QĐND - Mãi đến những năm chạm vạch… hưu trí, Trung tướng, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tiến Bình (nguyên Giám đốc Học viện Quân y) mới khiến các thế hệ học trò và đồng nghiệp bất ngờ bởi những truyện ngắn của ông công bố trên những tờ báo văn chương uy tín, có truyện được giải thưởng của Báo Văn Nghệ-cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Chưa hết, mới đây, ông lại tổ chức trưng bày một phòng tranh khá ấn tượng, bán lấy tiền làm từ thiện giúp bệnh nhân nghèo…

Nhà điêu khắc nước Pháp F.A.Rê-nê Rô-đanh nói rằng: “Người nghệ sĩ phải tạo ra một tia lửa trước khi có thể nhóm lên ngọn lửa và trước khi nghệ thuật sinh ra, người nghệ sĩ phải sẵn sàng để ngọn lửa sáng tạo của chính mình nuốt trọn”. Đọc truyện và xem tranh của Nguyễn Tiến Bình, đôi khi tôi cứ băn khoăn một câu hỏi: “Người văn này chơi tranh, chơi văn hay lao động nghệ thuật thực sự?”. Rõ ràng là trong thế giới nội tâm trăn trở, ông Bình có ý thức “tạo ra một tia lửa” và đã tạo ra, rồi... nhóm lửa. Nhưng trong đời sống nghệ thuật, có những người chỉ dạo qua khu rừng văn chương nghệ thuật như một khách lỡ độ đường, rồi bị rừng... nuốt chửng, vô tăm tích. Nhưng, cũng có người lại chuồi ra, hiển lộ, không chịu khuất lấp làm một cái cây vô danh, ấy là khi nội lực người ta ắp đầy... dũng khí.

Trung tướng Nguyễn Tiến Bình bên giá vẽ. Ảnh: MINH NGUYỆT

Gớt-tơ nói: “Không có dũng khí thì không có nghệ thuật”. Nguyễn Tiến Bình là một người văn có dũng khí! Có dũng khí vẫn chưa đủ, mà còn phải có bản năng nghệ thuật. Có nghĩa là phẩm chất ấy đã có sẵn, giúp con người làm tốt một loại hoạt động nào đó, dù đôi khi chưa được học hành và người ta thường gọi là... năng khiếu. Bởi thế, không thể nói là Nguyễn Tiến Bình chơi tranh! Chẳng ai chơi tranh mà lại cứ cần mẫn, lặng thầm cô độc trong căn phòng mấy mét vuông vẽ cả trăm bức tranh sơn dầu! Tôi đồ rằng, ông Bình đang đánh thức phẩm chất văn chương nghệ thuật ngủ vùi trong ông, mà chính ông trước đây cũng không biết mình có phẩm chất ấy. Và cái khối dung nham nghệ thuật ấy âm thầm chứa chất chỉ chực đòi bung phá, giải phóng, thì bây giờ nó tuôn trào ra như núi lửa, sau 60 năm im lặng.

Cái dung nham nghệ thuật ấy là tranh, là văn hiện hữu của Nguyễn Tiến Bình. Có lẽ, cái điều chung nhất trong bút pháp sáng tác của ông là chất trữ tình lãng mạn đan xen, quyện nhuyễn với tính hiện thực trăn trở, day dứt. Bằng chứng là bài hát Nga với “giai điệu tình ca “Đôi bờ” nhẹ nhàng, lắng sâu là tự sự nội tâm man mác của thiếu nữ với mối tình vô vọng. Cô gái yêu và chính cô cũng ý thức không bao giờ nắm bắt được mối tình xa vời ấy” đã đi qua tiếng thở dài của anh thương binh trong truyện ngắn “Đêm dài qua”, đã đoạt giải ba Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2011-2012; hoặc câu chuyện bất công đượm buồn về anh lính giả điên thoái nhiệm trong truyện “Dưới lá me bay”, thì sau lại sống bằng con người thành đạt trong bộ áo và vật dụng sang trọng khác v.v..

Về tranh, thế giới hội họa của Nguyễn Tiến Bình có hai dòng chính: Tranh phong cảnh, tĩnh vật và tranh trừu tượng. Những bụi tre dày đặc vươn mình bất khuất; những cây sen xanh lá, trắng búp nõn; cây súng phủ lá êm đềm trên mặt nước; con đò nhỏ mỏng mảnh như lá tre; cánh đồng lúa vàng rực báo hiệu một mùa màng no đủ, mái nhà tranh nhỏ e ấp dưới tán lá xanh; cái cổng cũ kỹ tróc vôi với con đường làng mùa rơm vàng… trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Tiến Bình có một chút hơi tĩnh lặng, vượt qua được cái tù túng, ngưng đọng để làm nên một thế giới tự nhiên nông thôn bình yên, chan hòa. Tuy nhiên, cũng là sen xanh, nhưng có bức tạo được cảm giác mùa đi, lá già xanh thẫm, bông sen trắng vươn lên cao bất khuất và những cuộng lá chết khô khỏng trong một không gian buồn…

Tác phẩm "Tĩnh vật".

Tác phẩm "Sen".

Tác phẩm "Trừu tượng". Tranh sơn dầu của Nguyễn Tiến Bình

Nguyễn Tiến Bình sử dụng màu sắc thiên về xanh, nhưng không cảm thấy lạnh lẽo mà là mát và sáng, tươi tắn. Đôi ba bức, ông dùng màu đỏ nóng gắt và chói chang diễn tả mái ngói lô xô cũ kỹ trên nền trời hoàng hôn đỏ rực, hay những bông hoa lau trắng trên nền đỏ như máu khiến ta bồn chồn; tuy nhiên vẫn thấy thấp thoáng chất trữ tình, thơ mộng hiển lộ. Cảm giác thơ hóa trong tranh ông cứ khiến người xem hồi cố lại thiên nhiên đồng quê trong trẻo đã đi qua tuổi thơ và có nguy cơ biến mất ở thời văn minh công nghiệp. Phải chăng, ông đã vẽ bằng ký ức?

Có một không gian nghệ thuật Nga trong tranh Nguyễn Tiến Bình: Một chòm cây phong lá đỏ là điểm nhấn so với viễn cảnh lớn cây xanh ngả màu nâu hồng; hay hai cây dương đầy khí phách thẳng vút vươn lên trời xanh, phía bên kia hồ là màu vàng sậm pha chút đỏ của thảo mộc; hay chi chít thân cây chen cùng lá đan nhau như thể rừng tai-ga nước Nga. Chỉ có thể bằng con mắt nhìn phóng khoáng, trải dài, xa rộng mới biến thành nét cọ trên vải vừa bạo dạn, vừa trữ tình như thế.

Bức tranh một góc cầu Long Biên với ấn tượng thị giác mạnh khiến người xem liên tưởng đến cái sự cũ mòn, bấu víu vào thời gian để tồn tại. Cũng có thể nghĩ đến kiếp người lầm lụi, gồng mình cam chịu.

Quả thật, những bức tranh trừu tượng của Nguyễn Tiến Bình rất khó cắt nghĩa. Người xem như chỉ cảm được một cách mơ hồ trong những đường nét nhằng nhịt, trên các hình khối không rõ ràng là... một khí phách đầy kiêu hãnh và một triết lý nhân sinh: Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại; hay: Khi hướng về mặt trời thì bóng tối ở sau lưng...

Tranh của Nguyễn Tiến Bình đạt đến sự bình dị, chân thành. Nhà triết học người Mỹ R.Oan-đô Ê-mê-xơn nói rằng: “Yêu cái đẹp là thưởng thức. Tạo ra cái đẹp là nghệ thuật”. Trung tướng, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tiến Bình không chỉ yêu cái đẹp mà còn đã và đang tạo ra cái đẹp. Và vì thế, đã thấy một con người khác, một thế giới khác trong con người ông.

Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH