Câu chuyện của một “người Viettel” bắt đầu như thế!

Ước gì ba mẹ thấy tôi làm việc ở Viettel!

Tôi học chuyên Văn từ nhỏ, thường có thói quen viết và đọc sách. Nhưng đã rất lâu rồi, tôi không đặt bút viết một chút nào về cuộc sống nhiều những biến cố của mình. Hôm nay, tan giờ làm, còn chưa muốn đứng dậy trở về nhà, theo thói quen tôi mở trang Viettel Family đọc những bài viết của các anh chị CBCNV trong tập đoàn. Thời điểm cuối năm, “Cái Tết đầu tiên …” đã ngay lập tức khơi dậy trong tôi cảm xúc để viết nên những dòng này.

Tết đối với tôi từ 7 năm nay đã là một điều gì đó rất xa lạ, buồn và cô đơn. Ba mẹ tôi không may mất sớm. Các chị gái đều lập gia đình và có cuộc sống riêng. Ngày Tết, tôi và em gái lục tục chuẩn bị mâm cúng cho ba mẹ và quây quần bên mâm cơm Giao thừa chỉ hai người. Cảm giác này khó ai có thể thấu hiểu được.

Sau ngày mẹ mất, tôi tốt nghiệp và thi vào đại học, một mình bươn chải cuộc sống bằng nhiều công việc làm thêm giữa nội đô ồn ào, tấp nập. Viettel giống như một giấc mơ khổng lồ thách thức một cô gái trẻ đầy tham vọng và nhiệt huyết. Tôi thi vào Viettel cuối năm 2014. Tôi vẫn nhớ nguyên vẹn cảm giác hạnh phúc ngập tràn khi nhận được email đồng ý tuyển dụng từ anh Hải, Phòng Tổ chức lao động, Viettel ICT. Niềm vui được lây lan cho cả các chị gái và em gái tôi.

Cái Tết đầu tiên trong đại gia đình Viettel năm ấy thật đặc biệt. Lần đầu tiên, tôi có khái niệm được tổ chức nơi mình làm việc gửi quà Tết đến tận tay cho gia đình của mình nhân dịp Tết Nguyên đán. Tôi có cảm giác lâng lâng vui sướng nghĩ đến cảnh đứa em gái nhỏ ở nhà sẽ thích thú, hạnh phúc và ngạc nhiên như thế nào khi nhận được món quà đẹp và ý nghĩa từ đơn vị công tác của chị gái.

leftcenterrightdel
Quà Tết của Viettel đến từng gia đình. 
leftcenterrightdel
Người thân của cán bộ, nhân viên Viettel đọc thư chúc Tết của Tổng giám đốc tập đoàn. 

Tuy nhiên, sau khi gửi email đăng ký người nhận và địa chỉ nhận quà, email phản hồi làm tôi thoáng buồn. Theo quy định của tập đoàn, đối tượng nhận quà là ông bà, ba mẹ. Đơn vị yêu cầu đăng ký đúng đối tượng. Vì thế, tôi không thể đăng ký cho em gái mình được. Lặng lẽ gửi lại một email nói rõ hoàn cảnh gia đình ông bà, ba mẹ đều mất sớm, tôi gần như khóc vì tủi thân và biết chắc mình không thể trách móc vì đây là quy định chung của đơn vị. Nhưng mọi chuyện đã không xảy ra với tôi như thế. Chị Hường, Phòng Tổ chức lao động, Viettel ICT, khi đó đã báo cáo trường hợp của tôi cho chị Minh, Trưởng phòng. Chị Minh đồng ý hoàn toàn việc để tôi đăng ký em gái mình là người được nhận quà Tết. Khi đó, tôi cảm giác mình vui sướng như một đứa trẻ sắp được nhận quà. Tối về, thủ thỉ với em gái mà tôi còn phải nói thầm thì như sợ nói to thì niềm vui rơi mất.

Ngày nhận quà, hai chị em mở bức thư của Tổng giám đốc Tập đoàn viết chúc Tết CBCNV Viettel, đọc từng dòng chữ tình cảm, ấm áp và chân thành. Mẹ luôn kỳ vọng nhiều vào tôi, khi còn sống bà chỉ mong một ngày nhìn thấy tôi bước chân vào cánh cổng đại học, tốt nghiệp và có công việc ổn định, nên lúc đó, trong đầu tôi chỉ nghĩ điều duy nhất, giá như ba mẹ còn ở trên đời để đọc được những dòng này, để biết con gái đã tốt nghiệp đại học và đang công tác tại một tổ chức tuyệt vời như thế nào. Hai chị em để dành lại tất cả, gói ghém mang về đặt món quà trên bàn thờ, thắp nén hương kính báo ba mẹ về thành công của con gái đã được tuyển dụng đi làm ở Viettel. Tôi lặng người mãi trước bàn thờ ba mẹ ngày hôm ấy.

Cái Tết đầu tiên ở Viettel đến bây giờ vẫn còn để lại trong tôi rất nhiều ký ức đẹp như thế. Giá trị vật chất của món quà Tết không lớn nhưng đã đem đến niềm vui tinh thần vô cùng. Đó là món quà của tình nghĩa tập thể, tình thân thương mến. Món quà ôm trọn tình cảm của các anh chị đã chia sẻ, quan tâm để em gái nhỏ của tôi được nhận quà như bao nhiêu gia đình khác. Cái Tết năm ấy, dù lòng tôi vẫn đầy những trống vắng khắc khoải giữa đêm Giao thừa, nhưng đã ấm áp lên rất nhiều tình người, tình đồng nghiệp. Đêm Giao thừa lạnh giá, tôi thấy em tôi ngồi khoanh chân bên hộp bánh mứt, nhón tay miếng mứt ngọt lành, nụ cười em lấp lánh…

Câu chuyện của chàng lính ăn Tết ở Pê-ru

Giờ này ở Pê-ru đã là nửa đêm rồi mà anh chàng Phùng Văn Nam, PGĐ TTKTKV1 vẫn còn online. "Chắc anh chàng nhớ nhà, nhớ vợ con đây mà. Tính ra Nam công tác thị trường cũng mấy tháng rồi, hỏi thăm vài câu xem thế nào", tôi nghĩ bụng.

Hỏi thăm, tôi được biết, sang Pê-ru từ giữa tháng 9-2016, Nam đang là trưởng đoàn công tác 8 người với nhiệm vụ tối ưu chất lượng mạng 3G, giải phóng tần số 900Mhz phục vụ triển khai 4G, tối ưu 4G sau khai trương.

Giờ này ở Pê-ru đã gần 12 giờ đêm, nhưng Nam và các đồng nghiệp vẫn miệt mài làm việc ở công ty. Nam rất nhiệt tình, hào hứng chia sẻ với tôi về chuyến công tác.

Đây là lần thứ hai Nam công tác tại thị trường nước ngoài, lần đầu là ở Cam-pu-chia vào năm 2010. Đặc thù lính tối ưu phải đi tiên phong quy hoạch, thiết kế từ khi chưa mở mạng, khi đã khai trương lại phải đo kiểm, tối ưu nâng cao chất lượng mạng nên mọi người vẫn thường ví von lính tối ưu Viettel như những gã du mục lang thang khắp thế giới.

"Sang đây đã mấy tháng rồi, ngoài thời gian làm việc cũng thấy nhớ nhà, nhớ người thân ra phết anh ạ. Cũng may, bọn em chỉ đi công tác ngắn hạn nên điều này không quá ảnh hưởng. Chỉ “hơi đen” là thời gian công tác vào cuối năm, qua cả Tết dương lịch cùng âm lịch nên sẽ không được đón Tết với vợ con. Đáng tiếc nhất là không được hưởng không khí của dịp kỷ niệm VTNet tròn 15 tuổi. Ở cách nửa vòng Trái Đất xa xôi nhưng qua mạng, em cũng cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi của các đồng nghiệp nơi quê nhà. Nhưng cả nhóm đã xác định tinh thần từ trước khi đi rồi nên mọi người cũng thoải mái tâm lý, tập trung cho công việc. Người ta xa nhà hàng năm trời, mình có vài tháng thấm gì đâu", Nam bảo.

Nam cho biết thêm, chuyến công tác này rất thú vị. Pê-ru là đất nước đẹp nhất mà Viettel đang đầu tư. Chuyến đi đem lại cho Nam nhiều trải nghiệm, cũng học được rất nhiều điều từ người dân nơi đây. "Anh biết đấy, Pê-ru là đất nước phát triển hơn nhiều so với quê hương Việt Nam chúng ta. Ý thức của người sở tại rất đáng để chúng ta học tập: Học từ ý thức xếp hàng, học nói cảm ơn, học chào khi gặp nhau, học cách tuân thủ luật lệ giao thông dù đi xe hay đi bộ".

Trước khi đi, Nam cũng hơi lo lo, nhưng sang đây rồi mới thấy công tác nước ngoài cũng không đáng sợ như mình tưởng. Mà cũng “hên” là được Bitel nhiệt tình hỗ trợ. Họ thuê nhà trọ cho anh em chỉ cách trụ sở làm việc có vài trăm mét. Dù mỗi phòng có từ 4-8 người ở nhưng cũng tương đối rộng rãi, có cả nhà bếp, phòng tập gym, chơi thể thao. Chỉ có điều anh em hay bị đồng nghiệp sở tại trêu vui về chiếc giường tầng. Với người Việt, những chiếc giường này còn đẹp và tiện nghi chán so với về vùng sâu, vùng xa, nhưng anh em sở tại lại bảo, giường tầng chỉ dành cho “tù nhân” mà thôi. "Những lúc như thế bọn em thường phán nếu có ngày sang Việt Nam công tác thì các cậu sẽ biết thế nào là nằm gai nếm mật".

Không chỉ chu đáo về nơi ăn chốn ở, trong công việc, Bitel cũng hỗ trợ nhóm rất nhiệt tình. Trải qua hơn 3 tháng, nhóm của Nam đã hoàn thành kiểm tra đánh giá mạng lưới từ các vấn đề quy hoạch, thiết kế các bộ tham số tính năng, nhằm bảo đảm mạng lưới tường minh, khai báo tham số đúng quy định. Ngoài ra, cả nhóm đã rất nỗ lực để hoàn thành tối ưu vùng phủ 3G 1900 tại Lima, các chỉ tiêu về vùng phủ và KPIs tốt hơn trước tối ưu hơn 30%, tốt hơn các đối thủ 50%, đưa Bitel trở thành nhà mạng tốt nhất tại Pê-ru. Các chỉ tiêu KPIs hệ thống cơ bản đạt các chỉ tiêu kỹ thuật của tập đoàn. Nhóm của Nam còn thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng khác là hỗ trợ tối ưu nâng cao chất lượng mạng 4G khi Bitel mới khai trương hồi giữa tháng 12 vừa rồi. Hiện tại, việc giải phóng tần số 900Mhz đã được hoàn tất, sẵn sàng để triển khai 1.725 trạm 4G, tốc độ download trung bình đạt 25Mbps, upload 10Mbps, cao nhất có thể đạt đến 72Mbps/30Mbps.

Có một điều rất hay khi so sánh giữa triển khai tối ưu ở Pê-ru với Việt Nam là nếu như ở nước ta, khó khăn đến từ việc địa hình tại các thành phố lớn do mật độ dân cư, nhà cửa quá cao, khó triển khai thì ở đây Pê-ru hoàn toàn ngược lại. Diện tích các Zone/tỉnh rất lớn, nhiều núi cao, tốn rất nhiều thời gian di chuyển. Mật độ dân cư thưa thớt nhiều khi làm nhóm của Nam rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, chuyện ăn ngủ ngoài trời là rất bình thường vì không thể tìm thấy nhà dân để “nhờ vả”. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại là địa hình và thời tiết. "Anh có thể hình dung mình đang khảo sát ở một vùng đất nắng cháy da cháy thịt thì điểm đến tiếp theo dù chỉ cách đó chưa đầy 200km nhưng nhiệt độ có thể xuống tới 0 độ C. Lại có những điểm bọn em khảo sát cao đến 4.400m so với mực nước biển. Lên đến nơi không thích nghi được với áp suất không khí, thay đổi của nhiệt độ, anh em hoa mắt chóng mặt, có bạn còn chảy cả máu cam. Nhưng dần dần cũng quen, tính thích nghi của dân Việt mình cũng nhanh mà. Vừa đi, vừa nghỉ để tránh sốc, quần áo đủ loại chuẩn bị sẵn trên xe, nhiều khi ngại thay nên nếu anh có vô tình nhìn thấy trên face cảnh trời nắng mà em mặc áo đại hàn cũng đừng lấy làm lạ nhé", Nam kể.

Công việc nhóm của Nam hiện đang rất thuận lợi, cơ bản đã được hoàn thành, tuy nhiên, có thể nhóm sẽ tiếp tục ở lại hỗ trợ Bitel thêm vài tháng nữa. "Thôi muộn quá rồi, bọn em cũng xong việc, em phải về nghỉ tí không mai dậy không nổi mà đi làm thì chết. Anh cho em gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới bạn bè, đồng nghiệp ở VTNet cũng như TTKTKV1, hẹn các chiến hữu sẽ gặp gỡ một trận tơi bời trong ngày trở lại Việt Nam nhé", Nam kết thúc câu chuyện.

 Để bảo đảm chất lượng tốt nhất cho bộ quà Tết gửi về cho người thân CBCNV, Tổ công tác gồm đại diện của Cơ quan Chính trị, Văn phòng, Ban Đầu tư, Ban Truyền thông tập đoàn và Viettel Post đã luôn giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất. Bộ quà Tết năm nay bao gồm: 1 hộp quà mứt Tết, 1 nội san “Người Viettel”, 1 hộp lịch bloc, 20 phong bao lì xì, lá thư TGĐ tập đoàn gửi lời chúc Tết đến gia đình CBCNV và một phong bao lì xì 500.000 đồng. Trong đó, hộp quà mứt Tết được quan tâm đặc biệt hơn cả vì liên quan đến thực phẩm. Tổng công ty Bưu chính đã cử người luôn luôn túc trực tại đơn vị sản xuất 24/7. Hằng ngày, mẫu phẩm luôn được kiểm tra 2 buổi đều đặn để theo dõi chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đem tới cho gia đình CBCNV một cái Tết trọn vẹn.


HẢI ĐĂNG
 (ghi)