Trong buổi giao lưu với địa phương, anh bất ngờ có cuộc hội ngộ đặc biệt khi gặp lại một đồng đội đang công tác tại Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, gần 10 năm trước được Quỹ Hiếm muộn BĐBP hỗ trợ và đã sinh được hai con, hiện gia đình rất hạnh phúc...

leftcenterrightdel
Bộ tư lệnh BĐBP trao quà hỗ trợ cho các gia đình hiếm muộn. Ảnh: NGUYỄN BÍCH 

Đại tá Nguyễn Trung Long kể, được tham gia quá trình thành lập, xây dựng Quỹ Hiếm muộn BĐBP có thể nói là một trong những hoạt động ý nghĩa nhất cuộc đời công tác của anh. Cuối năm 2011, đồng chí Võ Trọng Việt (khi đó là Tư lệnh BĐBP, nay là Thượng tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội), sau chuyến công tác khảo sát các tỉnh biên giới phía Bắc về đã chia sẻ rằng, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị còn rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều đồng chí lập gia đình đã lâu mà chưa có con... do đặc thù nhiệm vụ công tác thời gian dài ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện về nhà... Trùng hợp là anh Long vừa có khóa tập huấn tổ chức chỉ huy quân y toàn quân do Cục Quân y tổ chức, trong đó có nội dung về các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho trường hợp hiếm muộn. Anh nêu ý kiến rằng hiện nay khoa học kỹ thuật, y học trong nước phát triển, có thể hỗ trợ rất nhiều cho các trường hợp hiếm muộn, thậm chí mang lại kết quả cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Sau đó, Tư lệnh đã giao cho các bộ phận liên quan nghiên cứu, lên kế hoạch tổ chức Quỹ hiếm muộn BĐBP, Phòng Quân y làm chủ trì.

Việc đầu tiên, đó là thực hiện phát phiếu khảo sát các đơn vị BĐBP trên cả nước, tổng hợp các trường hợp cán bộ, chiến sĩ lập gia đình từ 3 năm trở lên mà chưa có con. Một buổi gặp mặt xúc động giữa chỉ huy, lãnh đạo Bộ tư lệnh với các cặp vợ chồng mà như Đại tá Nguyễn Trung Long thì đó là một hội nghị cảm động nhất trong cuộc đời làm quân y của anh, được tổ chức tại Bộ tư lệnh BĐBP. Trong buổi gặp mặt, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chia sẻ những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của mình...

Sau đó, kế hoạch, lộ trình các bước hỗ trợ của quỹ được xây dựng chi tiết. Quỹ Hiếm muộn BĐBP được vận động xây dựng chính thức từ tháng 4-2014. Qua phân loại các trường hợp hiếm muộn, Bộ tư lệnh đã đưa ra các nội dung hỗ trợ như: Tạo điều kiện về thời gian; điều chuyển công tác về gần nhà, khu vực có điều kiện thuận lợi; tạo điều kiện về chế độ, chính sách; kinh phí điều trị...

Kinh phí của quỹ được lấy từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và huy động từ các doanh nghiệp. Quỹ đặt chỉ tiêu mỗi năm sẽ có 30% trường hợp được hỗ trợ có kết quả và trong ngay năm đầu triển khai đã đạt kết quả hơn 30%.

 Đến bây giờ Thượng tá Phạm Ngọc Khoái, cán bộ Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị vẫn còn xúc động khi kể lại chuyện năm 2014, anh là cán bộ Phòng Tuyên huấn thường trực tại Cơ quan Bộ tư lệnh BĐBP tại phía Nam. Dịp ấy có 15 đôi vợ chồng hiếm muộn được quỹ hỗ trợ đang điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ. Ngoài lúc điều trị ở viện, cơ quan phía Nam tạo điều kiện cho các gia đình về nghỉ tại cơ quan để tiết kiệm chi phí. “Tôi rất xúc động khi hằng ngày chứng kiến cảnh những người lính can trường ngày đêm bảo vệ biên giới Tổ quốc, giờ là những ông chồng chu đáo đi chợ, nấu ăn, chăm vợ... không nề hà việc gì, trên gương mặt đầy sự hân hoan, hy vọng... Và rất nhiều cặp vợ chồng trong số đó đã thành công sinh con”-anh Khoái kể.

Đến nay đã có 537 lượt gia đình hiếm muộn của BĐBP được hỗ trợ với số tiền hơn 14 tỷ đồng, hơn thế, đó còn là những hỗ trợ, động viên về tinh thần. Từ hiệu quả mang lại của Quỹ Hiếm muộn BĐBP, nhiều đơn vị trong toàn quân đã học hỏi kinh nghiệm và làm theo, mang lại những kết quả ý nghĩa, nhân lên hạnh phúc cho bao gia đình quân nhân.

DUY LINH