Giếng làng Ngọc Trục ban đầu chỉ là giếng đất, có lối mòn đi vòng quanh. Cầu thang lên xuống xây bằng gạch chỉ vỉa nghiêng khoảng 21 bậc, hai bên có tường cánh gà cao khoảng 80cm. Nhờ có mạch nước ngon nên quanh năm dân làng vẫn gánh nước về dùng cho sinh hoạt. Tuy nhiên, quá trình phát triển của đời sống hiện đại, người dân chuyển dần sang dùng giếng khoan, bể lọc phục vụ sinh hoạt. Vì thế, qua tháng năm, thành giếng bị sụt lở đất, bùn rác lấp đầy, cỏ cây hoang dại trở thành phế tích. Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thôn Ngọc Trục đã đồng tâm góp sức quyết tâm thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo giếng làng.

Đồ án thiết kế xây dựng căn cứ theo các yếu tố dữ liệu hiện trạng và tư liệu của hồ sơ cụm di tích đình làng được lập năm 1992. Được sự giúp sức của kiến trúc sư Dương Mạnh Hùng, bản thiết kế giếng làng được tính toán chính xác các thông số kỹ thuật, vừa giữ được các nét cơ bản của di tích, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ. Nhờ có kết cấu hợp lý nên giếng có kiến trúc đẹp, với 9 vòng tròn bao quanh, nhỏ ở đáy, to dần lên đến thành, tượng trưng cho cửu trùng.

leftcenterrightdel

Giếng được tôn tạo góp phần làm đẹp không gian văn hóa làng Ngọc Trục.

Điểm nhấn của công trình là cầu thang có lan can cuốn gạch tạo thế rồng bay. Ngay cửa cầu thang là hai trụ hoa biểu có nghê đá chầu ngạo nghễ, trên thân đắp nổi đôi câu đối đỏ: “Bảo mạch vĩnh miên lưu dẫn phái/ Hương thôn cổ tại thịnh an dân” (Mạch nước quý đã bao đời dẫn đến giếng này/ Nhân dân nơi đây xưa nay và mai sau bình an thịnh vượng). Tường giếng được trang trí đắp vẽ hoa văn hoa sen, rồng lá cách điệu, gốm màu và đèn đá điêu khắc... Thành giếng khắc 4 đại tự: “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn). Đây cũng chính là ý nghĩa sâu xa của công trình nhằm nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn tổ tiên, cùng chung sức dựng xây xóm làng no ấm.

Nói về giá trị di tích giếng làng sau khi được khôi phục, bà Phạm Thị Thục, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Trục chia sẻ: “Là công trình kiến trúc nằm ở trung tâm văn hóa nên khi giếng làng được xây dựng đã tạo ra cảnh quan đẹp hài hòa với không gian xung quanh và mang đậm bản sắc truyền thống. Việc tôn tạo giếng làng không nhằm mục đích sử dụng nước như trước đây mà chỉ nhằm gìn giữ công trình kiến trúc mang nét đẹp văn hóa của làng. Địa phương khôi phục thành công giếng làng đã đem lại niềm vui cho người dân”.

Ông Nguyễn Ngọc Tựa, Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ cho biết: “Bên cạnh ngôi đình cổ, giếng làng Ngọc Trục đã góp phần hình thành nên không gian văn hóa làng. Từ thành công trên, thôn Ngọc Trục tiếp tục xin cấp phép triển khai dự án tôn tạo đình, chùa làng nhằm tạo nên một quần thể không gian văn hóa tâm linh. Thực hiện dự án trên, làng cổ Ngọc Trục trở thành một trong những địa phương tích cực gìn giữ, bảo tồn những công trình văn hóa truyền thống quê hương”.

Bài và ảnh: VŨ DUY