Từ đầu năm 2022 đến nay, đây là "chiến dịch" vận chuyển hàng quân sự đến một số đơn vị dài ngày nhất. Vì vận chuyển vào đúng dịp nghỉ lễ nên tính chất càng quan trọng. Tôi đẩy ba lô tư trang và trèo lên “làm khách” trên chiếc xe tải TH:83-30 thuộc diện hiện đại nhất của ngành cho đến lúc này. Đại úy QNCN Nguyễn Duy Hùng, người điều khiển “chú ngựa thồ” nở nụ cười thân thiện thay lời chào. Anh nói vui, lần đầu tiên xe chuyển thành “chuyên cơ mặt đất”, chở chỉ huy đi "chiến dịch". Hồi hộp quá!
- Đường tốt, xe xịn, tay lái nhiều kinh nghiệm và cừ khôi thì lo gì chứ! Tôi trấn an.
- Vâng. Điều tôi sợ nhất là thủ trưởng say xe, mất cơ hội thả hồn ngắm cảnh sắc thiên nhiên!
Chà, không hổ danh là tài già. Chắc người lái xe này cũng thuộc diện lắm chuyện đây, tôi trộm nghĩ.
|
|
Đại úy QNCN Nguyễn Duy Hùng kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe. Ảnh: MINH CƯỜNG |
Chiếc xe phía trước chuyển bánh, Hùng bật nhan trái, vào số 1 rồi từ từ nhả bàn đạp côn và tăng ga theo đúng quy trình "vù cạch cạch" của con nhà vận tải. Sau gần 30 năm quản lý, sử dụng đủ các loại xe tải, như Zin-130, Renault, Hyundai có trọng tải đến 15 tấn như hiện nay, Hùng đã quá nhuyễn với việc điều khiển "ngựa thồ" trên nhiều cung, tuyến đường phức tạp. Chiếc xe rùng rùng chuyển động, rẽ ra giữa đường, bám đuôi chiếc xe phía trước. Lúc này, câu chuyện của tôi và Hùng nổ như ngô rang.
Hùng bảo, tính từ năm 1996 đến nay, năm nào anh cũng “cõng hàng” đến nhiều đơn vị. Toàn những loại hàng đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nếu sơ suất và thiếu kỹ lưỡng là có thể gây ra tai nạn, không có cơ hội rút kinh nghiệm. Năm vận chuyển nhiều, năm ít và đi riết thành quen. Nhưng cái quen ấy đôi khi rất nguy hiểm.
- Vậy kinh nghiệm của anh là gì?
- Ôi, báo cáo thủ trưởng, nói về kinh nghiệm thì nhiều lắm, cả ngày chẳng hết đâu. Với mỗi lái xe, trước nhất là phải tuyệt đối tuân thủ kế hoạch vận chuyển, mệnh lệnh chỉ huy đội hình; luôn chuẩn bị xe tốt về kỹ thuật cả trước và trong vận chuyển thì mới yên tâm một nửa.
- Một nửa còn lại là gì hả anh?
- Tâm lý thủ trưởng ạ. Nó quan trọng lắm. Đơn cử, trước khi vận chuyển mà vợ cho vài “bài ca đi cùng năm tháng” rát tai, đỏ mặt thì khó mà “cõng” hàng vượt mấy trăm cây số đèo dốc đến đích. Hay như cứ thành thạo rồi, tin vào khả năng quá mà chủ quan thì cũng chỉ hít khói.
- Anh làm thế nào để “trong ấm, ngoài êm” trước khi đi vận chuyển?
- Đơn giản ấy mà thủ trưởng. Lúc mới cưới tôi còn “hăng tiết vịt” chế áp cô ấy. Sau thấy không hiệu quả nên sử dụng bài “xin lỗi, cảm ơn”. Sau này, khi vợ đã thấu hiểu đặc tính nghề vận tải quân sự thì những xích mích dù nhỏ cũng được cô ấy nén lại. Chờ khi nào tiện mới nói. “Tiêu hóa” món ấy cũng nhẹ nhàng hơn nên qua hết, Hùng hóm hỉnh.
Tôi biết, anh Hùng nói thế cốt để cho chỉ huy yên tâm mà thôi. Thực tế cho thấy, cơ bản gia đình các đồng chí lái xe đều khó khăn. Mà khó khăn từ kinh tế, làm việc cường độ cao, ở đơn vị suốt thì bao giờ cho hết. Như Hùng, với đồng lương đại úy QNCN, mỗi tháng tằn tiện cũng chỉ được 6 đến 8 triệu đồng phụ vợ nuôi hai con đang tuổi ăn, tuổi học. Ở đơn vị tôi, số trung úy, thượng úy QNCN chiếm phần lớn. Họ cũng căng đầu, phải gạt bỏ khó khăn hậu phương, gia đình để ngồi sau vô lăng, “cõng” những loại hàng nguy hiểm đến đích an toàn. Đó là áp lực không thể chối bỏ.
Mắt tôi bắt đầu nặng nhíu lại. Đang gà gật theo tốc độ thì Hùng dừng xe và bảo đã đến chân đèo An Khê. Chúng tôi có 15 phút nghỉ ngơi để vượt đèo. Tôi nhìn đồng hồ mới 7 giờ 15 phút. Lúc này người và phương tiện trên Quốc lộ 19 đã khá tấp nập. Xuống xe, làm động tác vặn mình cho giãn xương khớp, tôi hít hà không khí trong lành. Chợt nhớ ra chưa mang giầy, tôi vội trở lại xe, nhưng không thể mở được cửa cabin. Nhìn quanh nhưng không thấy Hùng đâu. Bỗng nghe tiếng động dưới gầm xe. Cúi xuống và nhìn vào trong tôi thấy Hùng đang nghiêng đầu như tìm cái gì đó. Rồi anh chui ra và lấy chiếc búa gõ vào thành lốp bục bục. Chiếc búa con trong tay Hùng nẩy tâng tâng. Anh đứng dậy ngó nghiêng thành xe, vịn tay vào mấy cái dây chằng bạt. Cứ thế, anh đi ra sau xe rồi vòng về cabin bên lái. Rồi Hùng mở cửa trèo lên cabin mang xuống bi đông nước cùng cái cốc nhỏ.
- Mời thủ trưởng uống rồi chúng ta vượt đèo!
Đưa cốc nước vào miệng, mùi lá nếp thơm dịu và vị ngọt của trà đường khiến tôi tỉnh táo hẳn. Hùng giải thích, trà đường loãng pha lá nếp này giúp anh tỉnh táo, tập trung lái hơn nhiều mấy lon bò húc.
Đèo An Khê, một trong những con đèo khó nhất đối với cánh lính vận tải trên Quốc lộ 19, tuy nó chỉ dài 8km, nhưng cao tới gần 400m so với mực nước biển. Trên đèo có nhiều khúc cua, ngoẹo rất gấp, như: Ngoẹo Cây Khế, ngoẹo Ðồng Tiến, ngoẹo Hang Dơi... Thế nên, để vượt đèo, chiến sĩ lái xe phải có tay nghề vững, đặc biệt khi trời mưa. Nhưng có một điều mà chỉ người trong nghề như chúng tôi mới thấu. Ngay từ khi xếp hàng, họ phải trực tiếp lên thùng xe để kê chèn chắc chắn. Để mỗi khi vào cua, các hòm hộp đựng hàng không bị xô lệch. Vừa lên đèo, tôi vừa thắc mắc với Hùng là tại sao lại khóa cabin khi xuống xe. Anh bảo, đây là vấn đề nguyên tắc. Bởi khi kiểm tra xe mà mở khóa thì có kẻ nhanh tay mở cửa xe cuỗm ngay tư trang và những dụng cụ khác chứ chẳng chơi. Với Hùng, mất cái gì cũng tiếc vì nó không chỉ là mất tiền mua mà quan trọng là mất đi người bạn và không có cái để dùng trong công việc. Thế nên, đã thành nguyên tắc, xuống xe là anh khóa cửa. Hỏi lại Đại úy Đỗ Văn Nam, Đại đội trưởng Đại đội 7, người chỉ huy đội hình vận chuyển tôi mới hay, thói quen ấy có ở mọi chiến sĩ lái xe của đơn vị.
Nam tâm sự, thực tế có những đợt vận chuyển kéo dài cả nửa tháng, dù qua nhiều cung, chặng khác nhau nhưng cánh lái xe vẫn bền bỉ yêu xe, quý hàng, chăm sóc cứ như vợ chăm con ở nhà. Nghề này phải có trình độ kỹ thuật, tay nghề và trách nhiệm. Rồi Nam ví dụ như nắm hoạt động của cái bình điện chẳng hạn. Nếu không kiểm tra thường xuyên, không chăm sóc kỹ lưỡng, gây chập cháy khi đang vận chuyển thì hiểm họa rất lớn. "Đấy anh xem, các xe chở khách giường nằm bị cháy có một phần nguyên nhân là do họ đã độ chế hệ thống điện không bảo đảm, gây quá tải", Nam ví dụ.
Câu chuyện của Nam gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về nghề nghiệp của lính vận tải. Dù hạ tầng giao thông hiện đại giúp công tác vận chuyển dễ dàng hơn thời chiến nhiều lần, nhưng chỉ quá trình vận chuyển hàng quân sự đặc biệt trơn mượt, chứ không phải là yếu tố quyết định thắng lợi trong các "chiến dịch" vận chuyển. Thực tế, năng lực, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của chiến sĩ lái xe và phương pháp, cách thức chỉ huy vận tải mới là cái gốc để mỗi chuyến hàng đến đích an toàn. Với bộ đội vận tải, trong lập kế hoạch, chúng tôi còn phải tính đến các tình huống khi bị hỏa lực địch phong tỏa, săn tìm, oanh tạc bằng vũ khí thông minh. Để làm được điều đó, bộ đội vận tải, các chiến sĩ lái xe phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt và thậm chí dám đương đầu, sẵn sàng hy sinh chứ chẳng chơi.
Quá trưa hôm ấy chúng tôi hoàn tất quãng đường gần 200km để vào một kho quân khí thuộc Tổng cục Kỹ thuật trả hàng. Chiều muộn, khi những chú “ngựa thồ” nhảy tâng tâng trở về bãi xe vì không phải cõng hàng cũng là lúc công việc hoàn tất. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Hùng thông báo, bữa tối nay có thêm món giả cầy để bồi dưỡng đội hình và các “phi công mặt đất”. Nghĩ đến món chân giò heo thui bóp với riềng, mẻ, mắm tôm rồi nấu chín vốn là đặc sản của bộ đội vận tải mà bụng tôi sôi ùng ục, miệng ứa nước miếng.
Khó khăn, vất vả và hiểm nguy rình rập đấy, nhưng những “phi công mặt đất” của chúng tôi vẫn luôn biết cách vượt qua thật nhẹ nhàng. Suy nghĩ ấy khiến đợt vận chuyển nặng nề những ngày tới với tôi như không còn áp lực.
Thượng tá NGUYỄN VIẾT TÚY