QĐND - Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 4, quê ở xã Vạn Phước (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Năm 1949, sau trận đánh ở làng Hổ Mạ (quê ông), chứng kiến cảnh anh trai bị giặc bắt và xử bắn ngay tại làng, nỗi căm hờn đã giục bước cậu bé 14 tuổi Võ Văn Chót tìm cách tham gia cách mạng. Võ Văn Chót tình nguyện làm liên lạc cho Đại đội 252 thành phố Nha Trang (lúc đó Đại đội 252 đóng quân ngay trong làng ông). Trong một lần trên đường làm nhiệm vụ, Võ Văn Chót gặp hai người chú ruột là Võ Quế và Võ Vàng, được các chú động viên, khích lệ, chàng trai trẻ như được tiếp thêm sức mạnh. Năm 1953, đúng 17 tuổi, Võ Văn Chót chính thức xin vào bộ đội. Những trận đánh chiếm đồn công binh Phước Hải giành đại thắng, đánh mốc Cầu Dứa bắt được 9 Tây đen, đánh vào đồn Hương Bộ ở ngã ba thành phố Nha Trang thu được số lượng vũ khí rất lớn… đã sớm khẳng định tài năng quân sự trong ông.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sau đó quay lại Nghệ An, là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Sư đoàn 324 (Đoàn Ngự Bình). Từ người anh nuôi, Võ Văn Chót nhanh chóng trưởng thành, trở thành người lính trực tiếp chiến đấu. Khắp các chiến trường từ Bắc chí Nam, sang Lào và Cam-pu-chia, đâu đâu cũng có bước chân ông. Vốn tính khảng khái, chính trực, là người cầm quân, ông thường chủ động trong tác chiến. Năm 1972, sau khi giải phóng Thành cổ Quảng Trị xong, ngày 2-5, ông nhận được lệnh vào A Lưới làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) tiếp tục chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế. Trung đoàn 3 có nhiệm vụ đánh địch ở khu vực Động Tranh và Bình Điền. Trong điều kiện thiếu thốn lương thực, vũ khí, đối phương hơn hẳn ta về lực lượng cũng như trang bị nhưng ông vẫn cùng đồng đội chung sức chung lòng, lựa chọn phương pháp tác chiến linh hoạt và giành chiến thắng to lớn, bắt được 1 tiểu đoàn địch...

Thiếu tướng Võ Văn Chót (bên trái) gặp đồng đội.

Vốn là người hóm hỉnh, ông hay "tụ tập" cấp dưới nói chuyện mỗi khi rảnh rỗi. Một lần, có người "chọc" ông: "Nghe nói anh đánh trận giỏi lắm, mà sao lúc đầu lại ở bộ phận nuôi quân?". Ông kể, năm 1954, khi đơn vị ông tập kết ra Bắc, ra đến Thanh Hóa, đại đội ông có 120 người, cần chọn 11 người làm anh nuôi. Tâm lý của anh em ai cũng muốn được cầm súng, ngại việc nấu ăn. Đơn vị lấy tinh thần tự nguyện nhưng không ai giơ tay. Chỉ huy đại đội liền nói: Tiêu chí chiến sĩ nuôi quân rất cao, phải là "Chiến sĩ thi đua", có thành tích chiến đấu và... phải nấu ăn ngon. Cả ba tiêu chí này, ông đều hội đủ. Thế là, ông đành xung phong làm chiến sĩ nuôi quân. Công việc của người anh nuôi gắn với nồi niêu xoong chảo kéo dài gần 4 năm trời.

Ông hài hước kể tiếp: “Tôi tốt nghiệp sĩ quan loại xuất sắc nhưng giờ kèm cho cháu học lớp 2, nhiều bài tôi vẫn... bế tắc". Chuyện ông kể rất thật. Năm 1958, Võ Văn Chót được đơn vị cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Kết quả kiểm tra sức khỏe ông xếp hạng A1 nhưng điểm văn hóa lại rất thấp. Trung đoàn mời giáo viên về dạy bổ túc văn hóa cho ông. Cô giáo là người huyện Nghi Lộc (Nghệ An), nói giọng địa phương theo kiểu “ca co cuông, ca co đuôi” (cà có cuống, cá có đuôi), ông nghe mà không hiểu. Đến lúc ông trả lời bằng giọng đặc sệt chất Nam Bộ, cô giáo cũng… chịu. "Kết quả bài kiểm tra chính tả tôi mắc 91 lỗi sai trong tổng số 210 từ và cô giáo không thể cho điểm. Về môn Toán, cô giáo ra 3 bài gồm các phép cộng, trừ và quy tắc tính xác suất nhưng tôi chỉ làm được mỗi phép tính cộng, còn phép trừ và quy tắc xác suất thì… sai hết" - ông cười khà khà, thú thật. Không đủ tiêu chuẩn đi học, Võ Văn Chót chuẩn bị tâm lý trở lại đơn vị thì nhận được thông báo, tất cả thí sinh gốc miền Nam đều được nhập học. Hóa ra, do tình hình cách mạng miền Nam lúc đó rất thiếu cán bộ địa phương, nên Võ Văn Chót và những người bạn tập kết cùng ông đều trúng tuyển "đặc cách".

Kể đến đây, ông cười sảng khoái, tự chế giễu mình bằng lối kể chuyện hóm hỉnh.

Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU