Nhớ lại những ngày: “Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/ Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng...” (Tố Hữu), tháng 2-1975, Vũ Xuân Dương lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 101, Sư đoàn 325A, Quân đoàn 2. Sau đợt huấn luyện, anh vào đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), một thời gian sau thì đơn vị chuyển vào tiếp quản vùng giải phóng gần Tổng kho Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai). Những ngày ở đây, chứng kiến làng mạc bị cháy sém, những cánh đồng trơ trụi bởi khói lửa chiến tranh, anh càng thấm thía hơn sự tàn bạo của kẻ thù, đồng thời cũng thấu hiểu hơn sự hy sinh lớn lao của quân và dân ta. 

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, anh đi học ở Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần) rồi được phân công làm Trợ lý Quân giới Trung đoàn 603 trực thuộc Quân khu 3. Sau 5 năm công tác trong quân ngũ, Vũ Xuân Dương chuyển ngành để theo đuổi niềm đam mê hội họa. Anh quyết tâm ôn luyện và thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau 5 năm nỗ lực, anh nhận tấm bằng thủ khoa chuyên ngành lụa.

Tháng 1-1991, Vũ Xuân Dương được phân công về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nam Định (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Nam Định). Bắt đầu là những tháng ngày dày công trên từng trang giáo án, say mê với những tiết dạy. Để nâng cao trình độ, Vũ Xuân Dương tiếp tục theo học thạc sĩ. Với sự nỗ lực cố gắng, dần dần, Thạc sĩ Vũ Xuân Dương được biết đến là giáo viên giỏi cấp tỉnh, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nam Định.

Thời điểm ấy, Mỹ thuật là khoa vững mạnh của nhà trường. Cho đến bây giờ, nhiều thế hệ học trò vẫn nhớ về thầy Vũ Xuân Dương tâm huyết, nhiệt tình với tấm lòng rộng mở. Không thể kể hết những lớp học miễn phí được anh mở ra hằng năm cho học sinh ôn thi vào trường mỹ thuật. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được anh hỗ trợ tiền đóng học phí. Rồi có những trường hợp sinh viên mắc lỗi, bị nhà trường kỷ luật, anh động viên, giúp đỡ và trở thành điểm tựa cho họ đứng lên để thành danh trong cuộc sống.

leftcenterrightdel

Họa sĩ Vũ Xuân Dương. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ra trường gần 30 năm, nhưng cậu học trò Phan Thanh Tưởng (Lớp Sư phạm Mỹ thuật 9A) vẫn khắc sâu trong tâm khảm hai cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi cuộc đời mình. Đó là một buổi chiều, cậu đón một đoàn khách. Trưởng đoàn-thầy chủ nhiệm Vũ Xuân Dương nắm chặt tay cậu và nói: “Biết em định bảo lưu kết quả, đi làm "lơ xe", sau này về học tiếp, nên thầy đã huy động mọi người của ít lòng nhiều quyên góp, giúp đỡ em. Hãy cố gắng vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục học tập. Nếu em nghỉ thì sẽ không biết bao giờ mới trở về học được nữa. Vì cuộc đời khó nói trước được điều gì”...

Sự chia sẻ, động viên, niềm tin yêu, hy vọng ánh lên từ đôi mắt hiền từ, nhân hậu của thầy chủ nhiệm khiến cậu học trò Phan Thanh Tưởng vững tin hơn, để hai năm sau chính thức nối nghiệp thầy. Cũng một buổi chiều khác, cùng dạo bước trên bờ sông, cậu tâm sự về những lo lắng vì không có điều kiện để tiếp tục học lên đại học, một lần nữa, thầy chủ nhiệm năm xưa lại nắm chặt tay cậu: “Em hãy nhìn dòng sông này. Nếu em không nhảy xuống thì làm sao biết mình có thể bơi được sang bờ bên kia”. Câu nói mộc mạc, chí tình, chí nghĩa của thầy Dương đã đánh thức khát vọng, ý chí của cậu học trò. Để rồi 5 năm sau đó, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay, Phan Thanh Tưởng rưng rưng nhớ về người truyền lửa năm xưa.

leftcenterrightdel

Tác phẩm "Thành Nam xưa" (bột màu). Tranh của VŨ XUÂN DƯƠNG  

Thời gian dần trôi, cây cọ vẽ cùng với niềm đam mê đã định hướng cho thầy giáo-họa sĩ Vũ Xuân Dương một hướng đi mới. Năm 2012, anh đến với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định với niềm hào hứng, niềm tin nơi đây sẽ là một không gian rộng mở, đầy ắp cho cảm xúc thăng hoa trên từng nét vẽ. Công việc mới khiến anh phải đứng trước những khó khăn, thử thách mới. Làm thế nào để thực hiện tốt sứ mệnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, cùng anh chị em hội viên của Hội tiếp tục xây dựng và phát triển trong thời kỳ mới, làm tốt vai trò của văn học nghệ thuật với những tác phẩm chất lượng, có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Nam Định... Những dòng suy nghĩ ấy đưa anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa bước vào "cuộc chiến mới" với tâm thế mới.

Nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nhân, một ấn phẩm chuyên ngành về lĩnh vực sáng tác-nghiên cứu lý luận-phê bình văn học nghệ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh là anh chấp nhận bao khó khăn, thử thách. Anh luôn lắng nghe ý kiến của người khác để điều chỉnh bản thân, chịu khó, kiên trì, tận tâm đến cùng trong công việc.

leftcenterrightdel

Tác phẩm "Trước giờ huấn luyện" (sơn dầu 120 x 150cm). Tranh của VŨ XUÂN DƯƠNG

Đam mê trên từng nét vẽ, đôi khi, anh tìm cho mình những phút giây yên tĩnh, lắng nghe ríu ran tiếng chim, ngắm từng nhành hoa, hít thở cái nồng say của cỏ cây đất trời, hoài niệm về thời thơ ấu ở "Quê nội", nơi anh đau đáu, tìm về. Có những lúc, người họa sĩ "Thăng hoa" để lắng sâu vào tâm hồn mình, trầm tĩnh trước những gì đã và đang diễn ra xung quanh bằng cái nhìn có chút gì đó mang màu sắc tâm linh, hướng con người vươn tới cái đẹp đúng nghĩa. Bao nhiêu năm xa rời quân ngũ, nhưng chất bộ đội vẫn hiện hữu trong người cựu chiến binh, vẫn đau đáu "Trước giờ huấn luyện", vẫn vững tin những đồng đội của mình luôn làm chủ bầu trời, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.

Từng tác phẩm, anh dồn vào đó cả tâm lực, trí lực để nét bút linh hoạt, chủ động, khiến sự vật trong những bức tranh trở nên sống động, có hồn. Mỗi bức tranh thể hiện những góc nhìn khác nhau về ký ức, hiện thực đời sống, về những nơi mà nghệ sĩ đã trải qua, chiêm nghiệm và đúc kết bằng cảm xúc. Đằng sau những bức tranh, người ta có thể nhìn ra một Vũ Xuân Dương gửi gắm ẩn ý trong hiện thực của đời thường, vượt qua mọi thăng trầm, vươn tới những thành công nhất định. Nói về những tác phẩm của mình, Vũ Xuân Dương bộc bạch: “Nghệ thuật đối với tôi là sự tận hưởng. Tôi cảm nhận cuộc sống và biểu đạt lại nó dưới góc nhìn cá nhân, với chất xúc tác là cảm xúc nội tại. Tôi nhìn cuộc sống một cách nhẹ nhàng và tôi hiểu chỉ khi chúng ta nhìn thế giới một cách thuần túy nhất, tinh khôi nhất, lúc ấy chúng ta mới diễn tả lại thế giới được”.

leftcenterrightdel

Tác phẩm "Biển đảo Tổ quốc tôi" (sơn dầu 120cm x 140cm). Tranh của VŨ XUÂN DƯƠNG

Bên cạnh một loạt giải thưởng trong các cuộc triển lãm tranh ở Trung ương, khu vực và tỉnh Nam Định, anh còn có hai tác phẩm đoạt giải của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Tháng 10-2022, triển lãm mỹ thuật “Từ chuyến xe số 18” tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội), anh cùng con trai Vũ Tuấn Việt để lại ấn tượng khó phai với đông đảo người yêu hội họa về một cây cọ đầy nội lực. Như lời phát biểu của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khi cắt băng khai mạc triển lãm của anh: “Tranh của Vũ Xuân Dương đánh động chúng ta bằng những xúc cảm, mang tinh thần người Việt, mang cái chất Thành Nam, nơi đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài. Văn hóa Thành Nam cũng là một nét văn hóa rất đặc biệt trong văn hóa của người Việt. Và tôi cho là những điều đó đã tạo nên một bút pháp Vũ Xuân Dương”.

Mỗi bức tranh là một nét đời. Mỗi bức tranh là một sáng tạo, một suy tư, một lát cắt cuộc sống. Vẫn còn phía trước con đường dài cho những đam mê, những trải lòng trên từng nét vẽ để tạo nên nét rất riêng Vũ Xuân Dương, một dấu ấn của hội họa Nam Định. 

PHẠM HỒNG LOAN