QĐND - Trước khi thực hiện bài viết này, tôi cũng như rất nhiều người lính trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên khác, đều biết anh - một vị tướng trẻ đảm nhiệm trọng trách Chính ủy Quân khu 5. Nhưng để hiểu sâu hơn về những điều bình dị, những việc làm thầm lặng của anh thì chưa nhiều, vì anh ít khi nói về mình. Bền bỉ “theo bám” và trò chuyện cùng anh, tôi được biết thêm về anh ở hình ảnh một vị tướng khác. Một vị tướng của thế trận thời bình, một vị tướng với những góc nhìn tâm huyết, sâu sắc về công tác tư tưởng văn hóa...
“Người chỉ huy phải thương yêu cán bộ, chiến sĩ như ruột thịt...”. Đó là lời tâm sự rất chân tình của Trung tướng Trần Quang Phương khi nói về mối quan hệ cán-binh. Và điều ấy được thể hiện bằng chính sự quan tâm, lo lắng của anh đối với cuộc sống hằng ngày của những người chiến sĩ.
Xác định việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là khâu quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ, anh đã chỉ đạo cấp ủy các cơ quan, đơn vị ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nghiêm nền nếp ngày chính trị văn hóa tinh thần. Căn cứ vào tình hình cụ thể, hằng tháng cơ quan chính trị tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, đời sống và mối quan hệ cán-binh. Tuy bận rộn với nhiều công việc, nhưng trong những năm qua, Trung tướng Trần Quang Phương vẫn dành thời gian đi cơ sở, trao đổi tâm tư tình cảm với mọi quân nhân, cho dù đó là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ hay công nhân viên quốc phòng. Mỗi lần như thế, anh đều “tranh thủ” động viên tư tưởng, đề cao trách nhiệm; chỉ ra những mặt còn thiếu, yếu cho từng đối tượng, xác định hướng khắc phục, sửa chữa. Thể hiện sự sâu sát của mình, anh thường xuyên bám nắm đến cấp phân đội, trực tiếp kiểm tra, lắng nghe ý kiến, đề đạt của cán bộ, chiến sĩ.
 |
Trung tướng Trần Quang Phương trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ trẻ. Ảnh: Tùng Lâm |
Anh vẫn thường nói: “Với người lính, dù thời bình cũng như thời chiến, có “an cư” mới “lạc nghiệp”. Để chuẩn bị tâm lý vững vàng trong bất kỳ nhiệm vụ nào, người chiến sĩ cần được sự quan tâm thấu đáo của các cấp lãnh đạo, chỉ huy. Sự quan tâm đó không đơn thuần là những lời thăm hỏi động viên tinh thần, mà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực”.
Đối với những quân nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoạn nạn… anh đều nhắc nhở chỉ huy đơn vị kịp thời giúp đỡ. Những đồng tiền quyên góp và huy động được đều xét hỗ trợ kịp thời, đúng địa chỉ... Khi cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ nơi núi cao, đảo xa, hoặc thực thi nhiệm vụ đột xuất, Cục Chính trị Quân khu chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ đến từng gia đình quân nhân thăm hỏi, động viên. Trường hợp vợ con quân nhân đau ốm phải điều trị tại bệnh viện, thì cử chiến sĩ phụ giúp chăm sóc; khi bão lũ, cử lực lượng giúp chằng chống nhà cửa, nếu thấy chưa bảo đảm an toàn thì đưa vợ con, người thân của quân nhân vào ở tại nhà khách đơn vị.
Bằng trải nghiệm cuộc sống và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn nên Trung tướng Trần Quang Phương có phương pháp giáo dục quân nhân rất hiệu quả, nhất là với những quân nhân vi phạm khuyết điểm. Kinh nghiệm đó chủ yếu xoay quanh vấn đề giải quyết mối quan hệ cán-binh. Đối với những sĩ quan có biểu hiện vi phạm kỷ luật, anh trực tiếp gặp gỡ, nhắc nhở với thái độ ân cần. Những lời “huấn thị” thể hiện sự kiên quyết, nghiêm minh, nhưng cũng rất chân thành, giúp người vi phạm nhận rõ khuyết điểm, quyết tâm khắc phục. Chuyện một sĩ quan trẻ có biểu hiện chưa thực sự nhiệt tình trong công tác, được Trung tướng Trần Quang Phương gọi lên gặp gỡ. Cứ tưởng mình sẽ bị “xạc” một trận nên thân, nhưng người sĩ quan trẻ bất ngờ được Chính ủy đưa cho cuốn sổ nhỏ và nói: “Đây là những kinh nghiệm sống của tớ qua mấy chục năm trong quân ngũ, cậu về gắng xem kỹ và không được làm mất, tuần sau trả lại nhé!”. Không biết trong cuốn sổ ghi những gì, nhưng sau đó đồng chí sĩ quan trẻ thay đổi hẳn, nay đã là một cán bộ có bản lĩnh và năng lực.
Cán bộ làm gương cho chiến sĩ, cấp trên mẫu mực, cấp dưới noi theo-phương châm đó được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân khu thực hiện có hiệu quả. Từ quan điểm “Người chỉ huy phải yêu thương cán bộ, chiến sĩ như ruột thịt” đã góp phần tạo sự chân thành, cởi mở, dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ. Sự quan tâm, gần gũi giúp đỡ chí tình của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đối với quân nhân thuộc quyền cả trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống thường ngày góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để những người lính vững tin, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là những chiến sĩ canh giữ “phên giậu” miền Trung-Tây Nguyên...
PHAN TIẾN DŨNG