Tùng Vỹ sinh năm 1964 tại Hà Nội. Tốt nghiệp THPT, anh có 3 năm phục vụ trong quân ngũ, lăn lộn ở nhiều vùng rừng núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau khi xuất ngũ, Tùng Vỹ trở về quê hương, tiếp tục sự nghiệp học tập và thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp). Năm 1997, anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế nội ngoại thất (nay là ngành thiết kế nội thất).

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, mọi công việc đi xa theo các công trình phải dừng lại, các hoạt động giao lưu, gặp gỡ bạn bè cũng ngừng theo quy định giãn cách xã hội nên thời gian đó, Tùng Vỹ đã “đóng cửa nằm nhà” vẽ mải miết. Như anh tâm sự là trong khó khăn, thách thức lại mở ra cho anh những cơ hội mới để thực hiện niềm đam mê hội họa. Thế giới trừu tượng ấp ủ bao lâu giờ được anh bung ra, những không gian tung tẩy, khi sặc sỡ lúc tỏ mờ, lúc tuôn trào khi róc rách thầm thì, những ký ức “mộng mị” cùng những “giấc mơ nồng nàn” về bao cảm xúc được tự do tuyệt đối tuôn đổ trong mỗi bức tranh tưởng như núi lửa không có kết thúc về những dòng chảy ký ức miên man căng tràn khát vọng sống, khát vọng của đam mê, của khát khao vô định...

Dường như Tùng Vỹ vẽ để “cảm thấu” về một không gian mênh mang, vô định mà ta đang sống, sẽ sống nhưng bị lãng quên, bị lý trí “trói chặt” và “bê tông hóa” mỗi ngày. Vì thế mà xem tranh của anh rất dễ bị cuốn hút, bị thôi miên trong những dòng chảy ấy, ký ức vô thức trong ta vốn nằm sâu trong thăm thẳm giờ như trồi sinh, động cựa vươn mình... Xem tranh Tùng Vỹ để cảm thấy “tự do đang phun trào” đang “lao xao” qua từng nét, từng màu, tiếng thì thầm của “những sắc màu hư ảo” vốn có trong mỗi người giờ đang hiện ra bao la và hùng vĩ xiết bao.

leftcenterrightdel

Sinh sôi. Tranh của họa sĩ TÙNG VỸ

Xem tranh Tùng Vỹ còn để hiểu ra, đằng sau một người họa sĩ đa tài hiền lành, nhút nhát, “không rượu bia trà thuốc, không dép guốc găng tơ, không ngu ngơ khờ khạo” là một Tùng Vỹ lặng thầm không phô trương ầm ĩ nhưng đầy khát khao và quyết đoán, một khả năng sáng tạo phi thường... Nếu không thế thì làm sao mà trong 3 năm (2020-2023) Tùng Vỹ đã vẽ được hơn 1.000 bức tranh, mà tranh toàn khổ to...

Đến nhà riêng của Tùng Vỹ trong ngách 29/21 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội hiện nay, dễ dàng nhận thấy từ đầu ngõ đến chân cầu thang, từ phòng khách, phòng ngủ, từ nóc tủ đến gác xép đều xếp đầy tranh. Thời gian qua đã có nhiều nhà sưu tập tranh khắp nơi để mắt đến Tùng Vỹ, nhiều người đến mua tranh xếp đầy cả xe về trang trí các khu biệt phủ, các khách sạn từ phố đến quê. Các ngôi nhà vốn “yên tĩnh, lý tính mọi góc nhìn” thì chỉ cần một bức cuồn cuộn của Tùng Vỹ là phá tan cái yên tĩnh trầm mặc ấy. Còn căn nhà “âm u lạnh lẽo” muốn trở nên náo nhiệt thì chỉ cần vài bức trừu tượng tung tăng, hân hoan, bỏng rát của Tùng Vỹ là “dịu dàng, đoan trang” trở lại ngay tức thì.

Triển lãm “Giấc mơ nồng nàn” lần đầu tiên tổ chức vào tháng 3-2023, Tùng Vỹ đã trở thành một “hiện tượng” về kỷ lục bán tranh của các họa sĩ. Với 60 bức tranh treo tại triển lãm, khi kết thúc chỉ thu về có 19 bức, tức là đã có 41 bức được các nhà sưu tập cùng người yêu tranh mua về. Điều đó cho thấy công chúng hôm nay đã quan tâm đến tranh Tùng Vỹ nói riêng và xu thế chơi tranh trừu tượng nói chung.

Những ngày này, Tùng Vỹ vẫn đang hăm hở vẽ để chuẩn bị cho triển lãm “Xuân Thì” dự định tổ chức đầu năm 2024 tới tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Hy vọng là anh sẽ có nhiều bất ngờ nữa trong các tác phẩm và lập thêm kỷ lục bán tranh trong năm 2024.

Họa sĩ LÊ TIẾN VƯỢNG