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Và dĩ nhiên những bài viết đó đều thu hút sự đồng tình của dư luận với hàng nghìn bình luận.
Tìm hiểu, tôi được biết, Đỗ Xuân Điềm là người trực tiếp tham gia, duy trì hoạt động thường xuyên tài khoản mạng xã hội, blogger trên internet với hơn 11.000 lượt theo dõi, qua hàng trăm bài viết, hàng nghìn lượt chia sẻ để phản bác các luận điệu sai trái trên không gian mạng. Điềm cũng tạo lập các nhóm Zalo, Mocha, Facebook để nắm bắt tư tưởng, dư luận trong ĐVTN và kịp thời phản biện quan điểm sai trái. Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội do Trung ương Đoàn tổ chức, anh đã viết, cung cấp hàng trăm thông tin cho báo chí, trang thông tin điện tử để tuyên truyền về các hoạt động đoàn và gương điển hình tiên tiến trong thanh niên BĐBP tỉnh.
Các thế lực thù địch, phản động chưa từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình”, kích động bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân, thậm chí chúng còn bôi nhọ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói xấu Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc hòng làm lung lay tượng đài cách mạng của nhân dân. Nhận thức rõ điều đó, là cán bộ công tác quần chúng, Đỗ Xuân Điềm đã chủ động tham mưu xây dựng mô hình “Biên giới, pháp luật với thanh niên” được triển khai thực hiện từ năm 2017. Mô hình đổi mới phương pháp tuyên truyền, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho ĐVTN bằng phương pháp trực quan, sinh động và ứng dụng công nghệ thông tin như: Trình chiếu PowerPoint, xem các video, xây dựng tiểu phẩm tình huống... Mô hình còn kết hợp tuyên truyền ngoài thực địa tại các mốc quốc giới để trực tiếp giới thiệu, tuyên truyền về cách nhận biết đường biên giới; lịch sử hình thành và các quy định pháp lý. Qua đó giúp ĐVTN đơn vị và địa phương hiểu biết, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ trọn niềm tin với Đảng, kiên định với con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã chọn, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Điềm còn tham mưu cho Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh nhân rộng mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”. Hằng ngày, trước khi nấu cơm, các đơn vị san sẻ, trích ra một bát gạo từ khẩu phần ăn của cán bộ, chiến sĩ cho vào hũ. Hằng tháng, mỗi đơn vị tiết kiệm ít nhất 25kg gạo trao tặng gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa trên địa bàn biên giới. Đến nay, BĐBP tỉnh đã tiết kiệm và trao tặng được hơn 6 tấn gạo.
Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên đánh giá: “Thượng úy Đỗ Xuân Điềm đã có nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ nhân dân, nhất là đồng bào khu vực biên giới vơi bớt khó khăn, qua đó xây dựng hình ảnh, niềm tin của nhân dân về Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng tình đoàn kết quân dân ngày càng thêm bền chặt”.
PHẠM KIÊN