Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, sau mỗi trận đánh, đồng chí Lê Trọng Tấn thường tổ chức rút kinh nghiệm, yêu cầu cấp dưới thẳng thắn phê bình, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục và tìm ra bài học cho những trận đánh tiếp theo. Trong Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, do nhiều nguyên nhân nên bộ đội ta chưa hoàn thành mục tiêu đề ra. Vì thế, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch ngày 26-4-1951, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã tự nhận khuyết điểm về mình. Trước hành động đó của người chỉ huy tài năng, đức độ, nhiều cán bộ cấp dưới đã noi gương ông, tiến hành tự phê bình một cách thành khẩn, nghiêm khắc, không tranh công, đổ lỗi, ai cũng thấy mình còn có những thiếu sót, như: Chủ quan, khinh địch, nắm địch không chắc, tổ chức chiến đấu chưa chặt chẽ, chu đáo, khi gặp tình huống phức tạp thì lúng túng, ngại đánh địch trong công sự vững chắc.
Tinh thần tự phê bình, bao giờ cũng nhận ra khuyết điểm của mình trước là tinh thần xuyên suốt cuộc đời làm tướng của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, có một trận đánh chúng ta không thành công. Khi tham dự hội nghị rút kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt câu hỏi: “Trách nhiệm thuộc về ai?”. Mặc dù không phải là người chỉ huy trực tiếp trận đánh đó nhưng đồng chí Lê Trọng Tấn bình tĩnh trả lời Thủ tướng: “Thưa anh, trách nhiệm thuộc về tôi-Tổng Tham mưu trưởng”.
Hành động của vị tướng dũng cảm, dám chịu trách nhiệm, thay mặt cấp dưới nhận khuyết điểm về mình và chịu sự phê bình của cấp trên được các tướng lĩnh, sĩ quan cùng thời kể mãi về sau. Tại Hội thảo khoa học “Đại tướng Lê Trọng Tấn-Nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam” do Bộ Quốc phòng tổ chức năm 2014, câu chuyện này đã được đại biểu dự hội thảo trích đưa vào tham luận.
Trần Đức