Hơn thế, trung tâm đang hạ quyết tâm trở thành đơn vị đứng đầu Việt Nam trong mảng phân tích dữ liệu lớn (big data).
Trên những trang ứng dụng hàng đầu thế giới, như Netflix hay Youtube, người dùng không cần tốn nhiều thời gian cho việc tìm kiếm. Có vẻ những nền tảng này hiểu rất rõ người dùng thích gì, cần gì và đưa ra những gợi ý tốt. Theo ông Đoàn Thanh Tám, Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu, khối công nghệ thông tin-Viettel Telecom: “60-70% người dùng đang xem phim trên Netflix bằng những gì được giới thiệu”.
    |
 |
Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu, khối công nghệ thông tin (Tổng công ty Viễn thông Viettel) Đoàn Thanh Tám |
Hiểu được điều ấy, hiện Viettel cũng đang làm những điều tương tự để thấu hiểu khách hàng và đưa ra những gợi ý, sản phẩm hợp với từng nhóm khách hàng nhỏ, thay vì cách truyền thống là “cứ đại trà đi”. Trung tâm Phân tích dữ liệu của Viettel Telecom dùng máy học chuyên sâu để “đọc vị” khách hàng và giải quyết được bài toán này. Kết quả năm 2019 ghi nhận: Doanh thu tăng thêm thực sự đã được sản sinh từ những dữ liệu thô của Viettel. Cụ thể, trong 11 tháng, Viettel Telecom đã tăng thêm 737 tỷ đồng, tức gần 70 tỷ đồng/tháng (khoảng 3 triệu USD). Cũng nhờ kết quả quan trọng này, ông Đoàn Thanh Tám trở thành một trong 8 cá nhân xuất sắc nhất Tập đoàn Viettel tại Viettel’s Stars 2019.
Giải thích kỹ hơn về cách làm của trung tâm, ông Tám cho biết, máy học của Viettel tập trung phân tích để làm rõ được 4 khía cạnh: Sản phẩm sẽ bán cho khách hàng nào; bán cái gì; bán vào thời điểm nào; và bán bằng cách nào. “Cứ xoáy vào 4 điểm này thôi. Bởi nếu khách hàng có thói quen ngủ trưa mà đi gửi tin nhắn chào mua vào lúc đó thì vô nghĩa”, ông Tám chia sẻ.
Nhờ phân tích của máy học, Viettel đã có hướng giải quyết hai bài toán quan trọng. Thứ nhất, với các chương trình marketing truyền thống, tỷ lệ người mua sẽ là 1% nhưng sau khi dùng máy học để chọn đúng người, đúng thời điểm, tỷ lệ đã tăng thành 2-5%. “Tăng người mua sẽ làm tăng doanh thu của Viettel”, ông Tám cho biết.
Thứ hai, theo ông Tám, ngoài việc tăng doanh thu, từ kết quả phân tích dữ liệu lớn, Viettel có thể đoán biết được khách hàng nào sắp rời bỏ mạng/dịch vụ của mình và do đâu. Từ đó, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ tìm biện pháp khắc phục trước khi vào thế đã rồi.
Trung tâm phân tích dữ liệu được thành lập vào tháng 8-2018, với hai mảng chính là công nghệ liên quan đến xử lý big data và phân tích chúng. “Chúng tôi cần làm chủ hoàn toàn công nghệ liên quan đến xử lý dữ liệu lớn và làm thế nào để thực sự kiếm ra tiền từ những dữ liệu mà Viettel vốn sở hữu rất nhiều”, ông Tám cho biết.
Công nghệ này thực tế còn rất mới trên thế giới. Chính vì vậy, khi được giao nhiệm vụ, tất cả cán bộ, công nhân viên trong trung tâm đặt ra mục tiêu bằng mọi giá phải chứng minh được tính hiệu quả trong việc phân tích dữ liệu lớn. Câu hỏi thường trực lúc đó là: Có data rồi, làm thế nào để sinh được tiền. Và phải đến khi các “bánh răng của bộ máy” vận hành trơn tru hơn, hai tháng sau, trung tâm mới kiến nghị lên Tập đoàn Viettel bản kế hoạch giai đoạn 2018-2020 trở thành đơn vị đứng đầu ở Việt Nam trong mảng phân tích dữ liệu lớn.
Chìa khóa của mô hình học máy, theo ông Đoàn Thanh Tám là phải “học liên tục”. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những khó khăn nhất định khi phải thuyết phục bằng được ban lãnh đạo không đánh giá ngay kết quả ban đầu. “Khi triển khai một trường hợp phân tích dữ liệu, nó không thể mang lại kết quả tốt ngay được”, ông nói và giải thích rằng máy học ở thời điểm ban đầu chỉ có được lượng tri thức trong quá khứ, không biết tương lai: “Mình đang dùng dữ liệu quá khứ để tiên đoán tương lai, do vậy, yêu cầu bước lọc rất nhiều. Những chương trình của chúng tôi hay rơi từ 2 đến 4 tuần, kết quả cũng có thể không thực sự tốt. Do vậy, rất cần người chỉ huy nhìn vào và hiểu được, chứ thấy làm một lần mà chưa ổn và bỏ luôn thì chịu. Máy được cập nhật, phản hồi bao nhiêu thì kết quả ra tốt bấy nhiêu”.
Hiện tại, Trung tâm Phân tích dữ liệu của Viettel đang hợp tác với các đối tác hàng đầu trong ngành như BCG, Cloudera... Các đơn vị này đều đánh giá cao về hệ thống, cấu trúc của trung tâm Viettel. Nhìn về tương lai xa hơn của ngành, ông Đoàn Thanh Tám nhận định, Việt Nam đang đi vào giai đoạn tương đối chín muồi. “Đã đến lúc để tập trung vào ngành phân tích big data”, ông Tám nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HƯƠNG ANH