QĐND - Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, người đã từ bỏ cuộc sống thượng lưu ở Pa-ri hoa lệ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vốn là người thông thạo rất nhiều ngoại ngữ. Ông thông thạo tất cả các kỹ năng của tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, ngoài ra còn nghe hiểu và đọc được nhiều ngoại ngữ khác.
Từ nhỏ, chứng kiến cảnh dân tộc lầm than dưới ách bảo hộ thực dân, người thanh niên Phạm Quang Lễ (tên thật của Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa) đã nuôi chí học hành để tìm cách đánh đuổi thực dân Pháp. Khi được chính phủ bảo hộ cấp học bổng sang Pháp học về xây dựng, điện và hàng không, ông đã ngầm làm quen với các quản thủ thư viện để mượn sách quân sự mật về nghiên cứu. Đến khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phát xít Đức ký hiệp định Đồng minh với Nhật đúng lúc ông rời nước Pháp sang làm việc ở một viện nghiên cứu vũ khí ở Đức. Bấy giờ, phát xít Đức thấy ông là người Việt, cũng xem như người Nhật nên không cảnh giác như đối với người Pháp. Nhờ thế, ông càng có điều kiện tiếp cận những tài liệu về vũ khí, nhưng có một vướng mắc là ông chưa biết tiếng Đức. Ông bèn hỏi một người bạn Đức: “Biết được bao nhiêu chữ thì có thể đọc được sách quân sự bằng tiếng Đức?”. Người bạn trả lời: “Phải biết từ 4.000 chữ trở lên”. Ông bèn đi mua một cuốn từ điển Đức-Pháp gồm 10.000 từ về học song ngữ. Chỉ sau một thời gian, ông đã ghi nhớ các từ trong cuốn từ điển trên, nhớ chính xác khoảng 40%. Thế là ông mượn sách quân sự tiếng Đức về nghiên cứu, và quả thật, những tài liệu này đã giúp ông mở mang rất nhiều kiến thức về vũ khí. Về sau, ông đã áp dụng cách học song ngữ trên để tìm đọc các sách triết học và quân sự thế giới.
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học huyền thoại của cách mạng Việt Nam. Về nghỉ hưu, ông vẫn sống vô cùng đơn sơ, giản dị. Ông nói: “Những người bạn của tôi ở bên phương Tây có cuộc sống rất sung túc, nhưng về mặt phụng sự cho Tổ quốc thì họ chẳng có gì cả. Còn tôi, khi đất nước độc lập, thống nhất, tôi ghi vào sổ tay là đã hoàn thành nhiệm vụ”.
BÌNH MINH