Dạy chữ để vận động quần chúng

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự) nay đã ở tuổi ngoài 90. Thời gian và tuổi tác khiến đôi mắt ông không còn tinh anh, bước chân chậm rãi. Tuy nhiên, ký ức về những năm tháng thanh xuân sôi nổi, hòa mình trong phong trào đấu tranh cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc sau này vẫn được ông kể lại rành rọt, chính xác đến từng chi tiết. “Trước Cách mạng Tháng Tám, tôi đã thi đỗ tú tài nên năm 1944, tôi được các đồng chí đi trước dìu dắt gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, nhánh Bạch Mai. Trong các nhiệm vụ được giao có một việc công khai: Dạy chữ Quốc ngữ cho các học viên là những người lao động thuộc nhiều thành phần khác nhau, kể cả cô sen, cậu nhỏ (người giúp việc gia đình)”.

Với chiếc đèn dầu trong tay, hằng tối, thầy giáo Nguyễn Tiến Hà đến trường Công ích nằm trong một ngõ nhỏ ở làng Bạch Mai tham gia xóa mù chữ cho người thất học. Nhưng đằng sau những bài học chữ đơn giản, thầy giáo trẻ được giao nhiệm vụ quan trọng hơn, đó là thông qua dạy chữ để mở mang dân trí, khơi gợi lòng yêu nước cho nhân dân; lấy những việc xảy ra hằng ngày để vạch trần sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà kể: “Qua mỗi buổi đến lớp, học viên được biết chữ “i”, chữ “tờ”, họ vui sướng vì cảm thấy mình đang dần thoát khỏi nạn mù chữ. Cuối mỗi buổi học, học viên thường rất hào hứng khi được tôi hé lộ một vài tin tức thời sự về tình hình đất nước và thế giới, về việc Việt Minh kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do”.

Năm 1945, trước tình hình cách mạng sục sôi, yêu cầu công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, Nguyễn Tiến Hà cùng với các thanh niên trong tổ chức tham gia rải truyền đơn tại các khu vực tập trung đông người, vận động nhân dân tích cực ủng hộ Việt Minh, huấn luyện sử dụng vũ khí, chống giặc đói... cho đến ngày khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tại Hà Nội (19-8-1945).

leftcenterrightdel
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà (thứ ba, từ trái sang) cùng các đồng chí cựu tù chính trị từng bị giam giữ 
tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Dù 75 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần giở lại ký ức, ông Nguyễn Tiến Hà vẫn tự hào và xúc động khi được tham gia cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, được đóng góp sức trẻ và tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết của mình trong những ngày lịch sử trọng đại của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, sáng 2-9-1945, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Hà có mặt tại Quảng trường Ba Đình, chứng kiến giây phút Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cho đến bây giờ ông vẫn xúc động đến rơi lệ khi nhớ lại lần đầu tiên được nhìn thấy Bác Hồ trong ngày Quốc khánh của dân tộc.

Lớp học đặc biệt trong lao tù

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại vùng địch tạm chiếm thuộc nội thành Hà Nội, Nguyễn Tiến Hà vẫn tiếp tục gắn bó với công việc dạy chữ. Từ năm 1948, dưới vỏ bọc “giáo sư” với tên gọi Nguyễn Hữu Thỏa, ngoài dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, Toán, ông được tổ chức giao thêm nhiệm vụ quan trọng: Gây dựng cơ sở. Thời gian này, ông vừa làm gia sư cho con cháu các gia đình khá giả vừa tham gia giảng dạy tại một số trường của Pháp, qua đó khéo léo bồi dưỡng tinh thần yêu nước, vận động học sinh đi theo kháng chiến.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Tiến Hà không may bị địch bắt. Dù dùng mọi cực hình tra tấn nhưng đòn roi của mật thám không khuất phục được ý chí và tinh thần yêu nước của người trí thức cách mạng. Anh dũng và gan dạ, ngay tại sở mật thám, Nguyễn Tiến Hà đã cùng với một số đồng chí khác tìm cách đào tường vượt ngục nhưng không thành công. Ông liên tiếp bị những trận đòn roi tra tấn tàn bạo lên cơ thể đến mức nhiều lần như “chết đi sống lại”. Không khuất phục được ông, địch đưa ông ra tòa, kết án 18 tháng tù và chuyển ông sang nhà tù Hỏa Lò giam giữ.

Tại nhà tù Hỏa Lò-nơi được ví như “địa ngục trần gian”, dù điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, kham khổ nhưng Nguyễn Tiến Hà vẫn tiếp tục có những ngày tháng hoạt động sôi nổi cùng các đồng chí, đồng đội. Thực hiện chỉ thị của Thành ủy Hà Nội thời điểm đó là phải biến nhà tù thành trường học cách mạng, ông và các chiến sĩ bị giam đã tích cực tổ chức các hoạt động đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân và các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ.

Không sách vở, bảng viết, phấn trắng hay bút mực... mà chỉ có kiến thức và ý chí cách mạng, những người tù đã nhanh trí, sáng tạo nên nhiều đồ dùng dạy và học. Việc dạy và học được thực hiện với phương châm: Người nào nhớ được tài liệu về chính trị thì nói chuyện cho anh em khác biết. Người biết chữ dạy người không biết chữ, người biết nhiều dạy người biết ít. Không có bảng, những người tù viết trên nền xi măng, giấy viết được tận dụng từ mặt trong của bao thuốc lá, bì thư đã dùng; có lúc thiếu thốn, anh em bóc tách tờ giấy làm đôi, mỏng tang nhưng vẫn có thể viết được. Ngòi bút được làm từ nụ hoa ti-gôn nhặt trong sân nhà lao. Quản bút làm bằng cành bàng. Gạch non, than bếp làm phấn... Vào buổi tối, khi các cửa sắt đã khóa chặt, không gian xung quanh chỉ là màn đêm tăm tối chính là thời gian Nguyễn Tiến Hà và các đồng chí cùng nhau tổ chức các lớp học. Các lớp học văn hóa được chia ra nhiều trình độ khác nhau: Học chữ, học vần, học ngoại ngữ được tổ chức theo nhóm (từ 10 đến 15 người/nhóm). Nhờ có trình độ tiếng Anh và tiếng Pháp tốt, Nguyễn Tiến Hà được phân công dạy ngoại ngữ và được người nhà gửi sách tiếng Anh từ bên ngoài vào để làm tài liệu giảng dạy. Thỉnh thoảng, trong những trận càn, cai ngục điên cuồng tịch thu sách tiếng Anh nhưng ngay sau đó, bằng mọi cách, ông và các đồng đội đều đấu tranh để lấy lại. Quyển sách quý đó đã được ông gìn giữ cẩn thận, mang theo bên mình trong 3 năm bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò và cho đến tận hôm nay. Những trang sách tuy đã cũ nhưng đã trở thành “giáo án” đặc biệt cho giai đoạn lịch sử.

Theo ông Hà, việc mở lớp học trong nhà tù ban đầu nhằm mục đích động viên tinh thần, bồi dưỡng tình yêu nước, ý chí kiên cường cách mạng cho các chiến sĩ để họ quên đi những suy nghĩ tiêu cực khi bị bắt giam trong tù. Tuy nhiên, nhờ những lớp học này, nhiều anh em tù nhân được trang bị kiến thức, nâng cao trình độ nhận thức và năng lực công tác tốt hơn để phục vụ cách mạng sau khi ra tù. Một số đồng chí được tạo điều kiện đã tiếp tục học tập lên cao, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo giỏi, cán bộ tốt...

Cuối năm 1952, Nguyễn Tiến Hà được thực dân Pháp trả tự do. Ông tìm cách bắt liên lạc với tổ chức, tiếp tục công việc nhà giáo và hoạt động trong ngành giáo dục cho đến khi nghỉ hưu. Dù ở môi trường giáo dục nào, ông luôn giữ được tình yêu nghề, nhiệt huyết, cống hiến hết tài năng, trí tuệ của mình cho nền giáo dục nước nhà và vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Nhiều năm nay, ông Hà được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trở lại với nơi đã từng giam cầm mình cách đây hơn 1/2 thế kỷ, ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn tiếp tục để lại sự khâm phục và kính trọng khi có thể nói chuyện, giới thiệu Di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Hỏa Lò bằng tiếng Anh, tiếng Pháp một cách lưu loát và rành rọt với du khách nước ngoài.

Bài và ảnh: MINH VÂN