Điều ước cuối cùng của mẹ

Đến bây giờ, Vũ Anh Tú vẫn nhớ như in chuyện về đêm 28 Tết năm ấy. Trong căn nhà ngói cũ kỹ, bên ánh đèn yếu ớt, hai mẹ con Tú cặm cụi chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền. Mẹ cẩn thận nhặt từng hạt sạn còn lẫn trong rá gạo nếp thơm lừng, còn Tú miệt mài lau sạch từng tàu lá dong xanh mướt.

"Năm hết Tết đến, tuy không được đủ đầy, đầm ấm như những gia đình khác, nhưng với em, đó là cả một khoảng trời hạnh phúc và tràn đầy yêu thương vì vẫn còn mẹ-người thân duy nhất trong gia đình. Bên ánh lửa bập bùng của nồi bánh chưng xanh, hai mẹ con ngồi lặng lẽ, chỉ có tiếng nổ lép bép phát ra từ bếp lửa. Bỗng mẹ thở dài một tiếng khe khẽ, theo sau là những tiếng ho khúc khắc, nhọc nhằn. Dường như mẹ đã linh cảm được điều gì đó sẽ đến với bản thân trong một ngày không xa...", Vũ Anh Tú nghẹn ngào kể lại.

Đêm về khuya, sau mấy lần cùng mẹ thay nước luộc bánh, đôi mắt Tú lịm dần theo ngọn lửa sắp tàn. Mẹ đưa tay ôm Tú và trải lòng về những suy nghĩ, mơ ước của cuộc đời. Dù chưa hiểu được nhiều về những tâm tư, nỗi niềm của mẹ, nhưng điều ước mùa xuân năm ấy đã hằn sâu trong tâm thức và đi theo Tú đến tận bây giờ. 

Vũ Anh Tú có một tuổi thơ không trọn vẹn. Tú sinh ra và lớn lên ở mảnh đất trung du, thuộc xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, ông bà ngoại mất sớm. Tú là kết quả của mối tình dang dở, em không được cảm nhận hơi ấm của bố ngay từ khi lọt lòng và đến giờ vẫn vậy. Trong những tháng ngày vất vả, hai mẹ con Tú chỉ biết dựa vào nhau để sống trên mảnh đất mà ông bà để lại. Mẹ là người thật thà, chất phác, không biết đi xe đạp, xe máy, không ngồi được ô tô vì luôn bị say xe..., cả đời chỉ biết lo việc đồng, việc nhà và vui cùng con nhỏ. Thật trớ trêu khi những tai ương không biết từ đâu cứ lần lượt kéo đến.

Sau Tết chưa đầy hai tháng, Tú bàng hoàng biết tin mẹ đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư quái ác. Tấm thân gầy guộc, nhỏ bé đã không đủ kiên cường để chống chịu với bạo bệnh. Có lẽ, trước đó mẹ đã nén đau, đã chịu đựng rất nhiều, nhưng có lẽ mẹ không dám nói bởi sợ Tú còn quá nhỏ để có thể chấp nhận sự thật phũ phàng ấy. 

Năm 2013, khi Tú 13 tuổi thì người mẹ kính yêu mãi mãi ra đi. Sau khi mẹ mất, Tú được người bác trai (là anh cả của mẹ) nuôi dưỡng. Những tưởng như thế là Tú đã có chỗ cưu mang, bấu víu, nhưng cuộc đời lại tiếp tục thử thách Tú. Năm 2014, người bác cũng đột ngột ra đi sau cơn đột quỵ. Chính vì vậy, năm lớp 11, Tú quyết định về ngôi nhà đơn sơ của hai mẹ con để bắt đầu cuộc sống mới.

Khi được hỏi về điều ước cuối cùng của mẹ, Vũ Anh Tú rưng rưng kể: "Cả đời mẹ em chỉ có một mơ ước, đó chính là điều ước trong mùa xuân cuối cùng mà hai mẹ con được bên nhau. Mẹ em nói: “Mẹ không thể bên con mãi, nên mẹ mong con chăm chỉ học hành, sau này thi vào đại học quân sự. Đảng, Nhà nước, Quân đội sẽ giáo dục, rèn luyện con nên người”. Di nguyện ấy chính là động lực thôi thúc Vũ Anh Tú không ngừng tiến lên phía trước dẫu cho cuộc đời có khó khăn và chông gai đến mấy.

Sau khi về ở một mình, mọi chi phí sinh hoạt của Vũ Anh Tú trông cả vào số tiền trợ cấp khó khăn, vỏn vẹn hơn 400.000 đồng/tháng. Dịp nghỉ hè, Tú tranh thủ đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cảm thông với hoàn cảnh éo le ấy, hàng xóm láng giềng và các thầy, cô, bạn bè đã luôn đồng hành, giúp đỡ Tú về mọi mặt. Vũ Anh Tú vô cùng biết ơn tình cảm của tất cả mọi người, nhất là cô Nguyễn Thị Hưng, giáo viên ngoại ngữ của Trường THPT Hiệp Hòa số 3-người đã thương yêu Tú như con ruột và trực tiếp nâng bước em vào đại học.

Hơi ấm đồng đội thay hơi ấm mẹ hiền

“Về đây đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em” là khẩu hiệu đầu tiên Vũ Anh Tú nhìn thấy khi nhập học tại Trường Sĩ quan Chính trị. Nghĩ về những ngày tháng sống không mẹ, không người thân, dòng chữ ấy sao ấm áp lạ thường. Vậy là từ nay, Vũ Anh Tú sẽ được sống trong tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao cả; được học tập, rèn luyện ở một ngôi trường vừa khang trang, hiện đại, lại vừa giàu tính nhân văn và thấm đượm tình thầy-trò.

Những ngày đầu quân ngũ, dẫu có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng bản thân đã trải qua cuộc sống lam lũ, vất vả từ nhỏ nên Vũ Anh Tú thích nghi rất nhanh. Không chỉ học tốt, rèn nghiêm, Tú còn tích cực tham gia các hoạt động chung, là thành viên Câu lạc bộ tiếng Anh, Câu lạc bộ Lý luận trẻ và Đội tuyển Olympic các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của đơn vị. Bên cạnh đó, nhờ thuần thục công việc đồng áng nên Tú cũng thường xuyên giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong quá trình tăng gia sản xuất, rèn luyện thể lực.

leftcenterrightdel

Vũ Anh Tú (khi còn là thượng sĩ, thứ hai, từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm học tập tại Tọa đàm thanh niên chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-2022). 

Xuân đầu tiên đối với những học viên năm thứ nhất luôn đem lại nhiều cảm giác đặc biệt. Nhìn đồng chí, đồng đội ai nấy đều phấn chấn đợi ngày về, Tú cũng muốn được như mọi người, muốn mua tặng mẹ tấm áo, mua cho em đôi dép, mua biếu bà chiếc khăn... song tất cả chỉ là suy nghĩ. Cũng có năm bản thân Tú có ý định xung phong ở lại trực Tết, nhưng phần sợ vườn không nhà trống, phần do chữ hiếu nặng lòng nên Tú vẫn về quê để làm những mâm cơm đạm bạc và thắp hương cúng mẹ trong 3 ngày Tết.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất, Vũ Anh Tú tâm sự: "Môi trường quân ngũ đã cho em cảm nhận sâu sắc được giá trị của tình đồng chí, đồng đội cao cả, tình thầy-trò ấm áp và tình người đậm sâu. Biết được hoàn cảnh của em, mọi người đều xúc động, cảm thông, chia sẻ. Năm nào cũng vậy, đến ngày giỗ của mẹ, tập thể đơn vị đều gặp gỡ, thăm hỏi chu đáo, tận tình và gửi lễ để em về thắp hương. Cũng chỉ từ khi nhập ngũ, em mới được đón một cái Tết đủ đầy, viên mãn. Bởi vì, ở Trường Sĩ quan Chính trị, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm đặc biệt đến hoạt động vui xuân, đón Tết của bộ đội. Còn nhớ, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, đơn vị thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, dẫu phải xa quê hương, nhưng tất cả đều an tâm, phấn khởi. Các hoạt động như trang trí Tết, đón Giao thừa, trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... được chỉ đạo tổ chức bài bản, chặt chẽ, đem lại cho cán bộ, học viên cảm giác ấm cúng như đang ở bên gia đình. Tiếc là em không thể đón mẹ lên thăm ngôi trường yêu dấu, nơi rèn luyện em nên người và cùng tận hưởng mùa xuân của người lính dù chỉ một lần".

Ước mơ và hoài bão của người cán bộ trẻ

5 năm học tập, rèn luyện, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của tập thể, sự nỗ lực của bản thân, Tú đã tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Đặc biệt, Trung úy Vũ Anh Tú là một trong 30 học viên tiêu biểu của khóa học vinh dự được thủ trưởng nhà trường trực tiếp gắn cấp hiệu sĩ quan. Nghị lực phi thường của Tú giống như một thước phim truyền cảm hứng về ý chí, nghị lực kiên cường, dám đương đầu với khó khăn, gian khổ để vượt lên hoàn cảnh. Đó cũng chính là tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao, khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí...” mà mỗi quân nhân đều dõng dạc hô “xin thề” dưới lá Quốc kỳ trong các buổi chào cờ mỗi sáng thứ hai.

Vũ Anh Tú luôn tâm niệm, những kết quả đạt được trong quá trình học tập, rèn luyện là rất nhỏ bé và chỉ là bước khởi đầu. Khi mang trên vai trọng trách là người cán bộ, sĩ quan của Đảng, của Quân đội cũng đồng nghĩa với trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân ngày càng cao hơn. Bởi vì, để có được những mùa xuân yên vui của đất nước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã phải hy sinh tuổi thanh xuân của mình, phải đánh đổi bằng bao mồ hôi, nước mắt và xương máu. Thời nào cũng vậy, dẫu là miền biên cương xa xôi hay nơi đảo xa muôn trùng sóng dữ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội vẫn ngày đêm chắc tay súng giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, để em thơ vui bước đến trường, để đôi lứa hẹn hò ước mơ...

Trung úy Vũ Anh Tú tự nhủ lòng, dẫu chặng đường phía trước có khó khăn, gian khổ đến mấy, bản thân cũng sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của thủ trưởng các cấp và viết tiếp, hiện thực hóa ước mơ của mẹ. Mong muốn của Trung úy Vũ Anh Tú là sẽ giúp đỡ những đồng chí, đồng đội gặp hoàn cảnh khó khăn để họ có đủ ý chí, nghị lực vượt qua chính mình, trở thành quân nhân tốt. Bởi lẽ, hơn ai hết, Vũ Anh Tú là người vô cùng thấu hiểu cảm giác của sự cô đơn, thiếu thốn khi xa vắng người thân.

Cuộc sống có thể lấy đi của ai đó rất nhiều thứ, nhưng nếu có những người sẵn sàng đồng hành, chia sẻ; nếu ngọn lửa niềm tin không bị dập tắt thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể gục ngã cho dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn đến mấy. Và đó cũng chính là bổn phận, trách nhiệm của người cán bộ chính trị đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”.

Bài và ảnh: VŨ QUỐC - NGHIÊM TÚ