Người thương binh "tàn nhưng không phế"

Trong tiết trời thu một ngày tháng 8, mảnh đất Đông Anh chào đón chúng tôi bằng cơn gió thổi nhè nhẹ, những ruộng lúa xanh rì đắm mình trong nắng vàng rực rỡ. Được người dân địa phương tận tình chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà CCB Phạm Văn Năm. Phía bên ngoài căn nhà ông Năm ở là cửa hàng làm lốp ô tô khá khang trang, luôn nhộn nhịp khách vào ra.

Khi chúng tôi tới, cũng là lúc ông Năm vừa đi lấy hàng trở về. Ông có dáng người cao gầy, mặc chiếc áo bộ đội đã bạc màu cỏ úa, lưng áo đẫm mồ hôi. Nhìn người lính già xách rồi xếp dọn những chiếc lốp xe to nặng, có lẽ ít ai nghĩ ông Năm là một thương binh có tỷ lệ thương tật tới 57%. Đôi tay ông từng ngót chục năm cầm súng trên chiến trường năm xưa.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Văn Năm (bên phải) cùng đồng đội 

Ông Năm kể, ông nhập ngũ năm 1972, tại Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, Quân khu 7, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Năm 1981, ông xuất ngũ, may mắn được trở về quê hương nhưng mang trên mình nhiều vết thương. Ông bị mảnh đạn M79 của địch ghim vào đầu và làm vỡ xương bàn chân trái... Mỗi khi trở trời là vết thương lại tái phát, đầu ông đau như búa bổ. Còn bên chân trái cứ đứng hay ngồi lâu lại đau nhức tê dại.

Mặc dù suy giảm khả năng lao động nhưng không vì thế ông Năm cho mình ngơi nghỉ. Ông luôn cần mẫn với công việc sửa xe. Thời gian đầu, kinh tế gia đình khó khăn, ông lựa chọn nghề sửa chữa xe đạp để kiếm sống. Mỗi khi cần phụ tùng sửa xe, ông đạp xe hơn 20 cây số sang chợ Hòa Bình bên quận nội thành để mua phụ tùng. Và công việc sửa xe, buôn bán phụ tùng đã giúp kinh tế gia đình ông Năm dần được cải thiện.

Năm 1998, nhận thấy nhu cầu của xã hội, ông chuyển hướng sang sửa chữa, làm lốp ô tô. Hiện nay, cửa hàng làm lốp ô tô của ông luôn ổn định khách hàng. Trung bình ông làm lốp khoảng 20 xe mỗi ngày. Cửa hàng của ông luôn được khách hàng tin tưởng bởi tay nghề của những người thợ rất tốt, giá cả lại phải chăng. Có ngày số lượng xe đến làm lốp, thay lốp lên đến gần 50 chiếc. Khách hàng đông giúp ông Năm có được thu nhập ổn định. Ông Năm cũng nhiệt tình giúp đỡ, nhận 5 thanh niên địa phương vào làm việc tại cửa hàng của mình. Ông hướng dẫn, đào tạo nghề và giúp mỗi người có được thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. “Tôi thay bộ lốp xe ô tô ở cửa hàng của chú Năm rẻ hơn so với chỗ khác khoảng gần 1 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Mạnh-người địa phương, đang thay lốp xe tại cửa hàng, phấn khởi cho biết.

Ngoài việc bận rộn ở cửa hàng, ông Năm luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội CCB xã Nam Hồng, huyện Đông Anh. Hằng năm, ông vận động CCB xã và người dân tham gia ủng hộ quỹ vì biển, đảo; quyên góp để hỗ trợ người dân miền Trung có hoàn cảnh khó khăn do lũ lụt, thiên tai... Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, ông xung phong trực gác tại các điểm chốt của xã; cùng hội CCB quyên góp được 4 tấn gạo và 28 triệu đồng tiền mặt ủng hộ các gia đình khó khăn ở địa phương bị ảnh hưởng bởi đại dịch; đồng thời quyên góp và trao tặng 100 bộ đồ bảo hộ chống dịch cho trạm y tế xã và những người tham gia trực chốt tại địa phương... Khi tâm sự với chúng tôi về những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam gian khổ, ác liệt, nhất là nhắc về những đồng đội đã hy sinh, đôi mắt ông đẫm lệ. Ông bảo: "Tôi may mắn hơn những đồng đội đã hy sinh là được trở về, vì thế tôi tâm niệm phải luôn cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho xã hội, giúp đỡ những đồng đội, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Như thế là tôi đã thực hiện tốt lời Bác Hồ kính yêu căn dặn: Thương binh "tàn nhưng không phế".

Cầu nối đoàn tụ

Hơn 30 năm làm nghề sửa xe, làm lốp, ông Năm luôn có thói quen để dành 1 triệu đồng mỗi tháng để thực hiện công việc đi tìm kiếm hài cốt đồng đội. Khi chúng tôi hỏi lý do vì sao ông luôn đau đáu và dành nhiều thời gian cho công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ như vậy, ông xúc động, đôi mắt đỏ hoe khi nhắc lại quá khứ:

- Tôi từng chứng kiến nhiều đồng đội anh dũng hy sinh trong các trận đánh. Ngày đó, nhiều lần tôi gạt nước mắt cõng những đồng đội hy sinh trở về tuyến sau và an táng họ. Giờ đây, vẫn còn những đồng đội nằm đâu đó trong các cánh rừng ở chiến trường xưa, hay nghĩa trang nào đó nhưng chưa thể trở về quê hương. Nghĩ về điều đó, tôi luôn day dứt, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Tôi đã tìm đến nhiều gia đình để thông tin và giúp đỡ họ việc tìm hài cốt liệt sĩ ở một số địa phương phía Nam.

Từ năm 2012 đến nay, ông Năm cùng nhóm CCB Hà Nội (gồm các CCB Sư đoàn 5 sinh sống tại Hà Nội) vào miền Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Mặc dù công việc vất vả nhưng ông Năm và các CCB luôn kiên trì thực hiện với sự thúc giục từ sâu thẳm trái tim mình. Nhiều khi mộ liệt sĩ được tìm thấy, ông Năm và cả nhóm lại phải đến từng tỉnh, thành phố ở phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương... để tìm thân nhân gia đình liệt sĩ. Nhiều gia đình liệt sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, không đủ kinh phí chi trả, ông và nhóm CCB lại quyên góp để có điều kiện đưa hài cốt liệt sĩ trở về với gia đình. Nhờ tấm chân tình đó, những lần nhóm ông Năm và nhóm CCB Hà Nội đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương, gia đình và người dân địa phương đều rất xúc động. 

Vào dịp 27-7 hằng năm, ngôi nhà ông Năm luôn tấp nập người qua lại. Đó là đại diện của chính quyền địa phương, bà con hàng xóm, đồng đội và các gia đình từng được ông Năm giúp đỡ tìm kiếm hài cốt người thân là liệt sĩ đến thăm ông. Ông Năm đã tận tình giúp đỡ ông Nguyễn Bá Hưởng (thôn Tằng My, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh) tìm được hài cốt của người em trai là liệt sĩ Nguyễn Bá Lộc. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hưởng nghẹn ngào kể về em trai mình:

- Em tôi nhập ngũ năm 1972, là đồng đội của ông Năm tại Sư đoàn 5. Nhờ sự giúp đỡ, cung cấp thông tin của ông Năm nên gia đình mới biết được em Lộc hy sinh ngày 13-1-1975, ở ấp Thái Trị, tỉnh Kiến Tường (nay là tỉnh Long An) và được chôn cất tại Svay Rieng, Campuchia; sau này được Quân khu 7 quy tập về chôn cất tại nghĩa trang ở Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Năm 2002, gia đình tôi đã đưa được em Lộc trở về với quê nhà và an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Nam Hồng.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Văn Năm hằng ngày miệt mài với cửa hàng làm lốp xe của mình 

Trong những vị khách đến thăm ông Năm còn có chị Lương Tươi, đến từ tỉnh Hà Nam. Chị Tươi có cha là liệt sĩ Lương Văn Nhận, nhập ngũ tại Sư đoàn 5, hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1972. Gần 30 năm, chị và gia đình dày công tìm kiếm phần mộ của cha nhưng vẫn như mò kim đáy bể. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của ông Năm và nhóm CCB Hà Nội, gia đình chị Tươi đã tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Lương Văn Nhận.

Nhắc đến quá trình tìm kiếm hài cốt của cha, chị Tươi không kìm được nước mắt. Chỉ cần nghe thấy thông tin ở đâu về cha mình, chị lại lặn lội lên đường. Tin vui ập tới vào năm 2018, ông Năm cùng nhóm CCB Hà Nội đã xác định liệt sĩ Nhận được đồng đội cũ chôn cất tại tỉnh Svay Rieng, phía Đông Nam Campuchia. Vậy là chị Tươi lại khăn gói, cùng gia đình, ông Năm và nhóm CCB nhiều lần sang nước bạn tìm kiếm mộ cha. 

Trong lần tìm kiếm thứ 6 ở Campuchia, đội quy tập hài cốt xác định vị trí bên cạnh một cái ao lớn có thể là nơi chôn cất liệt sĩ Lương Văn Nhận. Sau hàng giờ đào quanh bờ ao, ai cũng mệt lả, người lấm lem bùn đất mà vẫn chưa thấy hài cốt liệt sĩ Nhận đâu. Chứng kiến hoàn cảnh ấy, chị Tươi lặng lẽ lau nước mắt, chị nghĩ thầm có thể một lần nữa không tìm thấy hài cốt của cha. Nhận thấy sự mong ngóng, dằn vặt của chị Tươi, ông Năm động viên mọi người phải cố gắng đào thêm 10 mét nữa. Khi mặt trời ngả dần về hướng Tây, có tiếng reo lên: Thấy rồi, thấy anh Nhận rồi! “Lúc này tôi nghe thấy tiếng khóc từ những đồng đội cũ của cha. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh những người lính già ôm nhau bật khóc sau nhiều năm tháng đi tìm kiếm hài cốt đồng đội. Cả đời tôi mang ơn bác Năm và những người CCB nhiệt huyết ấy” , chị Tươi tâm sự.

Không chỉ có gia đình chị Tươi, còn có rất nhiều gia đình ở các tỉnh, thành phố phía Bắc được ông Năm và nhóm CCB Hà Nội giúp đỡ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Chỉ riêng huyện Đông Anh đã có 7 gia đình được ông Năm giúp đỡ và tìm được hài cốt liệt sĩ. Ở tuổi 70, sức khỏe ông Năm cũng đã suy giảm, công việc bận rộn nhưng nếu có thân nhân liệt sĩ tìm đến mong muốn được ông giúp đỡ, ông luôn sẵn sàng.
Rời quân ngũ đã hơn 40 năm, trở về cuộc sống đời thường với những vết thương luôn hành hạ mỗi khi trái nắng, trở trời nhưng CCB, thương binh Phạm Văn Năm vẫn giữ nguyên tác phong và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Ông lại một lần nữa giành "chiến thắng" trên mặt trận mới và luôn tận tâm giúp đỡ đồng đội, thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công và nhân dân...

Bài và ảnh: HẢI ANH