Phóng viên (PV): Mỗi dịp khai giảng năm học mới thường gợi cho ông những ký ức đặc biệt nào đáng nhớ trong thời học sinh của mình?
GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Khai giảng năm học mới là ngày hội của đất nước. Cuộc đời học sinh đẹp lắm! Nhiều ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời của mỗi người được ghi dấu rất sâu đậm trong trí nhớ ở thời kỳ này. Lớn lên, mỗi người một nơi, theo một nghề, nhưng những cuộc vui đáng nhớ nhất, thích thú nhất vẫn là những cuộc gặp bạn bè từ thuở học trò. Già rồi, có con, có cháu rồi nhưng vẫn hồn nhiên trêu nhau, gọi nhau bằng mày, xưng tao...
Tôi cũng có kỷ niệm đáng nhớ là ngày khai trường năm 1955. Lúc đó, tôi vừa thi đỗ tiểu học, được chuyển vào học lớp đệ thất (tương đương với lớp 6 bây giờ) sau một năm Thủ đô được giải phóng. Ấn tượng lâng lâng khó tả vì đất nước đã có hòa bình. Tôi được gặp những thầy giỏi đã được nghe tên từ trước của Trường Văn Lang (tọa lạc ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội bây giờ) và của các trường khác chuyển đến. Trường tôi rợp cờ đỏ sao vàng, vinh dự lắm, hãnh diện lắm vì sẽ được học các thầy giỏi, tôi thấy mình lớn hẳn, tương lai rộng mở với nhiều hoài bão khó tả.
PV: Thưa ông, có sự khác biệt đáng kể nào về môi trường giáo dục của thế hệ học sinh khi đó với thế hệ học sinh hiện nay, chẳng hạn như những khẩu hiệu ở trường, quan hệ ứng xử, tình thầy trò...?
GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Có sự khác biệt đấy. Thứ nhất, trường sở bây giờ khang trang hơn ngày trước. Âu cũng là điều tự nhiên vì đất nước ta không còn quá nghèo như xưa nữa. Nhưng cảm nhận còn lưu lại của tôi là các trường tôi đã học: Trường Phổ thông 3A ở phố Lý Thường Kiệt, Trường Nguyễn Trãi (bây giờ là Trường THCS Trưng Vương), Trường Đoàn Kết, dù còn thiếu thốn nhưng thiêng liêng lắm. Thành thực mà nói, trong tôi chỉ có duy nhất một ấn tượng đẹp đẽ là kính nể, cảm phục các thầy, cô (thời kỳ đó tôi chủ yếu được học các thầy). Hình ảnh các thầy đẹp quá, đáng ngưỡng mộ quá. Tình thầy trò hồi đó rất đẹp. Bây giờ, điều này hơi hiếm. Còn các trò, như các lớp tôi đã học, không có đánh chửi nhau, gây hấn, dọa nạt nhau. Không khí trường học lúc đó yên bình lắm.
PV: Trước rất nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra đối với công tác giáo dục hiện nay, theo ông cần có giải pháp gì để hài hòa được giữa rèn nền nếp kỷ luật và tạo ra môi trường thực sự vui vẻ, thân thiện trong trường học nhằm đánh thức sự sáng tạo của học sinh?
GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Không thể phủ nhận các áp lực hiện nay đang đè nặng lên các em. Nào là chương trình khá nặng và môn nào cũng yêu cầu rất cao. Học chính ở trường đã mệt nhưng lại phải học thêm, rồi thi đua của trường, lớp đề ra, các đòi hỏi, kỳ vọng của bố mẹ... Với các áp lực quá tải như thế, chắc chắn các thầy cô và các em vẫn theo lối cũ là nhồi nhét tri thức vào đầu để đối phó là chính, chứ không có tiếp thu sáng tạo gì cả. Đó là điều rất nguy hiểm của một nền giáo dục.
Theo tôi, cần phải đề cao kỷ luật trong học tập, thi cử, hết sức coi trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực cho các em thông qua đổi mới phương pháp trong từng giờ giảng, bài giảng của các thầy cô.
PV: Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến triển khai vào năm học 2020-2021 sẽ góp phần giảm tải cho học sinh và nhằm mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho các em. Theo ông, những phẩm chất, năng lực nào của người học cần được trang bị trong những năm học phổ thông?
GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Năm học 2019-2020 này là năm học rất quan trọng trong chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Cần hình thành cho các em những phẩm chất nào, năng lực nào, theo tôi nên bám sát các di huấn của Bác Hồ được thể hiện trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng vào năm 1961 và Năm lời dạy của Bác với thanh niên năm 1965. Năm phẩm chất cần hình thành cho học sinh tiểu học (TH) phù hợp với điều kiện hiện nay là: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Hiếu học, say mê học tập; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Với học sinh trung học phổ thông (THPT) là: Trung với nước, hiếu với dân; Hiếu học, say mê học tập để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; Đoàn kết tốt, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ trách nhiệm; Kỷ luật tốt; Khiêm tốn-Giản dị-Trung thực-Cần kiệm-Không xa hoa, lãng phí.
Năng lực cần hình thành cho học sinh các cấp TH, THCS, THPT phải là các năng lực bản lề giúp các em tiếp tục học lên cao đẳng, đại học hoặc chuyển học tại các trường nghề, tạo thuận lợi cho các em phát triển tốt sau này. Từ kinh nghiệm thực tiễn của sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), chúng tôi thấy cần hình thành cho các em các năng lực sau: Học tập; phát hiện và giải quyết vấn đề; tự quản lý và phát triển bản thân; giao tiếp; năng lực hợp tác và chia sẻ trách nhiệm; tính toán; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)... Tùy theo học sinh ở cấp nào mà các biểu hiện của năng lực lại có những nét riêng phụ thuộc theo độ tuổi và sự rèn luyện, trưởng thành của người học.
Hệ thống các phẩm chất và năng lực được dẫn ra ở trên có quan hệ chặt chẽ với nhau. Từng phẩm chất và năng lực lại có liên hệ khăng khít với nhau trong nội dung cấu trúc chung của nhân cách người học.
PV: Trước thềm năm học mới, dư luận mong muốn việc dạy và học cần đi vào thực chất, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Dư luận xã hội lo lắng về sự xuống cấp của GD&ĐT những năm qua không phải là không có cơ sở. Tôi cho rằng cần phải xốc lại các “quy chế” hiện có, tạo dựng một nền giáo dục thực chất, lành mạnh, đề cao dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, trung thực trong dạy và học, chống các hành vi gian lận, lừa dối trong giáo dục. Cần phải phát động một cuộc vận động lớn xây dựng kỷ cương xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Trong GD&ĐT phải biết “quen” với các con số tỷ lệ phần trăm thấp khi đánh giá học sinh giỏi, xét đạt thành tích các loại. Các vụ việc gian lận trong đánh giá, thi cử nếu được phát hiện phải xử phạt thật nặng. Giáo viên, nhà quản lý giáo dục nếu có các vi phạm nặng phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục. Cần xử lý cả đối tượng đồng lõa, tòng phạm, cả người liên đới biết sự việc nhưng không dám tố giác.
PV: Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc tiếp thu kinh nghiệm giáo dục của thế giới là tất yếu đối với nước ta. Vậy, triết lý giáo dục nào sẽ được coi là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam cần phải duy trì và phát triển trong xu thế hội nhập ấy, thưa ông?
GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Triết lý giáo dục đúng đắn nhất, theo tôi là giáo dục nhằm vào trang bị nhanh nhất, tốt nhất và có hiệu quả nhất những tri thức cần thiết, tối thiểu cho con người để họ đủ tự tin bước vào đời (dạy chữ). Cùng với điều này, phải tham gia đào luyện con người sao cho đủ sức, đủ khả năng kế tục các bậc cha anh xây dựng, phát triển đất nước mình, giữ gìn bản sắc dân tộc mình, sẵn sàng bảo vệ đất nước khi đất nước lâm nguy (dạy người). Con người ấy phải biết hành động sáng tạo, có hiệu quả trong những môi trường, điều kiện khác nhau theo những ngành nghề mà họ được đào tạo (dạy nghề) và con người ấy còn phải là người công dân toàn cầu, biết cùng hợp tác, chia sẻ trách nhiệm chung với cộng đồng quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HÀ THANH MINH (thực hiện)