Từ cái nôi văn hóa dân gian
Nguyễn Xuân Bắc được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm. Năng khiếu âm nhạc và niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc của anh được nuôi dưỡng từ hai cái nôi đậm đà bản sắc văn hóa dân gian. Quê nội ở Nghệ An nhưng anh sinh ra ở quê ngoại (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Tuổi thơ anh gắn bó với cái làng nhỏ, nằm giữa cánh đồng trù phú thẳng cánh cò bay và giàu truyền thống nghệ thuật. Ngay từ bé, Nguyễn Xuân Bắc đã được nghe mẹ hát ru và dân ca Đồng bằng Bắc Bộ. Nằm trên cánh võng, giọng hát ngọt ngào của mẹ đung đưa theo anh vào giấc ngủ.
Thuở ấy, trong làng có một đội tuồng nam. Mỗi lần ông ngoại đi tập hát hay biểu diễn, cậu bé Bắc đều đòi đi theo. Nghe các cụ tập hát, anh thường lẩm nhẩm hát theo. Cứ thế, âm nhạc ngấm dần, ngấm dần vào tâm hồn anh một cách tự nhiên như hơi thở. Lên 6 tuổi, cả gia đình anh chuyển về TP Vinh (Nghệ An) sinh sống. Đây là một vùng quê nằm ven bờ sông Lam, nổi tiếng với các điệu ví, giặm câu hò sâu lắng. Đêm đêm, anh thường theo đám trẻ con trong làng đi xem hát phường vải ngoài sân đình. Tiếng nhạc réo rắt, dìu dặt, giọng hát mượt mà, da diết đã neo vào tiềm thức cậu bé Bắc.
Lớn lên, anh Bắc đến với nghệ thuật chuyên nghiệp như một cơ duyên của cuộc đời. Trước đây, bố anh công tác tại Trường VHNT Nghệ Tĩnh. Nhà ở trong khu tập thể, phía sau trường nên hằng ngày anh vẫn thường lẽo đẽo theo bố vào trường chơi. Trong khi bố làm việc, anh thơ thẩn, lang thang hết phòng nọ sang phòng kia, xem các anh chị tập hát, tập đàn, tập múa. Đặc biệt, âm thanh lúc trầm lặng, lúc thanh thoát, lúc trong sáng của tiếng đàn nguyệt và âm thanh dồn dập, âm vang của trống có sức hút kỳ lạ với anh. Mỗi lúc thầy dạy, anh thường nấp sau cánh cửa, chăm chú nghe, người nhún nhảy, những ngón tay dập dờn theo từng giọt thanh âm vọng ra. Anh có khả năng ghi nhớ âm thanh khá tốt. Nghe một đoạn nhạc, anh có thể đọc lại hoặc huýt sáo lại chính xác các nốt. Nhìn các anh chị lướt tay trên những phím đàn, tung dùi trên mặt trống, toàn thân lắc lư theo điệu nhạc, anh vô cùng thích thú và thầm ước ao. Cứ sau mỗi buổi học, anh lại sang trường, sà vào các lớp học đàn, say sưa với các giai điệu cho đến tối mịt mới trở về nhà. Trong một lần thấy thầy giáo ra ngoài, anh chạy vào lớp xem các anh chị tập trống. Nghe một học sinh đánh lại đoạn nhạc thầy giáo vừa hướng dẫn bị sai, anh nhanh nhảu đọc lại những nốt nhạc vừa nghe được. Đúng lúc đó, thầy giáo đi vào, nhìn anh tủm tỉm cười và động viên anh học thử.
Bất ngờ, mấy hôm sau thầy giáo xuống nhà gặp bố mẹ anh. Nhìn thấy thầy, anh băn khoăn, lo lắng không biết có chuyện gì. Anh nép vào cửa sổ, nghe cuộc nói chuyện của thầy giáo và bố mẹ. Thầy nói anh rất có năng khiếu, thẩm âm tốt, nhớ nốt nhạc nhanh và khuyên bố mẹ nên cho anh đi theo con đường âm nhạc. Sau này, anh mới biết, đó là nghệ sĩ Vũ Xuân Thành-người thầy đầu tiên của anh trên con đường âm nhạc. Nghe thế, Xuân Bắc vui mừng khôn xiết. Đứng sau cửa sổ, anh nhảy cẫng lên, chỉ muốn hét thật to nhưng sợ bị phát hiện nên phải cố nén lại. Sau khi thầy giáo về, bố mẹ gọi anh vào và hỏi ý kiến. Anh đồng ý ngay và xin bố mẹ dự thi luôn vào Trường VHNT Nghệ Tĩnh.
Năm 1983, Nguyễn Xuân Bắc đạt thủ khoa đầu vào hệ sơ trung (7 năm) của Trường VHNT Nghệ Tĩnh. Được thỏa chí, anh hăng say, miệt mài học tập. Trừ những lúc học văn hóa, thời gian còn lại, tay anh luôn gắn với cây đàn. Ngồi vào đàn, anh như quên cả thời gian, có nhiều hôm, bố mang roi ra dọa đánh mới thả đàn xuống để ăn cơm và học văn hóa. Cầm đàn đến trường, cứ góc nào vắng người là ngồi bệt xuống đất, dựa vào gốc cây mà đánh. Mỗi khi ở trường có phòng trống, anh lại trốn vào đó tập cả buổi. Đàn nguyệt dây cứng, da tay còn mỏng nên có lúc bị đứt tay, máu rỉ ra cả dây đàn. Những lúc đó, anh không có cảm giác đau mà vẫn say sưa tập tiếp. Không chỉ tập các bài thầy giao mà cứ nghĩ được đoạn nhạc nào, anh lại tự dò để tập. Giai điệu gì đập vào tai, anh cũng đều quy thành nốt, chuyển vào đàn để đánh. Vì thế, trong suốt 7 năm học, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một học viên.
Sau khi học xong, năm 1989, Nguyễn Xuân Bắc về Đoàn Ca múa nhạc Hương Sen-Nghệ An. Anh tốt nghiệp chuyên ngành đàn nguyệt nhưng ở đoàn không có môn đàn nguyệt nên chuyển sang đánh trống nhạc nhẹ và cả ca kịch. Thời đó, anh rất ngưỡng mộ các nhạc sĩ: Mai Cường, Mạnh Chiến, Lê Hàm. Là nhạc công, anh luôn cháy hết mình trong từng đêm biểu diễn. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, anh vẫn luôn có một khát khao cháy bỏng là trở thành nhạc sĩ. Hai năm sau, anh xin bố mẹ cho thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Điều kiện kinh tế gia đình anh lúc đó rất khó khăn, cộng với việc không yên tâm khi để anh một mình ngoài Hà Nội nên lúc đầu bố mẹ anh không đồng ý. Nhưng với lòng quyết tâm, anh năn nỉ, thuyết phục bố mẹ bằng mọi cách. Dần dần, bố mẹ anh cũng xuôi lòng.
Năm 1991, bố con Nguyễn Xuân Bắc khăn gói ra Hà Nội đi thi. Mặc dù khát khao học đại học sáng tác nhưng chưa có điều kiện để thi thẳng vào nên anh quyết định thi nhạc cụ và đỗ thủ khoa chuyên ngành nhạc cụ dân tộc. Học nhạc cụ dân tộc nhưng anh vẫn ấp ủ ước mơ được học sáng tác để trở thành nhạc sĩ. Vì thế, song song với việc học đàn, anh lân la làm quen với các anh chị học sáng tác, nhờ họ chỉ bảo và giới thiệu thầy để học thêm về sáng tác. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành nhạc cụ dân tộc, anh thi luôn vào đại học ngành sáng tác và chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội (khóa 1995-1999).
|
|
NSND Nguyễn Xuân Bắc (bên trái) biểu diễn đàn t'rưng tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga trong lần tham dự Army Games 2021. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Nỗ lực bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc
Nếu như âm nhạc đến với anh từ niềm đam mê thì việc anh trở thành giảng viên Trường Đại học VHNT Quân đội lại là một cơ duyên. Anh bắt đầu giảng dạy tại Trường Trung cấp VHNT Quân đội từ năm 1994, với vai trò là giáo viên cộng tác của Khoa Nghệ thuật dân tộc. Nhưng với lòng say mê cùng khát vọng cống hiến, anh đã góp phần nhỏ bé vào sự phát triển của nhà trường và Khoa Nghệ thuật dân tộc và Miền núi. Từ một giảng viên cộng tác, anh được tuyển dụng vào biên chế, chuyển quân hàm sĩ quan và được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm khoa (năm 2011). Anh là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên để Khoa Nghệ thuật dân tộc và Miền núi phát triển như ngày hôm nay.
Nhớ lại những ngày đầu mới về công tác tại khoa, anh trầm ngâm: “Khi khoa mới thành lập, mọi thứ đều thiếu: Thiếu giáo viên, thiếu giáo trình, tài liệu, thiếu nhạc cụ phục vụ giảng dạy và thực hành... Vì thế, để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, anh cùng một số thầy cô vừa giảng dạy, vừa biên soạn giáo trình, tài liệu, vừa sưu tầm các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống. Người ít, khối lượng công việc nhiều, khó khăn chồng chất nhưng anh và các đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình, miệt mài “truyền lửa”, say mê nghiên cứu, chăm chỉ sưu tầm". Ngoài ra, anh còn tham gia công tác tuyển sinh của nhà trường. Suốt nhiều năm liền, anh cùng đoàn tuyển sinh không quản đường sá xa xôi, hiểm trở, lặn lội đi sâu vào các thôn xóm, bản làng thuộc các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để tuyển sinh con em của đồng bào các dân tộc thiểu số. Gian khổ không thể kể hết nhưng hạnh phúc vô biên khi anh góp phần phát hiện, đào tạo được nhiều tài năng âm nhạc cho đất nước.
Là một nghệ sĩ-chiến sĩ, anh vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, vừa sáng tác, dàn dựng chương trình, vừa tham gia biểu diễn. Mỗi tác phẩm, mỗi tấm huy chương là bao sức lực, tâm trí của nhiều đêm anh trằn trọc tâm huyết. Có những tác phẩm viết xong rồi lại xóa, sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu lần. Có những thời điểm vừa đi đường vừa nghĩ ý tưởng, nhiều đêm không ngủ, bỗng trong đầu lóe lên một ý tưởng là bật ngay dậy, ngồi vào bàn miệt mài làm việc đến tận sáng... Mười năm nay, trên cương vị là Chủ nhiệm khoa, dù đảm nhiệm cùng lúc nhiều chức trách, nhiệm vụ khác nhau nhưng ở vị trí nào, anh cũng hoàn thành tốt, nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và cống hiến trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật Quân đội, anh được Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: NSND, Chiến sĩ thi đua toàn quân, Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng và nhiều hình thức khen thưởng khác. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng anh vẫn dành thời gian học tập để nâng cao trình độ. Hoàn thành chương trình cao học năm 2007, đến năm 2018, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Đàn broh của người Ê Đê”, chuyên ngành văn hóa học tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Gần 30 năm trong sự nghiệp, anh được trao thưởng 8 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 2 giải nhì trong các kỳ liên hoan nhạc cụ truyền thống toàn quốc; bằng chứng nhận, bằng khen “Nhạc sĩ có nhiều sáng tác hiệu quả”... và nhiều giải thưởng âm nhạc.
Trò chuyện với Đại tá, TS, NSND Nguyễn Xuân Bắc, tôi cảm nhận được ở anh niềm đam mê bất tận đối với âm nhạc, nhất là nhạc cụ dân tộc. Nó là mạch nguồn của khát vọng, động lực của lao động nghệ thuật bền bỉ và là ngọn lửa thổi bùng lên khả năng sáng tạo trong anh. Nhờ có đam mê, anh đã “đốt cháy" được nguồn năng lượng dồi dào của bản thân, vượt lên mọi gian nan, thử thách để thành công và thành danh. Đặc biệt, anh đã truyền được ngọn lửa đó cho các thế hệ học trò; tìm kiếm, ươm mầm hạt nhân để bảo tồn, phát triển âm nhạc truyền thống, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
TS NGUYỄN THỊ THÚY HÀ