Một ngày cuối tháng 7, cơ duyên đưa tôi gặp nhà giáo Ngô Văn Vinh, được ông kể cho nghe biết bao chuyện cũ, thời ông cùng hàng vạn thanh niên trí thức gác bút nghiên lên đường ra mặt trận.

- Thưa thầy! Ngày trước công nghệ chưa phát triển, không biết trong điều kiện chiến tranh rất khó khăn như vậy, công việc các họa sĩ vẽ tranh cổ động được thực hiện như thế nào?

Nét mặt thầy Ngô Văn Vinh trở nên rạng rỡ khi thấy sự hiếu kỳ ánh lên trong đôi mắt cô học trò nhỏ. Cứ thế, ký ức một thời "tài hoa ra trận" trong ông ùa về: “Thời gian trôi nhanh quá, đã hơn 50 năm kể từ ngày tôi đăng ký nhập ngũ theo lời hiệu triệu của Đảng, của Tổ quốc. Ngày 25-5-1972, tôi cùng hàng nghìn sinh viên các trường đại học xung phong lên đường ra mặt trận. Ai cũng khao khát được cống hiến sức lực cho quê hương. Một trong những người truyền lửa cho chúng tôi thời kỳ cả nước ra trận ấy là Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi”.

Khi còn là học sinh Trường Cấp 2 (nay là THCS) xã Nam Hồng, cậu học trò Ngô Văn Vinh đã cùng bạn bè, thầy cô đứng trước bia mộ gió được ban giám hiệu xây dựng tại khuôn viên trường để tri ân người anh hùng quả cảm. Trong giây phút xúc động, nguồn cảm hứng của cậu chợt dâng trào mãnh liệt. Để rồi trên tờ giấy roki ngả màu, thời khắc anh Nguyễn Văn Trỗi đứng trên pháp trường hô vang: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ!... Hồ Chí Minh muôn năm!” đã được cậu tái hiện với từng nét vẽ sống động. Bản thân cậu học trò cũng không ngờ, khi nhìn thấy bức họa, thầy cô lại vô cùng ngạc nhiên, xúc động và đặt nó lên trước bia mộ gió ấy.

- Năm 12 tuổi, lần đầu tôi hiểu như thế nào là một người con vì dân, vì nước, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Khi trưởng thành, mặc dù đang là sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi vẫn quyết định gác lại niềm đam mê văn chương lên đường nhập ngũ.

Trở thành chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 630, thuộc Sư đoàn 338, nhờ sự nhanh nhẹn, hoạt bát vốn có mà chiến sĩ trẻ Ngô Văn Vinh được giao nhiệm vụ liên lạc viên của đại đội. Mặc dù thân hình gầy gò, chỉ nặng 42kg, lại bị căn bệnh đau dạ dày liên tục hành hạ, nhưng chiến sĩ Ngô Văn Vinh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Nhà giáo Ngô Văn Vinh chia sẻ ký ức về chiến trường xưa. 

Tháng 9-1972, Tiểu đoàn 630 tổ chức cuộc thi vẽ tranh báo tường kỷ niệm Ngày Quốc khánh (2-9), bức tranh của chiến sĩ Ngô Văn Vinh xuất sắc giành giải nhất, được tham gia thi cấp sư đoàn. Cơ duyên đến từ đó, chàng chiến sĩ liên lạc có cơ hội được dùng năng khiếu hội họa của mình trong suốt quá trình phục vụ quân đội. Ngô Văn Vinh được biên chế về ban tuyên huấn sư đoàn với vai trò họa sĩ vẽ tranh cổ động. Chỉ trong thời gian ngắn, Vinh đã vẽ được gần 20 bức tranh chân dung các anh hùng LLVT, cùng hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu sinh động, phản ánh cuộc sống người chiến sĩ trên khắp mọi nẻo đường.

"Thú thực, lần đầu tiên được cấp trên giao nhiệm vụ, tôi khá hồi hộp, nhất là hôm bắt đầu cầm cọ vẽ chân dung Anh hùng Nguyễn Viết Xuân. Thời điểm đó tôi chỉ có thể dựa vào trí tưởng tượng cùng bức ảnh của anh được in trên báo. Lòng kính trọng với người anh hùng của dân tộc không cho phép tôi được sai sót bất kỳ chi tiết nào. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ cho đến lúc nét bút cuối cùng được hoàn thiện, tôi hồi hộp xen lẫn lo lắng không biết đồng đội, đơn vị sẽ đón nhận bức tranh của mình như thế nào. Tôi mong khi nhìn thấy bức tranh, mọi người đều cảm nhận được thời khắc anh Nguyễn Viết Xuân đứng trên bờ công sự, dõng dạc hô to: “Trút căm thù lên nòng pháo. Nhằm thẳng quân thù, bắn!”. Bởi khẩu lệnh của anh trở thành mệnh lệnh bắn máy bay Mỹ, không những ở các đơn vị cao xạ mà còn trở thành tư tưởng hành động của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, trong đó có Sư đoàn 338. Để bức tranh của mình có độ chính xác cao hơn, tôi đã xin ý kiến của chỉ huy đơn vị cũng như ngồi hàng giờ trước khẩu pháo phòng không để lấy cảm hứng. Cuối cùng bức tranh cũng được hoàn thiện và tôi thấy lòng mình thanh thản khi được anh em trong đơn vị nhiệt tình đón nhận", thầy giáo Ngô Văn Vinh nhớ lại.

Thời điểm đó, loại mực tàu rất phổ biến, nhưng có nhược điểm là chỉ có màu đen. Mỗi khi muốn ngòi bút của mình đa dạng hơn, chiến sĩ Ngô Văn Vinh thường vào rừng hái lá cây, dùng củ khoai lang hay vỏ hoa quả có nhiều màu sắc, dầm nát, pha với nước tạo thành màu để vẽ. Nhờ sự sáng tạo đó mà tranh của anh khá đa dạng về màu sắc, thường được ưu ái treo trong hội trường sư đoàn và hội trường các đơn vị. Từng dấu mốc lịch sử trọng đại, cùng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước được anh tái hiện bằng những nét vẽ sinh động. Là người lính, anh hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của tranh tuyên truyền cổ động. Vì vậy, vẽ làm sao để thứ "vũ khí tinh thần" ấy đến được với bộ đội vừa là cái tâm, vừa là trọng trách lớn lao của người họa sĩ-chiến sĩ.

leftcenterrightdel
Nhà giáo Ngô Văn Vinh hằng ngày vẫn say sưa bên giá vẽ trước sự chứng kiến của các bạn trẻ. 

Cũng theo hồi ức của cựu chiến binh Ngô Văn Vinh, tháng 10-1972, trong thời gian đóng quân ở vùng rừng thuộc huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), người chiến sĩ-họa sĩ trẻ nhận được chỉ thị của cấp trên, cần vẽ ngay bức tranh với nội dung cổ động tinh thần của bộ đội đang bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) trước sự đánh phá suốt ngày đêm của địch. Trong một trận tập kích khốc liệt, không quân Mỹ thả bom trúng cột trụ giữa làm tê liệt hoàn toàn cây cầu. Tình thế gấp gáp, Binh nhất Ngô Văn Vinh không có thời gian để mài mực tàu, căng khung vải. Anh chợt nhìn thấy một số viên than củi đã nguội, trong đầu nảy ra ý tưởng dùng ngay nó để vẽ tranh. Trước sự trầm trồ, thán phục của đồng đội, Ngô Văn Vinh phác họa những nét vẽ mượt mà ngay lên tấm gỗ mỏng vẫn được dùng để chắn gió cho doanh trại. Bức tranh của họa sĩ Ngô Văn Vinh được hoàn thiện, trở thành nguồn cổ vũ, động viên của biết bao chiến sĩ trên đường ra mặt trận.

Cuối năm 1974, Ngô Văn Vinh từ chiến trường trở về, tiếp tục sự học đang dang dở. Tốt nghiệp đại học sư phạm, thầy Vinh về quê gieo chữ cho các thế hệ học sinh. Sau hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", nay đến tuổi "thất thập cổ lai hy", mong muốn quay lại với niềm đam mê từ hồi trẻ đã thôi thúc thầy cầm bút vẽ. Nhiều năm qua, thầy vẫn được bạn bè, học trò và người dân trên địa bàn huyện Đông Anh kính trọng, gọi là thầy giáo-họa sĩ và bày tỏ mong muốn thầy tiếp tục trổ tài hội họa.

- Hơn 40 năm được nghe tiếng gọi “thưa thầy”, và câu nói “thưa họa sĩ”, tôi cảm thấy rưng rưng, bồi hồi như ngày còn cùng đồng đội "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", nhà giáo Ngô Văn Vinh bùi ngùi, xúc động nói.

“Bắt đầu hành nghề, cả đời sẽ theo nghề”, từ suy nghĩ ấy mà hiệu tranh truyền thần mang tên Ngô Vinh ra đời. Có lẽ nhờ duyên với nghề từ thuở thanh xuân nên hiệu tranh của thầy thu hút sự ghé thăm của rất nhiều khách hàng từ già đến trẻ. Thế nhưng, mỗi khi có ai đặt tranh chân dung về những người anh hùng LLVT nhân dân, thầy Vinh thường vẽ tặng chứ không bán. Bởi với thầy, vẽ tranh không chỉ thỏa niềm đam mê của bản thân mà còn là một cách để ông tri ân cuộc đời cho mình được sống, trải nghiệm những tháng ngày trong quân ngũ và làm việc để xây dựng quê hương đất nước.

Bài và ảnh: HẠ ANH