Nói đến Nguyễn Xuân Chính, không thể không nhắc tới những bức ảnh chụp về Hà Nội. Đây là mảng ảnh đã được anh theo đuổi ngay từ những ngày đầu đến với nghề và cho thấy những dấu ấn rất riêng của Xuân Chính trong làng nhiếp ảnh Thủ đô.

Nguyễn Xuân Chính khởi đầu hành trình đến với nhiếp ảnh của mình từ những khoảnh khắc về Hà Nội. Thời điểm ấy là năm 2004, khi anh mới tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và đầu quân cho Tạp chí của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. “Lúc ấy, tôi mới về làm việc, tạp chí đang thiếu phóng viên ảnh nên Ban biên tập phân công tôi phụ trách chuyên mục “Góc nhỏ Hà Nội”. Cũng từ đó mà tôi được thỏa sức với niềm đam mê nhiếp ảnh và hơn cả, đó là cơ hội để tỏ bày tình yêu với Hà Nội-nơi tôi sinh ra và lớn lên”-Nguyễn Xuân Chính bày tỏ.

leftcenterrightdel

Tác phẩm “Đi chợ sớm”. 

Để có được “Góc nhỏ Hà Nội”, Xuân Chính đã len lỏi biết bao các ngõ phố của Hà thành để ghi lại cảnh sắc thiên nhiên, nhịp sống của phố phường, con người Hà Nội. Sau này (năm 2008), khi thành phố được mở rộng, những chuyến đi về các vùng quê ngoại thành Hà Nội của anh cũng nhiều thêm và bởi vậy, “Góc nhỏ Hà Nội” lại có thêm “hơi thở” của làng quê với những giếng nước, đường làng, những di sản kiến trúc, nghề truyền thống, những mùa cấy, mùa gặt... Có những nơi anh chẳng nhớ đã đến và trở lại bao lần, có những khuôn hình đã lưu lại rồi mà vẫn muốn lưu thêm nhiều hơn nữa.

Nguyễn Xuân Chính bảo rằng, anh thích sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng, bởi vậy mà những bức ảnh anh chụp đều là những khoảnh khắc hết sức yên bình, gợi cho người xem chút bâng khuâng, hoài niệm. Xem ảnh của Xuân Chính có cảm giác như đang ngược về những năm tháng cũ để cảm nhận hết “nét duyên riêng” của Hà Nội. Không phải là Hà Nội của những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, không phải là Hà Nội của những con đường tấp nập người, xe, cũng không phải là những vùng ngoại ô đang "thay da đổi thịt". Đó là Hà Nội của những mùa hoa, của những khoảnh khắc giao mùa, của những hàng cây, góc phố, của những làng quê, đồng bãi… Có thể cảm nhận rõ điều này khi xem các tác phẩm: “Sắc Xuân trên đất Hà thành”, “Hà Nội-mùa thương nhớ”, “Mùa đông-Hà Nội phố”, “Hà Nội phố và cây”… Mỗi bức ảnh dù chỉ là một "góc nhỏ” nhưng từ nhiều "góc nhỏ” đó, công chúng có thể thấy một Hà Nội “lớn” hơn, “rộng” hơn, một Hà Nội luôn tươi mới và cũng đầy thơ mộng.

leftcenterrightdel
 Tác phẩm “Xuân-Hạ-Thu-Đông”. Ảnh: NGUYỄN XUÂN CHÍNH
Năm 2010, Nguyễn Xuân Chính trình làng công chúng triển lãm cá nhân “Góc nhỏ Hà Nội” với 45 bức ảnh chụp về Hà Nội. 7 năm sau (cuối tháng 8-2017), Nguyễn Xuân Chính lại tiếp tục tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ hai với 30 tác phẩm. Dù vẫn giữ nguyên tên gọi như triển lãm lần đầu-“Góc nhỏ Hà Nội”, nhưng triển lãm lần thứ hai đã cho thấy một Xuân Chính trưởng thành và chững chạc hơn rất nhiều trong nghề, một Xuân Chính luôn ăm ắp cảm xúc sáng tạo và tình yêu với Hà Nội.

Rất dễ để nhận ra trong số những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm lần này, mảng ảnh chụp bốn mùa (xuân-hạ-thu-đông) và về hoa Hà Nội là mảng ảnh chủ đạo, “giữ nhịp” cho triển lãm. Nó cũng cho thấy cái “tạng” và phong cách rất riêng của Xuân Chính. Dường như phố nào của Hà Nội nhiều hoa anh cũng đều có mặt, và anh cũng cảm nhận rõ hoa gì ở nơi nào là đẹp nhất. Anh bảo: “Nếu chụp cây thì phải đến phố Phan Đình Phùng, chụp lộc vừng thì phải ra Hồ Gươm, chụp hoa sữa phải chụp cây ở phố Quán Thánh, hay chụp hoa phượng thì phải tới công viên Thống Nhất, hay Thủ Lệ…”.

Có những bức ảnh Xuân Chính chụp tình cờ nhưng có những bức ảnh anh đã kiên trì chờ đợi rất lâu để có được khoảnh khắc bấm máy đẹp nhất. Với Xuân Chính, sự công phu, kiên trì của người chụp là một yếu tố quan trọng nhưng cảm xúc để sáng tạo cũng vô cùng cần thiết. Vậy nên để làm mới những cảm xúc của mình thì chỉ đi và chụp thôi với anh chưa đủ. Xuân Chính thường đọc những tản văn viết về Hà Nội. Chính những trang văn ấy đã bồi đắp và nuôi dưỡng cho anh nguồn cảm hứng sáng tạo. Và nguồn cảm hứng ấy lại là “chất xúc tác” để anh tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu và kiếm tìm, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của Hà Nội... 

HÀ THAO