Hàng loạt tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình... do các nhà báo-chiến sĩ thực hiện nhanh chóng, chính xác, tạo được hiệu ứng tốt. Vừa trở về tòa soạn sau hơn 10 ngày tác nghiệp, đại diện ê kíp đã có những chia sẻ với bạn đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần về chuyến công tác đặc biệt này.
    |
 |
Trung úy Phan Thanh Hà là phóng viên nữ duy nhất tại hiện trường vụ sạt lở ở Tiểu khu 67. Ảnh: TUẤN SƠN |
Phóng viên (PV): Thật sự tự hào và xúc động khi được biết các đồng chí là những phóng viên đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ sạt lở ở Tiểu khu 67. Các đồng chí có thể kể lại thời khắc đoàn nhận nhiệm vụ đi tác nghiệp trong đợt bão lũ ở miền Trung vừa qua?
Trung tá Hoàng Khánh Trình: 9 giờ 30 phút ngày 12-10, chúng tôi nhận được lệnh của chỉ huy: Hiện nay miền Trung đang lũ lụt rất nghiêm trọng. Quân khu 4 đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhiệm vụ của các đồng chí là phản ánh tình hình bão lũ và hoạt động của quân đội tham gia giúp dân phòng, chống lũ lụt... Các đồng chí có 2 giờ làm công tác chuẩn bị, đúng 11 giờ 30 phút đoàn xuất phát từ Hà Nội vào Huế.
Trung úy Phan Thanh Hà: Chúng tôi dự định sẽ tác nghiệp tại những nơi quân và dân gặp khó khăn nhất tại miền Trung, phản ánh nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 6 vừa quét qua của LLVT Quân khu 4, trong đó gồm cả đưa tin về quá trình tìm kiếm cứu nạn các công nhân bị nạn tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Trên đường đi, Trung tá Hoàng Khánh Trình và Đại úy Trần Tuấn Sơn động viên tôi rằng, họ đã có kinh nghiệm “chinh chiến” với bão lũ, vì vậy sẽ trực tiếp đi hiện trường, còn tôi ở một nơi có đường truyền internet tốt để liên tục gửi bài về cũng như giữ liên lạc với cơ quan, tiếp nhận các chỉ đạo của cấp trên. Khẩn trương tập trung chuẩn bị cho nhiệm vụ, mãi khi đến địa phận TP Vinh, tỉnh Nghệ An, tôi mới nhớ ra là chưa kịp thông báo với gia đình về chuyến công tác này.
PV: Thế nhưng sự cố sạt lở đất làm mất liên lạc với 13 đồng chí cán bộ, nhân viên ở Tiểu khu 67 đã làm cho kế hoạch ban đầu của các đồng chí thay đổi?
Trung tá Hoàng Khánh Trình: Sau hơn một ngày đêm hành quân từ Hà Nội đến huyện Phong Điền, nhiệm vụ của chúng tôi thay đổi. Không như kế hoạch ban đầu là phản ánh những nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, tình cảm quân dân trong hoạn nạn, sự khó khăn của nhân dân vùng đất “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”... chúng tôi hòa vào cuộc tìm đồng đội đầy đau thương, mất mát, xót xa, nước mắt trực trào.
Đoàn phóng viên Báo QĐND đến làm việc với Sở chỉ huy tiền phương thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền rồi cùng đoàn công tác do Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 chỉ huy vào hiện trường vụ sạt lở khiến 13 cán bộ, nhân viên hy sinh. Để đến được hiện trường, chúng tôi phải vượt qua gần 20km đường rừng, trong đó hơn 10km phải lội bùn đất, cắt rừng, băng suối, do trục đường 71-con đường duy nhất vào hiện trường bị chia cắt... Hiện trường vụ sạt lở đất hiện ra trước mắt chúng tôi hoang tàn, đổ nát, hàng triệu mét khối đất, đá trên diện tích hơn 7ha, những tảng đá lớn như ngôi nhà 3 gian nằm xen lẫn những cây rừng có đường kính 60-80cm... Điều kiện ấy khiến tất cả lực lượng đều gặp khó khăn.
PV: Trong điều kiện không thuận lợi về mọi mặt như vậy, các đồng chí đã tổ chức triển khai công việc như thế nào để có nhiều tin, bài, hình ảnh tại hiện trường, nhanh chóng, kịp thời phục vụ bạn đọc của báo?
Đại úy Trần Tuấn Sơn: Chúng tôi làm nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa kéo dài, nắng bất chợt; địa hình hiểm trở, rộng lớn, đầy rẫy hiểm nguy trong khi nhân lực có hạn, thời gian gấp gáp; đường truyền internet rất yếu, thậm chí có khu vực không có sóng điện thoại... Trong tình cảnh đó, mỗi phóng viên chúng tôi phải dấn thân, phát huy tinh thần nhà báo-chiến sĩ, tư duy làm báo “3 trong 1”. Mỗi người có thể vừa viết bài cho báo in; vừa gửi tin, bài cho báo điện tử; vừa dẫn hiện trường, viết phóng sự truyền hình, làm phóng sự phát thanh; dựng clip ngắn để đẩy lên fanpage Báo QĐND Điện tử... Để kịp chạy đua với thời gian, liên tục gửi tin về tòa soạn, chúng tôi đã đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, không ai làm việc độc lập mà mỗi một sản phẩm đều là công sức, trí tuệ của cả ê kíp.
Ê kíp chúng tôi tác nghiệp tại hiện trường, thường xuyên báo cáo công việc cụ thể với chỉ huy ở tòa soạn để nhận chỉ đạo nhiệm vụ kịp thời. Ngoài những thiết bị tác nghiệp truyền thống, chúng tôi đã linh động phát huy các chức năng của điện thoại thông minh, nhanh chóng, cơ động vừa ghi âm, chụp ảnh, quay video, viết tin rồi gửi về cho đồng nghiệp ở tòa soạn bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt là những lần tường thuật trực tiếp thu hút hàng triệu lượt người xem cũng được thực hiện bằng điện thoại.
Cùng với đó, một ê kíp trực biên tập ở tòa soạn cũng túc trực thường xuyên trao đổi tình hình với chúng tôi và tiếp nhận, biên tập, hoàn thiện thông tin chúng tôi gửi về, kịp thời đăng tải tin, bài nhanh chóng, chính xác. Chúng tôi mỗi ngày đều thức dậy lúc 5 giờ và đi ngủ vào 3 giờ sáng hôm sau. Còn ê kíp trực ở “hậu phương” có hôm làm việc tới gần sáng. Nhờ vậy, trung bình mỗi ngày có từ 5 đến 10 tin, bài, phóng sự các thể loại từ hiện trường được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND, kịp thời thông tin tới bạn đọc.
Trung tá Hoàng Khánh Trình: Kíp phóng viên chúng tôi đã chia nhỏ, theo sát các lực lượng trong quá trình tìm kiếm. Những ngày đầu, mỗi khi có tin, ảnh gấp thì không thể gửi về tòa soạn được ngay, mà lại phải cơ động ra bìa rừng, gần Sở chỉ huy tiền phương mới có thể gửi tin, bài về. Nhìn lại cả quá trình công tác, chúng tôi thực sự đã có những ngày làm báo “4 tại chỗ” không thể nào quên: Chỉ huy tại chỗ do đồng chí Thượng tá Trần Hoài, Trưởng cơ quan đại diện Báo QĐND tại Quân khu 4 phụ trách; lực lượng tại chỗ bao gồm nhóm phóng viên chúng tôi và nhóm của Báo Quân khu 4, Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội hiệp đồng chặt chẽ; phương tiện tại chỗ là tự di chuyển bám theo các sự kiện, vừa đi vừa viết, tận dụng điện thoại để gửi thông tin về tòa soạn; ăn, ngủ tại chỗ để rút ngắn thời gian đưa tin...
    |
 |
Phóng viên Khánh Trình (bên phải) và Thanh Hà (giữa) tác nghiệp tại hiện trường Tiểu khu 67. Ảnh: TUẤN SƠN |
PV: Việc di chuyển thường xuyên trong địa hình phức tạp như vậy, đồng chí đã gặp những khó khăn gì khi điều khiển xe phục vụ đoàn công tác?
Trung úy QNCN Vũ Văn Thi (lái xe): Suốt hơn 10 ngày của chuyến công tác, đoàn di chuyển thường xuyên, nhiều địa hình phức tạp, nhiều đoạn sạt lở, ngầm sâu, đường hẹp và nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao, có đoạn ngập sâu, tôi phải xuống xe lội đi trước kiểm tra tình hình... việc điều khiển xe cần hết sức cẩn trọng. Tôi nhớ, từ Sở chỉ huy tiền phương vào Tiểu khu 67, xe của ê kíp phóng viên Báo QĐND do tôi điều khiển đi sau xe của Thiếu tướng Hà Thọ Bình, được khoảng 5km, Thiếu tướng Hà Thọ Bình ra hiệu dừng đoàn xe, thông báo chặng đường phía trước rất nguy hiểm và nói với chúng tôi rằng, “đoàn công tác của báo ở Hà Nội đi đường bằng phẳng quen, vào đây có thể chưa hiểu địa hình địa vật nên nếu đến đoạn nào khó, các đồng chí cảm thấy không theo được thì phải dừng ngay lập tức, còn chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đi vào hiện trường”. Lúc đó tôi nghĩ, mình đã hơn 10 năm lái xe, đã từng đi công tác vào vùng bão lũ nhiều lần, các đồng chí đi được thì mình cũng sẽ cố gắng đi được an toàn, nhất là lần này không chỉ là chuyến công tác bình thường mà còn là một cuộc đi tìm đồng đội. Rồi những lúc các đồng chí phóng viên tác nghiệp, tôi tranh thủ kiểm tra kỹ thuật xe, bảo đảm thuận lợi cho việc di chuyển và an toàn cho cả đoàn; chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cả đoàn tranh thủ ăn uống rồi tiếp tục công việc.
PV: Chắc hẳn khó khăn cũng như cảm xúc, kỷ niệm của các đồng chí trong chuyến công tác rất nhiều, nhất là đồng chí Thanh Hà?
Trung úy Phan Thanh Hà: Nhóm phóng viên Báo QĐND là ê kíp báo chí đầu tiên có mặt ở hiện trường vụ sạt lở ở Tiểu khu 67. Lúc này hiện trường chưa có đội cứu hộ, toàn khu vực là đất bùn nhão, sụt lún sâu, rất nguy hiểm, tôi là nữ quân nhân duy nhất có mặt ở đây. Có lúc tôi bị ngập nửa người dưới bùn đất; cả người dầm mưa ướt hết, đêm chỉ nghỉ vài tiếng... Có lúc, đồng chí Khánh Trình lo lắng, bảo tôi mệt thì nghỉ, đừng cố... Trong những tình huống ấy, không ai bảo tôi phải dấn thân nhưng bằng mệnh lệnh từ trái tim, bằng tinh thần, trách nhiệm của người lính cầm bút, tôi nghĩ rằng mình phải đến tận nơi, phải thấy và gửi hết tình cảm của những người lính đi tìm đồng đội, của những gia đình mất đi người thân vào từng câu chữ để bạn đọc cả nước có thể cảm nhận được sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ.
Thực sự đây là chuyến công tác để lại cho một phóng viên trẻ như tôi quá nhiều cảm xúc và kinh nghiệm với bao kỷ niệm. Lần đầu tiên tôi đứng dẫn hiện trường dưới mưa; lần đầu tiên tôi thấy đứng trước ống kính đồng nghiệp lại khó khăn thế, cứ phải nén cảm xúc lại; lần đầu tiên tôi trực tiếp thấy sức tàn phá của thiên tai, chứng kiến đồng đội của mình áo xanh lẫn màu bùn đất. Càng xót xa hơn khi chỗ mình vừa đứng nghỉ, phía dưới có đồng đội nằm lặng im... Tôi tận mắt thấy nước mắt của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng rơi; sự vất vả, hao gầy của Tư lệnh Quân khu 4-Trung tướng Nguyễn Doãn Anh; những đôi mắt đỏ lựng của cán bộ, chiến sĩ ngày đêm không ngủ mòn mỏi tìm đồng đội trong đất; nước mắt đau xót của người thân các liệt sĩ... Tất cả điều đó đã giúp tôi suy nghĩ sâu sắc hơn, trưởng thành hơn, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đại úy Trần Tuấn Sơn: Ngoài những điều đồng chí Thanh Hà chia sẻ, trong chuyến công tác, còn một điều nữa khiến tôi ấn tượng, đó là hai buổi tang lễ các đồng chí hy sinh, có rất nhiều người dân đã rơi nước mắt tiễn đưa các liệt sĩ. Bà con nói rất thương bộ đội, ở đâu khó khăn đều có bộ đội đồng hành với bà con. Thực tế là trong những ngày mưa lũ ở miền Trung, bộ đội luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy, khó khăn, gian khổ nhất, cùng chính quyền địa phương giúp nhân dân. Điều đó đã thể hiện, lan tỏa phần nào phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
PV: Trân trọng cảm ơn các đồng chí!
DƯƠNG THU (thực hiện)