Tận tụy “ba cùng”

Vóc người rắn rỏi, gương mặt hồn hậu và giọng nói lưu loát, truyền cảm của chàng trai lớn lên từ quê lúa Thái Bình ấy cho tôi những dự cảm tươi lành về một nhân tố mới trong công tác dân vận của BĐBP tỉnh Quảng Trị. Quả thực, nhiều năm sau này, cùng với sự trưởng thành trong đội ngũ của những chiến sĩ quân hàm xanh, Nguyễn Văn Bằng đã ghi tên mình trên những sáng kiến mới, những mô hình, phong trào hay, tạo nên sức lan tỏa trong BĐBP và truyền cảm hứng cống hiến, dấn thân cho thanh niên cả nước.

Ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng loại giỏi, Nguyễn Văn Bằng được giữ lại làm giảng viên của học viện. Rồi khi biên cương lên tiếng gọi, anh nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Sự tháo vát và khả năng tư duy vượt khó của anh đã được đồng đội và nhân dân ghi nhận, mệnh danh là người cán bộ “giỏi một việc, biết nhiều việc”.

Nơi biên cương miền Tây, dù ở địa bàn vùng đồng bào Pa Kô hay vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Nguyễn Văn Bằng cũng luôn tâm niệm mình phải là cây cầu kết nối nghĩa Đảng, tình dân, vun đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Quân đội. Vậy là anh mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương nhiều chính sách, hỗ trợ để giúp người dân ổn định cuộc sống, tìm kiếm cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Nguyễn Văn Bằng tâm sự, đồng bào là những người chân chất thật thà, nếu nói mà không làm thì lời nói cũng như lá cây trôi theo dòng nước, đồng bào chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe, những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho đời sống thì họ mới tâm phục, khẩu phục. Nhưng đâu phải mô hình sinh kế nào khi khởi xướng cũng được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Vậy là Nguyễn Văn Bằng lại ngày ngày đến từng gia đình, thủ thỉ điều hơn lẽ thiệt, khơi dậy trong đồng bào niềm tự hào về những năm tháng chiến tranh đã giúp Đảng, giúp cách mạng gùi đạn, gùi gạo, đánh thắng giặc ngoại xâm. Rồi anh cùng đồng đội giúp đỡ nhân dân đào ao, gặt lúa, phơi thóc, kèm cặp các em nhỏ học hành. Tình cảm chân thành là “chìa khóa” giúp anh tháo bỏ những băn khoăn, gút mắc trong lòng mỗi người dân để rồi bà con đồng ý cùng BĐBP thay đổi phương thức canh tác, tạo nên những mùa vàng no ấm.

Nặng tình trẻ thơ

Khi cuộc sống của đồng bào tạm no ấm, thì sự học cũng được những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay chú tâm hơn. Nguyễn Văn Bằng có thêm một “sứ mệnh đặc biệt” là phụ trách việc hỗ trợ hai học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và một học sinh người Lào do đơn vị nhận đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Khi ấy, anh rất lo bởi mình chỉ mới 26 tuổi, chưa có người yêu nói gì đến chuyện “làm bố”! Nguyễn Văn Bằng cố gắng đọc sách, báo để tìm hiểu tâm lý của trẻ và tìm cách phù hợp động viên, hướng dẫn các em từ lời ăn tiếng nói, phương pháp học tập cho đến cách sinh hoạt, vệ sinh cá nhân...

Tình yêu thương của ông bố trẻ ấy còn được chia sớt cho hàng trăm em học sinh khác. Mô hình “Ổ bánh mì biên giới” như cơn gió lành, giúp no lòng những đứa trẻ vùng cao ham cái chữ. Kể từ năm 2018 đến nay, học sinh các cấp trên địa bàn các xã A Ngo, A Bung đã không phải đến trường với cái bụng đói chỉ toàn nước lã. Bởi, cùng các em trên đường đến trường là các chú BĐBP với những chiếc bánh mì nóng và phần sữa ngọt lịm môi.

leftcenterrightdel

Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng cùng bà con kiểm tra mô hình trình diễn giống ngô nếp dẻo ngọt TBM18. 

Đại úy Nguyễn Duy Thánh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay kể cho chúng tôi: “Do thấy các cháu nhịn đói đi học tội nghiệp quá, chúng tôi đã nhất trí với ý kiến tham mưu của đồng chí Nguyễn Văn Bằng, phát động anh em trong đơn vị trích lương mỗi người chừng 100.000-200.000 đồng mỗi tháng để có kinh phí mua bánh mì và sữa cho trẻ. Đều đặn lúc 6 giờ sáng ngày đầu tuần và cuối tuần, cán bộ, chiến sĩ Đội Vận động quần chúng sẽ phát bánh mì tới các em ở các trường học khu vực trung tâm xã. Ngoài ra, cũng hai lần mỗi tuần, sẽ có cán bộ vận chuyển bánh mì đến cho học sinh mầm non ở 19 chòm bản xa”.

Cũng tại đất này, khách phương xa chớ đừng ngạc nhiên khi bắt gặp những em thơ làu làu thông hiểu các kiến thức về biên giới quốc gia, về trách nhiệm của cư dân biên giới hay những kỹ năng sống, kỹ năng thoát nạn ở trong rừng, nơi sông suối... Bởi lẽ đơn giản là các em được học những điều thiết yếu ấy từ “Tiết học biên giới” qua phần giảng đầy hứng khởi của thầy giáo Nguyễn Văn Bằng.

Giáo án cho “Tiết học biên giới” được anh xây dựng với các chuyên đề phù hợp từng cấp học, đồng thời sử dụng phần mềm trình chiếu có minh họa hình ảnh sống động. Những nội dung khác như: Tác hại của ma túy, tội phạm mua bán người, sử dụng vũ khí tự chế và vật liệu nổ... cũng được lồng ghép vào các tiết học để các em có ý thức phòng tránh. Với các tiết học tại thực địa, học sinh và thầy, cô giáo được tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và giới thiệu về cột mốc cũng như quy trình tuần tra đường biên, cột mốc... của BĐBP.

Không chỉ là tác giả của những sáng kiến mang nặng nghĩa tình quân dân như: “Tiết học biên giới”, “Ánh sáng vùng biên”, “Ổ bánh mì biên giới”, “Cánh đồng kiểu mẫu trên biên giới”..., cùng quá trình công tác, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng còn là chủ nhân của rất nhiều danh hiệu, bằng khen, được tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu của BĐBP năm 2017; danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích xuất sắc, góp phần phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, đảng viên xuất sắc cấp cơ sở...

Biên cương là quê hương

Mới đây, tôi gặp lại người sĩ quan trẻ ấy giữa bát ngát cánh đồng mẫu lớn trên biên giới Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Những nương bắp chắc hạt, những khoảng ruộng lúa ngậm đòng khiến không gian ngày hè như tan loãng trong hương đồng gió núi tinh khôi.

Nguyễn Văn Bằng tâm sự, khi về đơn vị nhận nhiệm vụ mới là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng, anh đã nghiên cứu khá kỹ địa hình và thổ nhưỡng cũng như tập quán canh tác của nhân dân địa phương. Anh tìm hiểu và được biết, người dân không cấy lúa nhiều năm nay do nguồn giống bị thoái hóa, sinh trưởng dài ngày, chịu sâu bệnh kém. Khi gặp khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, cây lúa thường không phát triển dẫn đến lép hạt, năng suất kém. Thường bà con nơi đây chỉ cấy có vụ đông xuân, còn vụ hè thu, họ bỏ hoang ruộng dù có hệ thống thủy lợi tưới tiêu bảo đảm.

Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, bởi hôm nay, cũng trên đất ấy, cũng bởi những người dân thuần hậu này, giống ngô nếp TBM18 đã cho thu hoạch ngoài mong đợi và bộ đôi lúa giống TBR97, TBR225 được Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng mang từ quê hương Thái Bình vào đây đã vào vụ hè thu sau vụ đông xuân thắng lợi. Cây lúa miền xuôi bén rễ đất vùng biên sinh trưởng tốt, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh và thời tiết mưa lạnh, chất lượng gạo thơm, ngon.

Tại hội nghị đầu bờ đánh giá chất lượng lúa giống mới, người dân từ bản gần, bản xa đều tha thiết đề nghị Đồn Biên phòng tiếp tục hỗ trợ giống và kỹ thuật canh tác để gieo trồng vụ tới. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Hướng Phùng lại có thêm một nhiệm vụ “dân giao” là trở thành cầu nối và là điểm tiêu thụ lúa gạo giúp bà con có thêm thu nhập.

Bữa ấy, bữa cơm đoàn kết mà gia đình đồng chí Hồ Văn Phoi, Bí thư Chi bộ thôn Bụt Việt mời chúng tôi thêm vui khi những hạt cơm mới thơm nức trên bát. Anh Phoi bảo: “Không chỉ tận tâm hướng dẫn bà con, mà bộ đội Bằng và cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã cùng chúng tôi cải tạo đồng ruộng, cày, phay đất, ngâm ủ giống để kịp khung thời vụ. Được bộ đội hướng dẫn, làm cùng, giờ ai cũng quen việc, đọc và nhớ được tên tất cả giống lúa mới. Vì thế, tôi và nhiều người dân trong thôn đồng lòng cho đơn vị mượn ruộng trên cánh đồng Bụt Việt để tiếp tục thử nghiệm “Cánh đồng kiểu mẫu trên biên giới”.

Những ngày vui đã qua, những ngày trước mắt vẫn còn nhiều vất vả, nhưng người sĩ quan biên phòng Nguyễn Văn Bằng vẫn luôn sáng nụ cười, rạng rỡ ánh mắt khi nói về những ý tưởng mới cho quê hương biên giới. Thế mới biết, khi mồ hôi, nước mắt đổ xuống đất, niềm vui, nỗi buồn chia cùng người thì đất ấy, người ấy đã trở thành máu thịt của mình rồi. Với Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, hơi ấm của tình đất nước, nghĩa biên cương và tình quân dân thắm đượm chính là động lực lớn lao nhất, là sự động viên ý nghĩa nhất để anh cùng đồng đội luôn vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách nơi địa đầu phên giậu. 

Bài và ảnh: PHẠM VÂN ANH